• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên minh Mỹ - Thổ vào tâm bão: Phân định chống lưng từ Nga, Trung

Thế giới 16/08/2018 16:14

(Tổ Quốc) - Đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc hướng về phương Đông, tính tới yếu tố Trung Quốc và Nga, vẫn vướng nhiều lằn ranh.

Trung Quốc có thể đang nổi lên như một đồng minh thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ khi quan hệ giữa nước này với Mỹ đang xấu đi. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa thể trở thành một đối tác chiến lược toàn diện với Ankara, do các chính sách an ninh và kinh tế của nước này vẫn được định hình chủ yếu theo NATO và Liên minh châu Âu EU.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng

Căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục leo thang vào hôm thứ Tư khi Ankara tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm gạo, xe, rượu, than và mỹ phẩm của Mỹ.

Biện pháp này là "sự đáp trả đối với các cuộc tấn công kinh tế có chủ đích của Mỹ", Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay giải thích, đề cập đến quyết định tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ cuối tuần trước.

Mỹ cũng đã ngăn chặn việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong đạo luật ủy quyền quốc phòng NDAA cho năm tài khóa 2019. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gặp đối tác Nga Sergei Lavrov ngày 13/8 với cam kết hợp tác mạnh mẽ hơn – điều có thể là tín hiệu về sự thay đổi hiện trạng về an ninh của khu vực.

Ngày 12/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông muốn thành lập “một liên minh mới” với Trung Quốc, Iran và Nga để chống lại những áp lực kinh tế do chính quyền Donald Trump áp đặt.

Một số nhà phân tích dự đoán, Bắc Kinh, trong khi đang có một cuộc chiến thương mại với Mỹ, có thể cung cấp một số hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như mua trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.

Đầu tháng này, Cavusoglu đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh và cam kết sẽ đối phó với các mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc như là mối đe dọa của chính mình, tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ "hoạt động chống Trung Quốc" nào hoạt động trong lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: SCMP)

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đồng ý yêu cầu mới nhất của Tổng thống Mỹ Trump, được đưa ra vào tháng 7 về việc thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Ông Brunson đã bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 10/ 2016 với cáo buộc hỗ trợ khủng bố trong một cuộc đảo chính thất bại vào tháng 7 năm đó.

Thổ hướng tới điều gì với Trung, Nga

Kadir Temiz, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Istanbul Sehir cho biết, cuộc khủng hoảng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là một cơ hội để đẩy mạnh quan hệ Trung-Thổ.

"Mặc dù Trung Quốc không muốn khiến người Mỹ khó chịu, nhưng lợi ích quốc gia của Trung Quốc là hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vẫn đang là một yếu tố quan trọng về chiến lược địa lý giữa châu Âu và châu Á", ông nói.

Để đáp trả với những hành động của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tích cực tìm kiếm một sự thay đổi cơ bản trong định hướng chiến lược - từ Tây sang Đông - khi quan hệ trụ cột của Ankara với phương Tây đang ở mức thấp, đặc biệt là kể từ sau cuộc đảo chính thất bại tại nước này năm 2016.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng, những ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn phần lớn giới hạn về vấn đề kinh tế.

Dimitris Tsarouhas, một chuyên gia tại khoa quan hệ quốc tế của Đại học Bilkent ở Ankara, nói: “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia NATO và, từ quan điểm quân sự, điều này hạn chế khả năng cơ động tìm kiếm các liên minh mới”.

Ferit Temur, nhà phân tích chính sách tại Ankara về Nga và Á-Âu, cũng nói, bài phát biểu của ông Erdogan yêu cầu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch đối với Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa hình thành các liên minh mới với phương Đông là “một hành động chính trị yếu ớt và chỉ mang tính thường lệ”.

"Sẽ không thực tế khi tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gắn kết toàn diện an ninh với phương Đông", Temur nói. "Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển kinh tế, chính trị và văn hóa dưới ảnh hưởng của phương Tây trong hai thế kỷ qua."

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO kể từ năm 1952, ba năm sau khi liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương này- hiện bao gồm 29 quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu - được thành lập để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô.

Bất chấp tuyên bố của ông Erdogan về việc muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Trung Quốc và Nga, thì Ankara hiện chỉ là một “đối tác đối thoại” tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO - khối an ninh được Bắc Kinh và Moscow dẫn đầu.

Vào năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên của mình từ Trung Quốc, nhưng đã bị hủy bỏ vào năm 2015 sau sự phản đối từ Washington và NATO.

Berk Esen, một trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, cho biết, Trung Quốc không có khả năng thay thế cho NATO hay thậm chí là Nga trong vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga sẽ là đối tác an ninh tiềm năng hơn Trung Quốc, vì họ đã có mối quan hệ hợp tác tại Syria. Ông Erdogan sẽ cố gắng phát triển mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc - không phải vì an ninh mà vì lý do kinh tế.

"Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiều vốn nước ngoài trong ngắn hạn để duy trì tăng trưởng kinh tế - và sau Qatar, Trung Quốc có thể là nước duy nhất cung cấp các nguồn quỹ như vậy mà không cần điều kiện tiên quyết."

Selcuk Colakoglu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương ở Ankara, đồng tình rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi Nga là một lựa chọn an ninh thay cho NATO, và Trung Quốc cũng đã nhận thức rõ ràng về quan hệ liên minh mật thiết Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo vào tháng 12/2017 về việc ký kết một thỏa thuận với Nga để mua hai hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 vào cuối năm 2019. “Là một nước láng giềng xa xôi, Trung Quốc đang áp dụng một cách tiếp cận ngoại giao chờ đợi và cẩn trọng [đối với Thổ Nhĩ Kỳ], ”Colakoglu nói.

Trong khi Ankara hiện đang coi Trung Quốc là một nguồn tài chính, thì Ankara cũng vẫn ưu tiên duy trì mối quan hệ lâu dài với EU, theo Colakoglu.

"Thổ Nhĩ Kỳ cũng đặt tầm quan trọng hơn vào các nước EU để tránh một cuộc đối đầu toàn diện với phương Tây," ông nói. “Có một số thủ tục và quy định của pháp luật ở EU có nghĩa là, ngay cả khi có cuộc khủng hoảng với một số nước EU, có một giới hạn trong việc sử dụng trả đũa kinh tế và trừng phạt.

"Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy an toàn hơn khi làm ăn với các nước EU."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ