(Tổ Quốc) - Ông Donald Trump đã dành nhiều thời gian trong bốn năm qua để hướng đến mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga. Nhưng những cáo buộc mới bùng nổ cho thấy quan hệ chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn, theo AFP.
Nhiều thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ đã yêu cầu câu trả lời và thậm chí một số đảng viên Cộng hòa cũng hối thúc trả đũa sau khi có thông tin, lần đầu tiên được tờ New York Times đăng tải về nghi vấn một đơn vị Nga đã trao thưởng cho các chiến binh liên kết với Taliban để tấn công các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Afghanistan.
Sự giận dữ nổ ra vài tuần sau khi ông Trump một lần nữa đề nghị tung một nhánh ô liu cho Tổng thống Vladimir Putin, nói về việc mời nhà lãnh đạo Nga tới hội nghị thượng đỉnh mở rộng của Nhóm G7 – nơi Nga đã ra đi kể từ năm 2014.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, thành viên đảng Dân chủ hàng đầu ở Washington, nói rằng với ông Trump, "mọi con đường đều dẫn đến Putin".
Thượng nghị sĩ Cory Gardner, một thành viên đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ thúc đẩy việc ra tuyên bố Nga là một nhà nước tài trợ khủng bố - một chỉ định có ý nghĩa pháp lý sâu rộng.
Ông Trump cho biết ông không được thông báo gì về các cáo buộc ở Afghanistan. Trong quá khứ, ông đã từng chế giễu về tình báo Hoa Kỳ, đặc biệt là về cáo buộc Nga đã can thiệp để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 để giúp ông chiến thắng bà Hillary Clinton.
Một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà ông phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề trong hàng ngũ đảng Cộng hòa đó là khi ông Trump nói trong trong hội nghị thượng đỉnh năm 2018 rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử đó.
Kế hoạch 'hời hợt' với ông Putin?
Mọi tổng thống Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh khi nhậm chức đều tìm kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga nhưng kết quả thì rất khác biệt.
James Jay Carafano thuộc Tổ chức Di sản có lập trường bảo thủ, người từng phục vụ trong nhóm chuyển tiếp của Tổng thống Trump, cho biết những lời hứa trong năm 2016 của ông Trump cũng "hời hợt như mọi người khác".
"Ông ấy không có kế hoạch bí mật để có quan hệ tốt hơn với Nga", Carafano nói.
"Nếu bạn muốn có một mối quan hệ tốt hơn với Nga, bạn sẽ cần một ông Putin khác. Và đây là vấn đề mà mọi người gặp phải, là bạn không có được một ông Putin khác", ông nói.
Ông Putin, một sĩ quan tình báo thời Liên Xô, người đã nói về việc khôi phục lại vinh quang đã mất của Nga, từ năm 1999 đến nay đã nằm trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước và có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của nước Nga.
"Không có gì mà chúng tôi thực sự cần từ người Nga mà chúng tôi không thể sống thiếu nó. Và cũng không có gì mà người Nga thực sự có thể làm cho chúng tôi để điều đó đáng để mặc cả", Carafano nói.
Có nhiều thông tin cho biết tình báo Mỹ đang đánh giá các động cơ của đơn vị Nga ở Afghanistan, từ việc tìm cách hạ bệ Mỹ trong cuộc chiến mà Trump đang tìm cách chấm dứt, để trả đũa các cuộc tấn công của Mỹ vào lính đánh thuê Nga ở Syria.
Khe cửa nào cho Washington - Moscow
Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson, tỏ ra không tin tưởng lắm vào việc Nga còn đặt nhiều hy vọng vào ông Trump, người đang phải đối mặt với con đường tái tranh cử khó khăn vào tháng 11 tới. Và dù ông Trump có bất kể sự ưu ái nào dành cho ông Putin thì trong thời gian qua cũng đã liên tục phê chuẩn các lệnh trừng phạt chống Nga về Ukraine.
Rojansky nói rằng thông tin trao thưởng có mục đích ở Afghanistan cho thấy mối quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi như thế nào và các biện pháp trừng phạt cũng tỏ ra không có nhiều tác động tới các hành động của Moscow.
Rojansky nói: "Đầy lo ngại và mất cảnh giác khi người Nga đang tìm mọi cách để hạ bệ người Mỹ, tôi nghĩ rằng bạn đã không chú ý. Chúng tôi đang xung đột với những người này".
Và sau sáu năm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được đưa ra, Washington biết rằng "họ đã có tác động làm tổn thương Nga ở một mức độ nào đó, nhưng không đủ sức mạnh để thay đổi hành vi của Nga".
Rojansky nói Hoa Kỳ có thể thể hiện rõ rằng sẽ có một cái giá khủng khiếp khi Nga có các hành động tiếp theo - chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các đơn vị bị đổ lỗi cho vụ trao thưởng ở Afghanistan.
Nhưng chuyên gia này cũng lưu ý rằng ngay cả Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn duy trì đối thoại trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh.
Hai nước đã mở các cuộc đàm phán vào tuần trước về hiệp ước hạt nhân New START và, trong khi họ chỉ đạt được một số ít tiến bộ thì các ngoại trưởng của họ có thể sử dụng vấn đề này như một cái cớ để gặp nhau, ông nói. "Nếu bạn đang tìm kiếm một cánh cửa để bước qua, thì đây chính là một cánh cửa", chuyên gia Rojansky nói.