(Tổ Quốc) - Tòa án Liên Hợp Quốc ngày 3/10 đã yêu cầu Mỹ đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với hàng hóa "nhân đạo" cho Iran –động thái đánh dấu một bước lùi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có trụ sở tại Hà Lan - đã đưa ra phán quyết trên sau khi Iran yêu cầu ngừng các biện pháp kinh tế mà ông Trump đã áp đặt vào nước này sau khi rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Tehran.
Các thẩm phán ở Hague nhất trí đưa ra phán quyết rằng, các lệnh trừng phạt của Washington đối với một số hàng hóa (tới Iran-pv) đã vi phạm một hiệp ước hữu nghị năm 1955 giữa Iran và Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Iran đang ngày càng xuống thấp sau một loạt bất đồng giữa hai bên. (Nguồn: AFP) |
"Tòa án nhất trí rằng ... Mỹ ... sẽ loại bỏ, bằng bất cứ phương thức nào nước này tự chọn, mọi trở ngại bắt nguồn từ việc áp đặt các đòn trừng phạt được tuyên bố ngày 8/5 nhằm vào hoạt động xuất khẩu sang Iran thuốc men, thiết bị y tế, lương thực-nông sản" và các thiết bị phụ tùng máy bay, Chủ tịch ICJ Abdulqawi Ahmed Yusuf nói.
Tòa án này cũng cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ về hàng hóa "cần thiết cho nhu cầu nhân đạo ... có thể có một tác động bất lợi nghiêm trọng đến y tế và cuộc sống của người dân tại các vùng lãnh thổ của Iran".
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng có khả năng đe dọa an ninh hàng không dân dụng ở Iran và đời sống của người dùng.
Ông Trump tháng 8 đã áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên vào Iran sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA). Vòng trừng phạt thứ 2 dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11.
ICJ là cơ quan giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và các quyết định của tòa mang tính ràng buộc, nhưng lại không có thẩm quyền để thi hành.
Trước khi phán quyết này được đưa ra, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng các biện pháp trừng phạt (của Mỹ nhằm vào Iran-pv) là một hình thức "chiến tranh tâm lý" nhằm thay đổi chế độ.
"Cuộc chiến kinh tế mà Mỹ và một số khách hàng khu vực của họ đang tiến hành chống lại Iran là chiến tranh tâm lý nhiều hơn chiến tranh kinh tế thực sự", ông Zarif nói với đài BBC.
Trong bốn ngày điều trần vào cuối tháng 8, các luật sư của Iran đã cáo buộc Washington “bóp nghẹt” nền kinh tế của họ.
Về phần mình, Washington đã nói một cách mạnh mẽ rằng tòa án không có thẩm quyền phán quyết trường hợp này vì nó liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.