• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lịch sử: EU, Malaysia, Indonesia lập lực lượng đặc nhiệm về chính sách nông sản

Thế giới 30/06/2023 19:51

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, cuộc họp đầu tiên về lực lượng đặc nhiệm chống phá rừng 3 bên sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới.

Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung với Malaysia và Indonesia để hỗ trợ thực hiện quy định chống phá rừng mới của EU. Trước đó, những quy định này cũng đã khiến các nhà xuất khẩu nông sản của Đông Nam Á lo ngại.

Chính sách hướng tới bảo vệ môi trường

Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy trình sản xuất được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 vào thị trường EU.

Đây có thể nói là quyết định mang tính lịch sử, là động thái nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ. Đồng thời ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi. Quyết định này cũng thể hiện bước đi mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của châu Âu.

Quy định về Phá rừng của EU (EUDR) đã có hiệu lực từ thứ Năm (ngày 29/6). Kể từ khi được thông qua, EUDR đã trở thành một vấn đề nhức nhối giữa EU và cả Malaysia và Indonesia. Hai quốc gia này đều cho rằng quy định mới của EU phân biệt đối xử với ngành công nghiệp dầu cọ của họ.

EU, Malaysia, Indonesia lập lực lượng đặc nhiệm về chính sách nông sản lịch sử - Ảnh 1.

Bà Florika Fink-Hooijer, Tổng giám đốc về môi trường của Ủy ban châu Âu (EC),chia sẻ tại Kuala Lumpur. Ảnh: Nikkei Asia.

Malaysia và Indonesia, những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã cử một phái đoàn chung tới Brussels vào tháng 5 vừa qua để thảo luận về những lo ngại đó. Đầu tháng này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, trong cuộc gặp song phương, cũng đã cam kết hợp tác để đưa ra lập trường chung với những quy định mới của EU.

Trong khi quy định này vẫn được đưa vào thực thi bất chấp những lo ngại từ cả nông dân và chính phủ Indonesia và Malaysia, các quan chức cấp cao của EU đã đến thăm hai nước trong tuần này để gặp gỡ hai bộ trưởng phụ trách.

Florika Fink-Hooijer, Tổng giám đốc về môi trường của Ủy ban châu Âu (EC), thông tin với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn ở Kuala Lumpur rằng các bên đã đồng ý thành lập lực lượng đặc nhiệm để giải quyết các vấn đề ở cả cấp độ quan chức cao cấp và cấp độ kỹ thuật, đồng thời mong muốn bắt đầu cuộc họp đầu tiên vào tháng 8 để thảo luận về các thủ tục thực hiện liên quan đến các hộ sản xuất dầu cọ quy mô nhỏ, quá trình truy xuất nguồn gốc và thẩm định sản phẩm.

"Chúng tôi có một thỏa thuận về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm, và sau đó nhanh chóng đưa lực lượng này vào vận hành một cách năng động. Quá trình vận hành sẽ tùy thuộc vào những mối quan tâm của các bên là gì, những vấn đề cần giải quyết cũng như từ quan điểm thực tế", bà Florika Fink-Hooijer nói.

Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy hợp tác xuất khẩu

Theo một tuyên bố chung được công bố hôm thứ Năm (ngày 29/6), lực lượng đặc nhiệm chung sẽ tập trung vào các mặt hàng có liên quan ở cả hai nước, đặc biệt là dầu cọ, gỗ, cao su, cà phê và ca cao. "Khi cần thiết, các vấn đề có thể được giải quyết theo cách tiếp cận cụ thể của từng quốc gia một cách toàn diện và minh bạch trong khuôn khổ của Lực lượng đặc nhiệm chung", tuyên bố nêu rõ.

Bà Fink-Hooijer cũng nói rằng việc thể hiện tiếng nói chung vào tháng trước của Malaysia và Indonesia đã được EU "rất hoan nghênh". "Tôi nghĩ việc các nguyên thủ Malaysia và Indonesia đến để bày tỏ quan ngại của họ tại Brussels cũng rất hữu ích," bà nói, đề cập đến Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof và Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, hai người dẫn đầu phái đoàn chung tới EU. "Chúng tôi muốn hợp tác để giải thích và đi đến triển khai một số hoạt động thực tiếp theo tế", bà thông tin thêm.

Theo quy định của EU, thương nhân và các tổ chức bán sản phẩm tại thị trường EU sẽ có thời hạn đến tháng 12 năm 2024 để đi vào tuân thủ. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ được miễn áp dụng các quy tắc thẩm định cho đến giữa năm 2025. Các quy tắc mới cũng yêu cầu thương nhân chứng minh các sản phẩm xuất khẩu vào EU không liên quan đến việc phá rừng.

Các quy định mới cũng yêu cầu tất cả những người kinh doanh các mặt hàng được chỉ định và các sản phẩm phụ phải tuân thủ các nghĩa vụ thẩm định nghiêm ngặt khi xuất khẩu hoặc kinh doanh trong lãnh thổ EU. Các nghĩa vụ này bao gồm các yêu cầu truy xuất nguồn gốc và dữ liệu định vị địa lý để tăng cường tính minh bạch.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ