(Tổ Quốc) - Sau 3 ngày xác lập kỷ lục mới về nắng nóng được ghi nhận toàn cầu, Liên hợp quốc đã kêu gọi thế giới cần nỗ lực hơn nữa để có giải pháp ứng phó với xu hướng nhiệt độ tăng cao, còn gọi là "dịch bệnh nắng nóng khắc nghiệt".
"Dịch bệnh nắng nóng cực độ"
Theo hãng AP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuần trước đã nhấn mạnh 22/7 là ngày nóng kỷ lục – thiết lập kỷ lục mới toàn cầu. Trái đất đang trở nên nóng hơn và nguy hiểm hơn cho mọi người ở mọi nơi.
Theo một báo cáo mới của các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, gần 1/2 triệu người mỗi năm tử vong liên quan đến nhiệt độ trên Trái đất, cao hơn nhiều so với các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão.
"Hàng tỷ người đang phải đối mặt với dịch bệnh nắng nóng cực độ – héo mòn dưới những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm lên tới 50 độ C trên khắp thế giới", Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nói.
Những cảnh báo nghiêm trọng được đưa ra sau đợt nắng nóng lập kỷ lục mới trong năm nay. Cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus ước tính rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày 23/7 thấp hơn 0,01 độ C (0,01 độ F) so với mức cao nhất mọi thời đại là hôm 22/7 nhưng lại cao hơn 0,06 độ C so với ngày 21/7.
Cả ba ngày (21,22,23/7) đã được ghi nhận nóng hơn so với mức kỷ lục trong năm 2023.
"Chúng ta đều chưa chuẩn bị cho điều này", Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói.
Trước diễn biến thời tiết hiện tại, ông Guterres đã kêu gọi các nước trên thế giới nên áp dụng một số khuyến nghị nhằm giảm tử vong do nhiệt, bắt đầu bằng việc làm mát và tích cực chăm sóc những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người nghèo, người cao tuổi, trẻ nhỏ và người bệnh.
Liên Hiệp Quốc cũng khuyến nghị các quốc gia trên thế giới nên đưa ra cảnh báo nắng nóng tốt hơn, tăng cường hệ thống làm mát thụ động, cải thiện thiết kế đô thị, bảo đảm cân bằng nhiệt độ cho người lao động bên ngoài, cũng như nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các quan chức cũng khẳng định Liên hợp quốc sẽ cùng các quốc gia khác tham gia thực hiện, cung cấp viện trợ và phối hợp, đặc biệt là tăng cường hệ thống cảnh báo thời tiết.
"Nếu các quốc gia áp dụng khuyến nghị chống nắng nóng của Liên hợp quốc thì các biện pháp này có thể bảo vệ 3,5 tỷ người vào năm 2050, đồng thời cắt giảm khí thải và tiết kiệm cho người tiêu dùng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm", ông Guterres nhấn mạnh.
Mối đe dọa ngày càng gia tăng
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Khí tượng Thế giới, hệ thống cảnh báo nhiệt độ - sức khỏe - hoạt động tốt ở 57 quốc gia - có thể cứu sống 98.314 người mỗi năm.
"Nắng nóng bao phủ ở khắp mọi nơi nhưng sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người như nhau. Tuy nhiên, nắng nóng cực độ đã gây ra bất bình đẳng, mất an ninh lương thực và đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói hơn", ông Guterres nhấn mạnh.
Hơn 1.300 người đã thiệt mạng trong cuộc hành hương Hajj năm nay sau khi đi bộ dưới cái nóng như thiêu đốt. Đầu năm nay, các đợt nắng nóng kéo dài ở Ấn Độ đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng.
Căn cứ theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Mỹ có số ca tử vong do nắng nóng được ghi nhận nhiều nhất vào năm 2023 trong hơn 80 năm. Giấy chứng tử của hơn 2.300 người đề cập đến nắng nóng quá mức, trong đó có 874 trường hợp tử vong ở bang Arizona.
Nắng nóng chết người không phải là hiện tượng mới, nhưng các nhà khoa học cho biết nó đã bị khuếch đại về quy mô, tần suất và thời gian do biến đổi khí hậu.
Theo ông Guterres, nắng nóng cực độ, cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và những cơn bão dữ dội hơn bao giờ hết là những triệu chứng và "chúng ta cần phải chiến đấu với căn bệnh này".
"Căn bệnh này là sự điên rồ đã thiêu hủy nhiều ngôi nhà của chúng ta. Căn bệnh này là chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch", Tổng thư ký Liên hợp quốc mô tả.
Giám đốc Copernicus Carlo Buontempo cũng khẳng định nhân loại hiện đang "hoạt động trong một thế giới vốn đã ấm hơn nhiều so với trước đây".
"Tiếng chuông thông báo đều đặn các kỷ lục nóng nhất trong những ngày gần đây vì ba lý do chính. Đầu tiên là nắng nóng được ví như 'kẻ giết người'. Thứ hai là tác động đến sức khỏe con người trở nên nghiêm trọng hơn nhiều khi các đợt nắng nóng kéo dài. Thứ ba là kỷ lục ngày nóng nhất trong năm nay là một điều đáng ngạc nhiên", nhà khoa học khí hậu Chris Field của Đại học Stanford nói.
Ông Field lưu ý nhiệt độ cao này "nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu".
Trong khi đó, Kristie Ebi, Giáo sư khí hậu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington nhận định nhiệt độ được gọi là kẻ giết người thầm lặng là có lý do. Mọi người thường không biết mình đang gặp rắc rối với nắng nóng cho đến khi quá muộn.
Theo chuyên gia Buontempo, 13 tháng qua đều đã lập kỷ lục về nhiệt độ. Các đại dương trên thế giới đã phá kỷ lục về nhiệt độ trong 15 tháng liên tiếp và nhiệt độ ở Nam Cực ấm áp bất thường đang góp phần đẩy lên mức kỷ lục./.