• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lộ nguyên nhân bất khả kháng khiến Tổng thống Putin giữ bí mật kế hoạch "chính phủ từ chức" tới phút chót

Thế giới 17/01/2020 11:11

(Tổ Quốc) - Các bộ trưởng trong nội các của cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev không hề biết rằng mình sẽ phải rời bỏ vị trí cho tới khi gặp mặt Tổng thống Putin vào ngày 15/1.

Tờ The Guardian đăng tải, các kế hoạch thành lập chính phủ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được ông giữ bí mật tới phút chót. Chỉ tới khi tham dự một cuộc họp đột xuất, các bộ trưởng mới được biết rằng họ sẽ phải rời khỏi vị trí của mình.

"Đó hoàn toàn là một cú sốc trong chính phủ", nhà phân tích chính trị ở Moscow Konstantin Gaaze cho hay. "Các bộ trưởng không biết những gì đang được chuẩn bị cho họ thậm chí ngay cả khi họ được triệu tập tới cuộc họp với tổng thống và thủ tướng".

Lộ nguyên nhân bất khả kháng khiến Tổng thống Putin giữ bí mật kế hoạch "chính phủ từ chức" tới phút chót - Ảnh 1.

Thủ tướng Dmitry Mevedev (phải) bất ngờ từ chức hôm 15/1 (ảnh: Sputnik)

Quyết định cải tổ chính phủ và sửa đổi hiến pháp đầy bất ngờ được cho là sẽ giúp ông Putin đảm bảo được một vị trí và tầm ảnh hưởng trong chính phủ Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.

Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo điều kiện cho nhà lãnh đạo Nga đạt được một mục tiêu khác, đó là dàn xếp những xung đột đang tồn tại giữa các nhóm lợi ích và nhóm thế lực xung quanh mình, bao gồm cả những người ủng hộ cho ông nhưng lại đã bắt đầu tìm kiếm ảnh hưởng trong khi ông đang lên kế hoạch cho việc rời khỏi Điện Kremlin vào năm 2024.

Theo nhà khoa học chính trị tại Moscow Yekaterina Schulmann, với mong muốn tạo ra một làn gió mới, người đứng đầu Cục thuế Liên bang Mikhail Mishustin là một sự lựa chọn mang tính trung lập cho vai trò kế nhiệm thủ tướng Dmitry Medvedev - đã từ chức để ông Putin có nhiều lựa chọn hơn cho tương lai.

"Đây là một người mà việc bổ nhiệm sẽ không chuyển tải một thông điệp chính trị nào", ông Schulmann nhận xét. Là một người không quá nổi danh trong chính trường Nga, ông Mishustin sở hữu "lợi thế" nhất định so với cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin – vốn được xem là một người theo trường phái tự do, hay Nikolai Patrushev – chủ tịch hội đồng an ninh có phần "diều hâu".

Cân bằng các lợi ích đã trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu đối với ông Putin khi bắt đầu đảm nhận cương vị tổng thống Nga, và những tranh đấu nội bộ chỉ càng ngày càng gia tăng.

"Trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến các xung đột mở rộng giữa các cơ quan an ninh và thậm chí là bên trong Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB", ông Evegeny Minchenko, một nhà phân tích chính trị có quan hệ thân cận với chính phủ Nga nhận định trên kênh phát thanh Tiếng vọng Moscow. Ông Minchenko miêu tả cân bằng quyền lực là một vấn đề "phức tạp" với sự hiện diện của nhiều nhóm lợi ích.

Lộ nguyên nhân bất khả kháng khiến Tổng thống Putin giữ bí mật kế hoạch "chính phủ từ chức" tới phút chót - Ảnh 2.

Tân thủ tướng Nga Mikhail Mishustin được đánh giá là một nhà lãnh đạo kỹ trị (ảnh: TASS)

Có thể kể ra một số nhân vật có nhiều ảnh hưởng như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Chủ tịch Quốc hội Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Patrushev và thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin. Hai ông Igor Sechin và Sergei Chemezov – lần lượt là Chủ tịch và CEO của tập đoàn dầu lửa Rostec, cũng là những người sở hữu tiếng nói có trọng lượng trong chính giới Nga.

Ông Minchenko nhận xét, một số cố vấn thông tin bao gồm các doanh nhân có liên hệ với tổng thống Putin Yuri Kovalchuk, Arkady Rotenberg và Gennady Timchenko đều là "những người đứng đầu các nhóm có khá nhiều quyền lực". "Và không phải là lần đầu tiên, trong mô hình này, anh có bộ chính trị này và sau đó một nhà quản lý kỹ trị được đưa vào để đứng đầu chính phủ", ông nhận xét về tân thủ tướng Mishustin.

Từng đứng đầu Cục thuế Liên bang Nga trong 8 năm và nổi danh là một người nắm vững công nghệ, ông Mishustin đã được tờ Financial Times gọi là "nhân viên thuế của tương lai" – một danh hiệu thể hiện những nỗ lực của ông trong công cuộc cải cách các cơ quan thuế trên toàn bộ nước Nga.

Nhà lãnh đạo 54 tuổi đã đơn giản hóa các thủ tục thuế cho người dân Nga khi đưa vào hoạt động hệ thống "một cửa", cắt giảm các quy trình giấy tờ với việc số hóa hầu hết các thủ tục và xây dựng một hệ thống dữ liệu thống nhất vào năm ngoái. Nhờ vào những cải cách này mà doanh thu thuế của Nga đã có sự gia tăng rõ rệt. Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn đánh giá ông là người "ngoài giới" và không chắc liệu có thể được coi là một người kế thừa tiềm năng cho Tổng thống Putin.

"Ông Mishustin không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào hay được cử tri biết tới nhiều, và ông cũng không nằm trong vòng nội bộ của Tổng thống Putin", bà Tatiana Stanovaya, một nhà khoa học chính trị Nga và người đứng đầu tổ chức tư vấn chính sách R.Politik viết. "Có vẻ gần như chắc chắn ông Mishustin chỉ là nhân vật giữ chỗ mang tính kỹ trị".

Còn nhà phân tích chính trị và hiện đang là học giả của Trung tâm Carnegie Moscow Andrei Kolesnikov nhận xét, mọi việc "còn phụ thuộc vào hàng triệu tình huống khác nhau". "Ông ấy [Mishustin] là người lí tưởng để lấp kín vị trí của một nền kỹ trị được số hóa".

Nhìn vào quá khứ chính trường Nga, các gương mặt thủ tướng bất ngờ thường tại vị lâu hơn so với kỳ vọng. Ông Mikhail Fradkov – một cựu quan chức ngành thuế cũng từng được coi là người ngoài giới khi được ông Putin bổ nhiệm vào năm 2004 và giữ vị trí thủ tướng trong 3 năm. Và bản thân ông Putin cũng là một lựa chọn ngoài dự đoán khi được Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm vào năm 1999.

Giờ đây nước Nga phải chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu toàn quốc theo đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Putin. Đây không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý thông thường, mà nó còn được kỳ vọng thể hiện sự ủng hộ của dư luận đối với những tham vọng của nhà lãnh đạo Nga sau năm 2024.

"Đó sẽ là một show diễn chính trị lớn nhất mà Nga từng chứng kiến", nhà phân tích Gaaze dự đoán.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ