(Toquoc)-Tình hình Libya hầu như vượt khỏi tầm kiểm soát.Khoảng 800 người chết khi lực lượng biểu tình đụng độ với an ninh.
(Toquoc)-Quân đội sử dụng biện pháp mạnh tay với người biểu tình. Khoảng 800 người thiệt mạng khi lực lượng biểu tình đụng độ với an ninh ở ngay thủ đô Tripoli. Tình hình Libya hầu như vượt khỏi tầm kiểm soát.
Biểu tình ở Libya bước sang ngày thứ 9. Khác với Ai Cập, ngay từ những ngày đầu bùng phát, chính quyền đã rất mạnh tay với những người biểu tình chống đối với hy vọng sẽ sớm chấm dứt tình trạng biểu tình, ổn định an ninh và trật tự trị an.
Máu đổ |
Tuy nhiên, tình hình ở Libya hiện nay không những không thấy có dấu hiệu cải thiện mà thậm chí còn ngày một nghiêm trọng thêm, số người chết do dẫm đạp lên nhau, do chống đối với lực lượng an ninh của Libya ngày càng nhiều, thiệt hại cho nền kinh tế đất nước ngày càng nặng nề.
Theo thông tin từ một trong những thành viên thuộc tòa án hình sự quốc tế ở Hague (Hà Lan) tiết lộ trên kênh truyền hình Al-Arabia, 800 người thiệt mạng do bạo loạn và đụng độ với lực lượng an ninh ở thủ đô Tripoli
Trong khi đó, tổ chức Human Rights Watch lấy thông tin từ hai bệnh viện trung tâm ở thủ đô của Libya cho biết, từ ngày 20/2 đã có ít nhất 62 người thiệt mạng do đụng độ.
Kênh truyền hình Al-Arabia lại trích nguồn tin từ tòa án hình sự quốc tế cho biết, tổng số nạn nhân thiệt mạng do bạo loạn đã lên tới 600 người trong khi ngày 21/2 Human Rights Watch đánh giá con số này chỉ vào khoảng 360 người.
Kênh Al Jazeera ngày 21/2 đưa tin máy bay quân sự đã tấn công các đám người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Tripoli trong khi họ đang tiến đến một căn cứ của quân đội. Dẫn lời của người biểu tình có tên Soula al-Balaazi, kênh trên cho biết máy bay quân sự và máy bay lên thẳng đã dội bom bừa bãi hết khu vực này tới khu vực khác và rất nhiều người đã thiệt mạng.
Thông tin của kênh Al Jazeera càng có cơ sở khi hai phi công trên hai chiếc Mirage F1 của Libya đang bỏ trốn sang Italy. Theo đó, sau khi nhận lệnh ném bom vào người biểu tình, hai phi công này đã kháng lại và bỏ trốn sang xin tị nạn ở Malta.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã ngày 22/2 đưa tin hơn 1.000 công nhân xây dựng người Trung Quốc tại Libya đã phải tháo chạy khi một toán cướp có vũ trang tấn công trụ sở công ty của họ để cướp máy tính và hành lý. Rất may là không có công dân Trung Quốc nào bị thương trong vụ cướp.
Người nước ngoài ở Libya rời khỏi đất nước đang đầy bất ổn
Trong khi sức ép từ người biểu tình đòi Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, người đã nắm quyền ở Libya từ năm 1969 đến nay từ chức ngày càng gia tăng thì ngay trong chính quyền của nước này cũng đang lục đục. Nhiều quan chức ngoại giao, đặc biệt là các đại diện của Libya ở Liên Hợp Quốc đều lên tiếng cáo buộc Tổng thống Gaddafi tội diệt chủng.
Đứng trước tình hình bất ổn đang ngày càng gia tăng và lan rộng, ngày 22/2, Tổng thống Gaddafi phát biểu trên truyền hình tuyên bố quyết tâm không rời đất nước và sẵn sàng chết như một “người tử đạo”. Ông kêu gọi nhân dân Libya giúp bảo vệ đất nước chống lại những kẻ khuấy động bất ổn, những người mà ông gọi là “ các băng đảng” hay “quân khủng bố”.
Hiện tại chính quyền Gaddafi đã mất quyền kiểm soát khu vực đông Libya và cả sự ủng hộ của các quan chức then chốt trong chính phủ.
Những người được chứng kiến tại Tripoli cho biết các máy bay trực thăng và các chiến đấu cơ tấn công các khu vực dân thường hôm 21/2, trong khi lính đánh thuê châu Phi và các phần tử vũ trang ủng hộ ông Gadhafi nổ súng bừa bãi để khủng bố dân chúng. Tuy nhiên, hôm qua, đài truyền hình nhà nước Libya nói rằng tin tức truyền thông nước ngoài về các vụ tàn sát tại Libya là những lời “bịa đặt” để phá hoại tinh thần công chúng.
Các nhà ngoại giao Libya tại nhiều nước đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với ông Gadhafi để phản đối các cuộc tấn công người biểu tình do lực lượng của ông gây ra. Hội đồng Bảo an LHQ hôm qua đã mở phiên họp đặc biệt để thảo luận về tình hình tại Libya.
Thế giới lo ngại dòng người tị nạn từ Libya
Các nước láng giềng cũng lo ngại dòng người tị nạn Libya ào sang một khi đất nước này xảy ra nội chiến. Một nguồn tin an ninh cho biết Ai Cập đã tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới với Libya nhằm đối phó với dòng người tị nạn và giúp công dân của nước này sơ tán khỏi Libya.
Dòng người tị nạn Libya đang có xu hướng đổ sang các nước láng giềng lánh nạn
Nguồn tin này còn cho biết quân đội Ai Cập đã cử thêm các đơn vị tới để đảm bảo an ninh dọc biên giới phía Bắc của nước này, khu vực giáp với Libya nhằm tạo điều kiện cho công dân nước này trở về an toàn.
Trong khi đó, nhiều nước như Italy, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ukraine... đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libya. Bộ Ngoại giao Italy ngày 21/2 cho biết nước này đã sẵn sàng thực hiện một kế hoạch sơ tán khẩn cấp cho 1.500 người Italy đang có mặt ở Libya nếu tình hình ở quốc gia châu Phi này trở nên xấu hơn. Pháp cũng cho biết sẽ cử 3 máy bay quân sự tới Libya để sơ tán công dân về nước.
Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay ngày 22/2 đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về hành vi trấn áp của các lực lượng an ninh Libya đối với người biểu tình.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) Ekmeleddin Ihsanoglu đã lên án sự đàn áp các cuộc biểu tình ở Libya và kêu gọi chấm dứt hành động sát thương "nhằm vào những người dân Libya vô tội." Ông Ihsanoglu cho rằng giới chức Libya cần đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình thông qua "các biện pháp hòa bình và đối thoại nghiêm túc".
Cộng đồng quốc tế cũng lo ngại trước cuộc khủng hoảng tại Libya, bởi làn sóng biểu tình tại nước này vừa đẩy giá dầu mỏ tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Từ đầu tuần, giá dầu đã leo thang vùn vụt, đạt tới 108 USD/thùng trên thị trường London lần đầu tiên từ năm 2008 đến nay. Giá dầu thô ở Mỹ hôm 21/2 tăng thêm 5 USD thùng chỉ trong 1 ngày, là mức tăng nhanh nhất từ 2 năm qua. Lý do chính vì tình hình bất ổn của Libya khiến sản lượng dầu tuột khoảng 100.000 thùng/ngày.
Giá dầu tăng kéo giá xăng tăng mạnh. Thị trường như lên cơn sốt vì tình hình dầu cung cấp từ Trung Đông và Bắc Phi có thể bị gián đoạn.
Có đến 90% dầu mỏ xuất cảng của Libya đến từ vùng Cyrenaica thuộc phía đông nước này, nơi các cuộc bạo động đẫm máu nhất và Tổng thống dường như đã mất khả năng kiểm soát ở khu vực này.
Giới phân tích lo ngại, cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội ở Trung Đông có thể làm thổi bùng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực đang nhen nhóm ở nhiều nơi trên thế giới./.
Võ Vân (Tổng hợp)