• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lò lửa Trung Đông nóng chạy đua tên lửa?

Thế giới 29/09/2018 06:45

(Tổ Quốc) - Khi các chuyên gia nói về một Trung Đông hậu Mỹ, họ thường đề cập đến sự mệt mỏi của Mỹ và sự hồi sinh của Nga.

Khi các chuyên gia nói về một Trung Đông hậu Mỹ, họ thường đề cập đến sự mệt mỏi của Mỹ tại đây, cùng với sự hồi sinh của Nga sau sự can thiệp thành công và việc mở rộng quân sự ở Syria.

Nhưng câu chuyện lớn hơn về quá trình chuyển đổi địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông là sự gia tăng sức mạnh của các cường quốc khu vực, và cách họ hoạt động mạnh mẽ hơn bên ngoài quỹ đạo chiến lược của Mỹ do vai trò dẫn đầu của Washington tại đây bị suy giảm.

Cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen là một ví dụ. Là một đối tác truyền thống của Mỹ, nhưng Riyadh đã đặt vấn đề vào tay của chính mình, dẫn đầu một hành động can thiệp trong cuộc nội chiến của Yemen.

Yếu tố Iran?

Xu hướng này thể hiện rõ nhất trong chiến lược phòng thủ quốc gia, đặc biệt là từ một số đối tác quan trọng của Mỹ ở Trung Đông lúc này như Israel, Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với việc tăng cường năng lực quân sự tấn công bằng các tên lửa đạn đạo tầm xa và chính xác hơn.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho biết trong một tuyên bố rằng đất nước của ông đang đầu tư vào một lực lượng tên lửa và hỏa tiễn chính xác và có sức mạnh hơn. “Dự án thiết lập hệ thống tên lửa và hỏa tiễn chính xác đang được tiến hành. Một phần thiết bị trong hệ thống này đã được sản xuất và một phần khác đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển cuối cùng”, ông nói.

Trung Quốc có thể là một địa chỉ khi các quốc gia Trung Đông muốn mua tên lửa. (Nguồn: VOA/Wiki Commons)

Điều này có thể không đại diện cho một sự thay đổi lớn trong học thuyết phòng thủ của Israel, nhưng cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong quy hoạch an ninh, thường có thói quen dựa vào không quân và đôi khi là hải quân. Nếu giới lãnh đạo của Israel vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào vai trò an ninh truyền thống của Mỹ trong khu vực, thì dường như họ sẽ chưa di chuyển mạnh mẽ và nhanh chóng theo hướng này.

Động lực tương tự đang diễn ra trên bán đảo Ả Rập. Trong khi các đối tác vùng Vịnh của Hoa Kỳ vẫn chưa thực hiện các bước đi  táo bạo và quyết đoán như Israel, thì đây không phải là vì họ không muốn. Giới lãnh đạo quân đội vùng Vịnh trong những năm gần đây cho thấy một quan điểm đồng thuận rằng, nỗ lực ngăn chặn Iran phát triển thêm khả năng tên lửa của họ đã thất bại, và do đó họ cần các biện pháp đối phó đa dạng hơn. Các nước như Saudi Arabia và UAE, đã mua những vũ khí tốt nhất do Mỹ chế tạo và đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ để kháng cự lại kho vũ khí tên lửa tấn công đáng gờm và phát triển nhanh của Iran . Kết luận của họ là có thể đến phút chót, phải dùng hỏa lực đấu hỏa lực.

Lý do chính mà Riyadh và Abu Dhabi vẫn chưa theo đuổi tên lửa đạn đạo là Washington đã mất nhiều năm để thuyết phục họ không làm điều này. Kịch bản cuối mà Mỹ  lo ngại ở Trung Đông là một cuộc chạy đua tên lửa tấn công – điều có thể nhanh chóng đưa các phe phái vào cuộc đối đầu quân sự chết người, tiếp theo  là kéo Washington và Moscow vào chiến tranh. Tên lửa vốn đã vũ khí gây mất ổn định vì chúng có khả năng leo thang nhanh chóng xung đột. Thời gian bay của chúng có thể rất ngắn, và các công nghệ mới đang cải thiện đáng kể độ chính xác và tính sát thương.

Nguy cơ bùng nổ sức mạnh hạt nhân?

Trong khi đó, tương lai vũ khí hạt nhân của Trung Đông ngày càng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015- từng được hoan nghênh vì hạn chế phát triển hạt nhân của Iran để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt. Đồng thời, ít nhất một nửa các cường quốc trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và Qatar đều thấy năng lượng hạt nhân hòa bình là một giải pháp lâu dài cho sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của họ. Sự tăng trưởng sản xuất điện hạt nhân trong khu vực có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, vì các công nghệ và vật liệu cho phát triển cả năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân là tương đồng.

Giống như Israel, một số nước vùng Vịnh đang hướng đến xây dựng một vị thế quân sự mạnh mẽ hơn - thông qua một kết hợp đa dạng các công nghệ tấn công, bao gồm cả tên lửa - vì phòng thủ tên lửa không phải là câu trả lời cho sức mạnh tên lửa Iran. Hơn nữa, phòng thủ tên lửa là tốn kém và cũng có những thách thức riêng của mình.

Dù quyền tự chủ trong việc ra quyết định về an ninh quốc gia có giới hạn, do sự phụ thuộc quân sự của các nước vùng Vịnh vào Washington, nhưng vũ khí của Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất đối với họ khi cả Nga và Trung Quốc đang thâm nhập vào thị trường này.

Saudi và UAE không thể mua tên lửa tấn công từ Mỹ và các nước khác là thành viên của Hiệp ước chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), nhưng họ sẽ hướng tới Trung Quốc và Pakistan - những bên không tham gia MTCR và sẵn sàng chuyển giao. Saudi Arabia sẽ không phải bắt đầu từ đầu, khi đã có thông tin rằng từ năm 1987 nước này đã sở hữu một số lượng (có khả năng là nhỏ) các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc. Họ đưa những tên lửa này tham gia diễu binh lần đầu tiên vào năm 2014, có thể là để ra tín hiệu với Iran và gửi một thông điệp tới Washington vì không hài lòng với chính sách của Mỹ. Hiện chỉ là vấn đề thời gian trước khi Hoàng tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Mohammed Bin Salman ra lệnh xây dựng Lực lượng tên lửa chiến lược.

Mỹ từ lâu đã mong rằng các đối tác của mình ở Trung Đông sẽ tăng cường thực lực và chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực. Nhưng để cách tiếp cận này có một kết cục tốt đẹp, có một yếu tố rất cần thiết: sự lãnh đạo của Mỹ, mà hiện nay đang tiềm ẩn nhiều tín hiệu không chắc chắn.

Trung Đông đang tiến vào một cuộc chạy đua tên lửa tấn công, và thế lực duy nhất có thể ngăn chặn hoặc ít nhất là quản lý tình hình bằng cách thúc đẩy kiểm soát vũ khí là Hoa Kỳ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ