(Tổ Quốc) - Liên hợp quốc cảnh báo mức độ gia tăng về thảm họa thiên tai có thể xảy ra "đáng kinh ngạc" trong suốt 20 năm qua.
Giới nghiên cứu chỉ ra các thất bại của thế giới trong nỗ lực thực hiện các hành động nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự thất bại hầu hết của các quốc gia trong việc ngăn chặn số ca tử vong và bệnh tật bất chấp các cảnh báo của các chuyên gia y tế.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000 và 2019, Văn phòng Giảm thiểu rủi ro dịch bệnh của Liên hợp quốc (UNDRR) thống kê có khoảng 7348 thảm họa thiên tai, bao gồm động đất, sóng thần và bão tố, đã cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người và ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người cũng như gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 2,97 nghìn tỷ đôla.
Con số này đang gấp đôi so với thảm họa kỷ lục trong những năm 1980-1999, Liên hợp quốc cho biết.
Hầu hết các thảm họa đều liên quan đến biến đổi khí hậu. Giới nghiên cứu cho rằng các hiện tượng lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng liên tục xảy ra trong 20 năm qua. Sự gia tăng mạnh mẽ do nhiệt độ toàn cầu tăng lên khiến các nhà khoa học nghi ngờ về hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết.
Châu Á hiện là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa thiên tai trong suốt 20 năm qua. Ước tính châu Á có khoảng 3068 vụ thiên tai từ năm 2000 đến năm 2019, tiếp đến là châu Mỹ và sau cùng là châu Phi.
Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong hai thập kỷ qua là Trung Quốc với khoảng 500 thảm họa thiên tai, sau đó là Mỹ có khoảng 467 thảm họa thiên tai.
Báo cáo cho biết, một số nước đã đạt được thành công trong nỗ lực bảo vệ người dân trên thế giới trước sức mạnh của thiên tai nhờ có các hệ thống cảnh báo sớm và ứng phó tốt hơn. Các cơ quan quản lý thiên tai tại các nước như Bangladesh và Ấn Độ đã cứu sống nhiều người dân vì công tác chuẩn bị tốt đối phó với lốc xoáy và lũ lụt. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cảnh báo rằng một số quốc gia phát triển công nghiệp đang thất bại trong nỗ lực giảm phát khí thải nhà kính theo đúng mục tiêu mong muốn trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
Giới nghiên cứu đã kêu gọi các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa giảm thiểu rủi ro thiên tai và chuẩn bị tốt hơn đối phó với thảm họa khí hậu tương lai.