• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Liên tiếp hứng chịu "đòn giáng" phản đối, Thổ vẫn đẩy tốc chiến dịch tại Syria

Thế giới 13/10/2019 07:37

(Tổ Quốc) - Những thông tin trái chiều xung quanh diễn biến mới nhất trong chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và đông bắc Syria.

Reuters đưa tin, hôm thứ 7 (12/10), lực lượng nổi dậy Syria được Thổ Nhĩ Kỳ "chống lưng" đã tiến vào Ras al Ain ở phía đông bắc Syria. Trong khi Ankara tuyên bố họ đã chiếm được một thành phố trung tâm thì lực lượng do người Kurds dẫn đầu lại phủ nhận và cho biết họ đang phản công.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gọi chiến dịch tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria với lý do chống lại lực lượng vũ trang người Kurds – đang gây ra "những tổn hại lớn" cho quan hệ giữa Washington và Ankara. Liên đoàn các nước Arab mới đây cũng bày tỏ sự phản đối trước chiến dịch và Đức ra quyết định cấm xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch của Thổ đang làm dấy lên những hồi chuông cảnh báo về những ảnh hưởng tới thường dân và việc nhóm khủng bố IS tái trỗi dậy tại Syria, đặc biệt với khả năng các tay súng IS có thể trốn thoát khỏi hệ thống nhà tù của người Kurds.

Chính quyền của người Kurds tại đông bắc Syria cho hay, gần 200.000 người dân đã phải di tản.

Screen Shot 2019-10-13 at 01

Một tay súng thuộc lực lượng nổi dậy được Thổ "chống lưng" đang vẫy cờ đối lập ngày 12/10 (ảnh: Reuters)

Mục tiêu rộng hơn mà Ankara đưa ra là thiết lập một "khu vực an toàn" bên trong Syria để tái định cư phần lớn trong số 3,6 triệu người tị nạn chiến tranh Syria hiện đang có mặt tại Thổ. Tổng thống Tayyip Erdogan thậm chí còn đe dọa sẽ gửi trả những người này tới châu Âu nếu EU không ủng họ cho chiến dịch của Ankara.

Sau khi Tổng thống Trump rút một số quân lính Mỹ khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện chiến dịch chống lại lực lượng YPG mà Ankara cáo buộc là ủng hộ cho nhóm phản động người Kurds tại Thổ.

"Quân đội Quốc gia [lực lượng nổi dậy ở Syria] đã kiểm soát trung tâm thị trấn Ras al Ain vào sáng nay", một quan chức an ninh cấp cao Thổ nói.

Tuy nhiên, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurds cầm đầu -trong đó YPG đóng vai trò chủ chốt, lại bác bỏ thông tin trên. Một phát ngôn viên của SDF cho hay, họ chỉ đang "rút lui" có chiến lược sau nhiều giờ bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom.

"Giờ đây các cuộc phản công của SDF đã bắt đầu và có đụng độ rất dữ dội", người này nói với hãng tin Reuters.

Đáp trả, quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, "gần như toàn bộ" lực lượng YPG đã rời Ras al Ain để xuống phía nam. Quân đội thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nắm giữ một số quận của Ras al Ain bao gồm khu vực công nghiệp trong khi các đơn vị vũ trang tiếp tục tiến sâu vào thành phố. Chiến sự vẫn đang tiếp diễn.

Trong một động thái mới nhất, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit gọi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là sự "xâm lược đất đai của một quốc gia Arab và gây hấn chủ quyền".

Chiến dịch sẽ "làm gia tăng khủng hoảng nhân đạo, làm trầm trọng thêm những gì người Syria đang phải chịu đựng và củng cố sức mạnh hồi sinh cho lực lượng khủng bố", Ngoại trưởng Iraq Mohamed Ali Alhakim – hiện đang là Chủ tịch Liên đoàn nhấn mạnh.

Đức cũng dừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ. "Nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào đông bắc Syria, chính phủ Liên bang Đức sẽ không cấp phép mới cho mọi thiết bị quân sự cho thể được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tại Syria", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu trên tờ The Bild.

Một quan chức cấp cao Pháp tiết lộ, tuần tới khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỹ sẽ được đem ra thảo luận tại một cuộc họp thượng đỉnh EU.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan bác bỏ mọi sự lên án của cộng đồng quốc tế. Tối thứ sáu (11/10), ông tuyên bố Ankara "sẽ không dừng lại, cho dù bất kỳ ai nói gì".

Cũng trong ngày 11/10, Lầu Năm góc thông tin, binh lính Mỹ phải hứng chịu đạn pháo từ quân đội Thổ gần thị trấn biên giới Kobani, cách chiến trường xung đột chính khoảng 60km về phía tây.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đang chống trả lại một đợt pháo kích từ lực lượng YPG ở khu vực gần đó, và các lực lượng của họ đã làm mọi cách để không gây thiệt hại tới căn cứ của Mỹ.

 


Theo Tổ chức Quan sát vì nhân quyền Syria, kể từ khi chiến dịch bát đầu, đã có 74 tay súng người Kurds, 49 tay súng nổi dậy Syria và 30 thường dân bị thiệt mạng.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, có 18 thường dân nước này bị mất mạng trong các đợt đánh bom xuyên biên giới. 415 quân lính YPG dã bị "vô hiệu hoá" – một thuật ngữ thường được hiểu là đã bị giết.

Lo sợ IS hồi sinh

Một thông cáo từ lực lượng an ninh địa phương cho hay, một chiếc xe chứa bom đã phát nổ bên ngoài nhà tù tại Hasaka, gây nên những thiệt hại nặng nề nhưng không có thương vong. Chưa rõ có tù nhân IS nào trốn thoát hay không.

Lực lượng SDF hiện đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía bắc Syria – nơi từng nằm trong tay nhóm khủng bố IS. SDF cũng giam giữ hàng nghìn tay súng IS trong tù và hàng chục nghìn người thân của họ tại các trại tập trung.

SDF cảnh báo, chiến dịch tấn công của Thổ có thể khiến IS hồi sinh. Trong cuộc tấn công lớn đầu tiên kể từ khi chiến dịch bắt đầu, IS đã đứng ra chịu trách nhiệm một vụ đánh bom xe ô tô tại Qamishli – thành phố lớn nhất trong khu vực mà người Kurds đang kiểm soát.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ