(Tổ Quốc) - Sau một hội nghị thượng đỉnh NATO đầy căng thẳng, Liên minh châu Âu ngày càng ít trông đợi vào Nhà Trắng.
Mối quan hệ này ngày càng xuống thấp hơn khi Tổng thống Trump có cuộc gặp mặt ấm cúng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan.
Trước diễn biến này, các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU đã hướng sang phía đông, tìm tới Nhật Bản và Trung Quốc để củng cố niềm tin, tình bạn và hợp tác mà họ chưa thể nhận được từ một đồng minh thế kỷ.
Điểm khủng hoảng của liên minh xuyên Đại Tây Dương
Việc ông Trump phát triển quan hệ với ông Putin và EU tiếp cận sang châu Á đã cho thấy sự rạn nứt giữa liên minh xuyên Đại Tây Dương đang gia tăng từng ngày.
Trước đó, việc mối quan hệ Mỹ - EU đi xuống đã dần xuất hiện từ khi ông Trump, với chiến lược “Ưu tiên nước Mỹ” tiến vào Nhà Trắng. Cho tới nay, liên tiếp có những dấu hiệu từ chính quyền Mỹ cho thấy sự chia rẽ với châu Âu, đặc biệt là sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu và thỏa thuận hạt nhân Iran mà EU cũng tham gia.
Ngay sau đó, ông Trump cũng đã đưa ra hàng loạt các rào cản kinh tế với các mức thuế cao đối với thép và nhôm châu Âu. Và đến hội nghị thượng đỉnh NATO. Trước khi diễn ra đã bị phủ bóng lo ngại, và thực tế diễn ra thì còn nghiêm trọng hơn.
Châu Âu đã rất lo ngại về thượng đỉnh Helsinki giữa ông Trump và ông Putin. (Nguồn: AP) |
Đầu tiên, ông Trump gọi Đức – một cường quốc của Liên minh châu Âu là "con tin" của Nga. Sau đó, ông nói rằng Anh nên "kiện" EU về các điều khoản Brexit. Cuối cùng, ông đã kết thúc bằng cách gọi khối 28 quốc gia là "kẻ thù" thương mại.
Và việc châu Âu thất vọng mạnh với Mỹ gần đây mới trở nên rõ nét."Với một người bạn như vậy, ai cần kẻ thù cơ chứ?" Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ hai tháng trước.
Ông Tusk cũng đã phát biểu ngày 17/7 rằng, "bóng tối ngày càng bao trùm chính trị quốc tế".
"Đối với ông Trump, việc phân định bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ, kẻ thù không tồn tại. Đối với ông ấy chỉ có bản thân mình", người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Đức, Norbert Roettgen nói.
"Hội nghị thượng đỉnh Helsinki này, vượt lên tất cả, là một lời kêu gọi thức tỉnh khác dành cho châu Âu", ông Manfred Weber, người đứng đầu nhóm trung hữu EPP - nhóm chính trị lớn nhất và nhiều ảnh hưởng nhất tại Nghị viện châu Âu cho hay.
"Châu Âu chúng ta phải nắm lấy số phận của chúng ta trong tay của chính mình."
Đó là một lời nhận xét đầy bất ngờ đến từ một người có cùng lập trường với Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức, với những nhà lãnh đạo như Angela Merkel, Helmut Kohl và Konrad Adenauer- vốn ủng hộ mạnh mẽ quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong suốt ba phần tư thế kỷ qua.
Cứu cánh từ phương Đông?
Vì vậy, không khó để hiểu việc EU đã dịch chuyển để tìm bạn bè ở nơi khác - và tìm thấy một bên thứ ba tại Nhật Bản, nơi liên mình này vừa nói rằng họ đã đạt được một "thỏa thuận thương mại song phương lớn hơn bao giờ hết."
Cách đây hai năm, khái niệm trên được gắn với Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương -TTIP, thỏa thuận thương mại giữa EU và Hoa Kỳ. Nhưng ông Trump nhanh chóng làm rõ rằng một thỏa thuận quốc tế như vậy sẽ chưa xảy ra trong nhiệm kì của ông.
"Đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, vào thời điểm một số người đang đặt câu hỏi về vấn đề này", ông Tusk phát biểu tại một cuộc họp báo chung tại Tokyo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi hai bên kí kết thỏa thuận thương mại lịch sử.
"Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sát cánh cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ."
Tuy nhiên, việc tách biệt hoàn toàn với Mỹ vẫn là một thách thức khó khăn đối với châu Âu.
Về mặt quân sự, với ngoại lệ của Pháp và Anh, các đồng minh châu Âu khác đã sống dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ kể từ Thế chiến II. Hợp tác quốc phòng bên ngoài liên minh NATO hiện chưa có nhiều khởi sắc, trong khi tiến trình đàm phán Brexit đầy khó khăn khiến sự đa dạng đối tác quốc phòng của EU trở nên khó đoán hơn.
Một chiều hướng quân sự như vậy, và mối liên hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ, lâu nay đã một sự cộng hưởng, đặc biệt là tại các quốc gia như Ba Lan và các nước vùng Baltic – đang e ngại sức mạnh quân sự gia tăng của Nga.
Do đó, hội nghị thượng đỉnh Helsinki ngày 16/7 đã được chú ý với nhiều lo ngại rằng, ông Trump có thể có những nhượng bộ đáng kể đối với ông Putin và không duy trì lực lượng đáng kể ở châu Âu nữa.
Hiện tại, mặc dù mối quan hệ Mỹ - EU đã liên tục rơi xuống mức thấp mới gần như theo từng tuần, EU vẫn sẽ thực hiện một nỗ lực khác trong tháng này để khắc phục những bất đồng. Châu lục già biết rằng cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm tổn thương tất cả. Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker sẽ đến thăm Tổng thống Trump ở Washington vào ngày 25/7.