• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên hợp quốc cảnh báo mối đe dọa hạt nhân đối với nhân loại

Thế giới 02/08/2022 14:08

(Tổ Quốc) - Người đứng đầu Liên hợp quốc ngày 1/8 đã cảnh báo rằng chỉ một tính toán sai lầm hoặc một tình huống hiểu lầm có thể dẫn đến hủy diệt hạt nhân.

Theo hãng AP, tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres là lời cảnh báo trước diễn biến leo thang ở Ukraine, thách thức hạt nhân ở châu Á và Trung Đông cũng như nhiều yếu tố khác.

Liên hợp quốc cảnh báo mối đe dọa hạt nhân đối với nhân loại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ trong lễ khai mạc cuộc họp cấp cao kỷ niệm 50 năm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới nỗ lực về một thế giới không vũ khí hạt nhân. Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) diễn ra vào ngày 1/8 ở New York, Mỹ. Hội nghị từng hoãn tổ chức nhiều lần từ năm 2020 do đại dịch và sẽ kéo dài đến ngày 26/8.

Trước các thách thức hạt nhân ngày càng gia tăng, bài phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thể hiện sự nhất trí với các bước trong tương lai nhằm đảm bảo cam kết trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lưu ý đến các vấn đề nóng hiện nay liên quan đến hạt nhân bao gồm việc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, việc Iran dường như "không muốn hoặc không thể" chấp nhận trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 hay việc Nga đang tham gia hành động quân sự ở Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết sự chia rẽ trên thế giới đang ngày càng lớn hơn. Những thách thức về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine có thể gây ra lo lắng cho thế giới. Một thảm họa khác do vũ khí hạt nhân gây ra "có thể trở thành sự thật".

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cho rằng tình hình Nga - Ukraine đang mang đến rủi ro cao sau những cam kết về NPT trong suốt 5 thập kỷ qua.

Mỹ, Anh và Pháp ngày 1/8 tái khẳng định cam kết với NPT trong thông báo chung, cho rằng"không quốc gia nào có thể giành chiến thắng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra và điều này sẽ không bao giờ được phép xảy ra". Ba nước kêu gọi Nga tôn trọng các cam kết quốc tế trong NPT.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cho rằng Moscow vẫn nhất quán tuân theo tinh thần và cam kết từ NPT và mong tất cả các bên "tuân thủ nghiêm túc các cam kết của mình" cũng như "đóng góp đáng kể" cho hội nghị nhằm ngăn chặn không phổ biến vũ khí hạt nhân đồng thời đảm bảo hòa bình, an ninh và sự ổn định trên thế giới.

"Chúng tôi tin tưởng rằng vũ khí hạt nhân không thể mang đến chiến thắng. Chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế cho biết căng thẳng leo thang ở Ukraine là nghiêm trọng đến mức có thể gây ra cuộc đối đầu hạt nhân tiềm tàng và là một thách thức đáng lo ngại.

Cảnh báo nguy cơ về vũ khí hạt nhân

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định hội nghị diễn ra vào thời điểm nguy cơ hạt nhân đang là rủi ro lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

"Hội nghị là cơ hội đưa ra các biện pháp nhằm giúp thế giới tránh nguy cơ rơi vào thảm họa và mở ra một lộ trình mới hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân", Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Guterres cũng cho rằng vũ khí hạt nhân vẫn đang đạt đỉnh cao mới, ước tính gần 13.000 vũ khí hạt nhân đang có trong các kho vũ khí trên khắp thế giới và các quốc gia vẫn đang chi hàng trăm tỷ đôla cho "vũ khí ngày tận thế". Nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân đang gia tăng và khả năng ngăn chặn leo thang đang suy yếu dần trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ bùng phát từ Trung Đông, bán đảo Triều Tiên đến Ukraine.

Tổng thư ký Guterres đã kêu gọi sự khẩn trương và tái khẳng định cam kết ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có cam kết giảm kho vũ khí, giải quyết căng thẳng từ Trung Đông hay châu Á cũng như thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Kể từ năm 1970, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT có sự tham gia của khoảng 191 quốc gia. 5 siêu cường hạt nhân tham gia là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã đồng ý đàm phán nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và các quốc gia không có vũ khí hạt nhân đã cam kết sẽ không mua chúng vì mục tiêu hòa bình.

Đến hiện tại, Ấn Độ và Afghanistan không tham gia NPT. Triều Tiên cũng vậy. Israel không ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân/.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ