• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên minh Mỹ, Nhật, Hàn tung tín hiệu về Triều Tiên

Thế giới 15/02/2022 18:48

(Tổ Quốc) - Trong các cuộc đàm phán ba bên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh này trong việc đối phó với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời thúc giục Bình Nhưỡng quay lại đối thoại.

Trong bối cảnh Triều Tiên thực hiện hàng loạt các vụ thử tên lửa trong tháng Một, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong đã gặp người đồng cấp Mỹ và Nhật vào thứ Bảy tuần qua tại Honolulu, Hawaii.

Cuộc họp ngoại trưởng này diễn ra chỉ hai ngày sau khi các đặc phái viên hạt nhân của ba nước gặp nhau để thảo luận về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Tăng cường thông điệp đối thoại

"Chúng tôi tái khẳng định rằng ngoại giao và đối thoại với Triều Tiên có tầm quan trọng lớn hơn bao giờ hết. Và để thúc đẩy quan hệ với Bình Nhưỡng, chúng tôi đã trao đổi quan điểm về nhiều biện pháp thực tế khác nhau", ông Chung Eui-yong phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp 3 bên.

Ông Chung Eui-yong không nêu rõ các biện pháp nào đã được thảo luận trong cuộc họp nhưng kêu gọi Bình Nhưỡng "đáp lại và nhanh chóng quay trở lại đối thoại và ngoại giao".

Liên minh Mỹ, Nhật, Hàn tung tín hiệu về Triều Tiên - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc gặp cuối tuần qua về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: US State Department.

Để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhắc lại rằng Washington "không có ý định thù địch" đối với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã nhiều lần yêu cầu Washington có hành động cụ thể để rút lại cái gọi là "chính sách thù địch", bao gồm việc dừng tất cả các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Phía Triều Tiên coi đây là một tiền đề cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, thông điệp từ ông Blinken cho thấy nhượng bộ duy nhất mà Mỹ sẵn sàng đưa ra là tổ chức một cuộc đối thoại "không có điều kiện tiên quyết".

Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) vào ngày 30/1. Kể từ đó, nước này đã tạm dừng các vụ thử tên lửa do Thế vận hội mùa đông đang diễn ra ở Bắc Kinh – một đồng minh lớn của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, dự kiến là nhân ngày sinh của ông Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, vào ngày 16/2, Bình Nhưỡng có thể sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh hoặc thử nghiệm các tên lửa tiên tiến một lần nữa trong những tuần tới.

Triều Tiên gần đây đã công bố kế hoạch 5 năm phát triển năng lực quân sự và hệ thống phòng thủ của nước này vào tháng 1/2021 và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là một phần của nỗ lực đó.

Trong bối cảnh Washington bị phân tâm bởi nguy cơ Nga hành động nhằm vào Ukraine, Bình Nhưỡng có thể sẽ nắm lấy thế chủ động để phô trương năng lực hạt nhân và tên lửa của mình. Miễn là Triều Tiên không vượt qua ranh giới đỏ bằng cách tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Bắc Kinh và Moscow sẽ ủng hộ Bình Nhưỡng trong cuộc đối phó với Washington. Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn việc Mỹ thúc đẩy áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 5 người Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng trước.

Khó lường từ tình hình chính trường Hàn Quốc

Về phía Hàn Quốc, tiến trình hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trên thực tế đã kết thúc khi mà không có kết quả thực chất nào về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ bầu người kế nhiệm ông Moon vào tháng 3 và nhiệm kỳ của ông Moon sẽ kết thúc vào tháng 5. Như vậy, bất kỳ bước đột phá nào cũng khó có thể xảy ra trước thời điểm đó.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Moon nói rằng đối thoại là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề với Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng người kế nhiệm sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình nhằm mang lại hòa bình và thịnh vượng vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Hiện tại, chiến dịch tranh cử tổng thống đang là một cuộc chạy đua sít sao giữa các ứng viên Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ cầm quyền và Yoon Suk-yeol của Đảng Bảo thủ. Ông Yoon đang vượt lên dẫn trước một chút so với ông Lee trong các cuộc thăm dò nói chung, nhưng sự khác biệt giữa hai người không đáng kể.

Nếu ông Lee thắng cử, chính quyền mới sẽ tiếp tục phần lớn tiến trình hòa bình của ông Moon đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, quan điểm của Seoul đối với Triều Tiên sẽ thay đổi đáng kể nếu ông Yoon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, khi chính trị gia này đã chỉ trích gay gắt cách tiếp cận của ông Moon với Triều Tiên và nêu lên sự cần thiết của việc triển khai thêm một khẩu đội của hệ thống phòng thủ chống tên lửa Khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này để đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Trong khi THAAD không thể giúp Hàn Quốc đánh chặn tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên do những tên lửa này phần lớn ở tầm thấp thì động thái này có thể dấy lên căng thẳng giữa nước này với Trung Quốc và Nga – như điều đã diễn ra hồi năm 2017.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ