• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lịch sử quan hệ Nga - Gruzia

Thế giới 15/12/2008 14:25

Ngày 12/8, Nga và Gruzia đã nhất trí trên nguyên tắc về một kế hoạch đình chiến do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm trung gian, kết thúc 5 ngày giao tranh ác liệt giữa quân đội hai bên.

Ngày 12/8, Nga và Gruzia đã nhất trí trên nguyên tắc về một kế hoạch đình chiến do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm trung gian, kết thúc 5 ngày giao tranh ác liệt giữa quân đội hai bên.

Tuy chưa phải là thỏa thuận hòa bình, nhưng kế hoạch 6 điểm mà Tổng thống Pháp, nước hiện giữ vị trí Chủ tịch luân phiên EU, đưa ra yêu cầu Nga và Gruzia ngay lập tức chấm dứt mọi hành động thù địch và cho phép các tổ chức quốc tế tự do ra vào khu vực này để cứu trợ nhân đạo. Ngoài ra, kế hoạch cũng kêu gọi quân đội hai bên rút về các vị trí như trước khi xảy ra chiến sự và tổ chức các cuộc đàm phán quốc tế về địa vị tương lai của Nam Ossetia và Abkhazia.
Mặc dù nhất trí về các nguyên tắc chung của kế hoạch hòa bình do Tổng thống Sarkozy đưa ra, hai bên vẫn còn bất đồng về một số vấn đề như: sự hiện diện của lính gìn giữ hòa bình Nga tại Nam Ossetia và Abkhazia; cách thức tiến hành các cuộc thảo luận quốc tế về địa vị tương lai của hai tỉnh tự trị này…
Cùng nhìn lại lịch sử phức tạp trong quan hệ Nga – Gruzia từ 1991 đến nay.
Năm 1991: Gruzia tuyên bố độc lập sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Nam Ossetia bị sáp nhập bằng sức mạnh vào Gruzia tuy không có cùng dân tộc và văn hóa với nước này.
Năm 1992 - 1994: Các nhóm sắc tộc thiểu số ở Nam Ossetia và Abkhazia tiến hành một cuộc chiến tranh nhằm li khai khỏi Gruzia, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Nam Ossetia và Abkhazia đã nhận được sự ủng hộ đáng kể về tài chính và chính trị từ Nga. Tuy nhiên, Nam Ossetia và Abkhazia không được quốc tế công nhận do đó vẫn chính thức tồn tại như một phần lãnh thổ của Gruzia.
Năm 1994: Theo Hiệp định ngừng bắn, một lực lượng gìn giữ hòa bình với chủ yếu là các binh sĩ Nga được triển khai tại Abkhazia. Quân đội Nga cũng đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia.
Năm 2000: Tổng thống mới của Nga Vladimir Putin áp dụng luật cấp thị thực đối người Gruzia nhập cảnh vào Nga, trong khi không áp dụng luật này đối với công dân của 12 nước khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Năm 2002: Quan hệ Gruzia - Nga đã trở nên căng thẳng cao độ khi Nga đã nhiều lần cáo buộc Gruzia dung túng quân khủng bố Tresnia ẩn náu tại vùng núi Pankisi (thuộc lãnh thổ Gruzia giáp Nga), để chúng sử dụng nơi đây làm căn cứ tấn công Nga. Trong khi đó, Gruzia cáo buộc Nga tiến hành các cuộc không kích vào khu vực Pankisi.
Gruzia nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến quan hệ hai nước trở nên xấu đi. Gruzia cũng trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ sau khi đồng ý với kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí đốt từ biển Caspean đến Thổ Nhĩ Kỳ mà không đi qua Nga.
Năm 2003: “Cuộc cách mạng Hoa hồng” tại Gruzia đã lật đổ Tổng thống Eduard Shevarnadze và đưa ông Mikheil Saakashvili lên nắm quyền. Ngay lập tức, Tổng thống Mikheil Saakashvili đã thực hiện chính sách ủng hộ phương Tây nhằm trở thành thành viên của NATO, và tiến hành cải cách kinh tế và chính phủ .
Năm 2004: Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Gruzia, quan hệ giữa Gruzia và Nga đã xấu đi nghiêm trọng. Tổng thống Saakashvili đã tìm cách đưa Gruzia thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, đồng thời tìm cách liên minh với Mỹ và Châu Âu.
Năm 2005: Bất chấp sự căng thẳng gia tăng với chính phủ Gruzia của Tổng thống Saakashvili, Nga đã đồng ý di chuyển các căn cứ quân sự từ thời Liên Xô cũ ra khỏi lãnh thổ Gruzia vào cuối năm 2008.
Năm 2006: Gruzia bắt 4 quân nhân Nga khi cáo buộc những người này hoạt động gián điệp. Nga đáp trả bằng việc mở rộng trừng phạt kinh tế, cắt bỏ tất cả các tuyến du lịch, trục xuất hàng trăm người Gruzia thiểu số khỏi Nga, và ngừng việc nhập khẩu hàng hóa từ Gruzia.
Ngày 21/2/2008: Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, Tổng thống Gruzia Saakashvili sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước nếu Gruzia gia nhập NATO.
Ngày 3/4/2008: Tại hội nghị thượng đỉnh NATO nhóm họp tại Bucharest, các nước thành viên NATO đã nhất trí để Gruzia và Ukraine gia nhập Khối này vào cùng một ngày.
Ngày 16/4/2008: Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị cho chính phủ thiết lập quan hệ gần gũi hơn với hai vùng lãnh thổ đòi độc lập là Abkhazia và Nam Ossetia. Gruzia tuyên bố sắc lệnh này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngày 20/4/2008: Gruzia cáo buộc một chiếc máy bay chiến đấu Mig-29 của Nga bắn hạ một máy bay không người lái của Gruzia trên bầu trời của Abkhazia. Nga bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 21/4/2008: Gruzia buộc tội Nga bắn hạ hai máy bay do thám không người lái của mình. Phía Nga đã phản bác khi tuyên bố Gruzia đang cố tình làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước.
Ngày 29/4/2008: Nga đưa thêm lực lượng gìn giữ hòa bình tới Abkhazia khi lo ngại Gruzia sử dụng các biện pháp quân sự.
Ngày 6/5/2008: Gruzia tuyên bố việc gia tăng quân số của Nga tại Abkhazia đã đưa đến gần nguy cơ của cuộc một cuộc chiến tranh.
Ngày 30/5/2008: Gruzia tuyên bố dừng các chuyến bay do thám không người lái tại khu vực li khai Abkhazia.
Ngày 31/5/2008: Nhà lãnh đạo Nga V.Putin tuyên bố ủng hộ kế hoạch tự trị của Abkhazia nhưng không phải là độc lập hoàn toàn.
Ngày 5/7/2008: Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khuyến cáo Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili không làm gia tăng căng thẳng tại khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia, đồng thời yêu cầu ông Saakashvili tiếp tục đối thoại với tất cả các bên liên quan.
Quân đội Nga tiến vào Tskhinvali
Ngày 8/7/2008: Hai ngày sau khi cáo buộc máy bay chiến đấu của Nga bay vào không phận Nam Ossetia, Gruzia triệu hồi đại sứ từ Moscow về nước để phản đối.
Ngày 7/8/2008: Nga cáo buộc Gruzia chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tại Nam Ossetia sau khi đã pháo kích vào khu vực này.
Đêm 7 rạng ngày 8/8/2008: Bất chấp lệnh ngừng bắn được kí vài giờ trước đó, Gruzia tấn công Nam Ossetia, và kiểm soát thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia.
Cùng ngày, Nga đưa quân vào Nam Ossetia với tuyên bố để bảo vệ người dân Nga tại Nam Ossetia. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cam kết bảo vệ công dân của mình “đang bị tấn công” tại Nam Ossetia, nơi có nhiều người gốc Nga và người mang quốc tịch Nga sinh sống.
Ngày 9/8/2008: Nga cắt mọi giao thông liên lạc đường không tới Gruzia.
Tổng thống Gruzia quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật trong cả nước, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực xung đột Nam Ossetia.
Ngày 10/8/2008: Các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga giành quyền kiểm soát hầu hết các khu vực thuộc thủ phủ Tskhinvali.
Bộ Ngoại giao Gruzia ra tuyên bố cho biết Gruzia đã ra lệnh cho quân đội ngừng bắn tại Nam Ossetia, đồng thời yêu cầu Nga tiến hành đối thoại ngay lập tức để chấm dứt chiến tranh.
Ngày 11/8/2008: Nga bác bỏ đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn của Gruzia, và cáo buộc Gruzia vẫn tiếp tục sử dụng vũ lực tại Nam Ossetia.
Ngày 12/8/2008: Nga và Gruzia đạt thỏa thuận đình chiến.
PV (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ