(Tổ Quốc) - Dự định tạo dấu mốc lịch sử, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của TT Mỹ chuyển sang mục tiêu “kiểm soát thiệt hại”.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được hoạch định cẩn thận trong nhiều tháng. Nó được kỳ vọng sẽ làm nên lịch sử, khi người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đặt chân đến ba quốc gia, đại diện cho ba nền tôn giáo lớn trên thế giới là Israel, Arab Saudi và Vatican.
Scandal phá hỏng chuyến đi được hoạch định công phu?
Tuy nhiên, hiện tại sau một loạt các tiết lộ “động trời” về Tổng thống Trump và mối quan hệ của ông với Nga, dự định ban đầu của Nhà Trắng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Những tin tức cáo buộc ông Trump đã yêu cầu James Comey dừng cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michale Flynn - là diễn biến mới nhất sau một tuần “bão tố”, xoay quanh vụ sa thải bất ngờ ngài giám đốc FBI và việc ngài Tổng thống Mỹ “tình cờ” tiết lộ các thông tin mật.
Một mặt các quan chức chính quyền tự tin rằng, những thông tin – được cho là liên quan đến tình báo Israel - mà ông Trump nói với Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov sẽ không làm hỏng mối hợp tác tình báo giữa Mỹ với Israel và các đối tác khác. Mặt khác, họ cũng phải thừa nhận rằng, sự kiện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Jerusalem.
Tổng thống Mỹ sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Israel, Arab Saudi và Vatican (ảnh: NY Times) |
Giáo sư lịch sử tại Đại học Rice Douglas Brinkley cho biết, những scandal gần đây đã khiến Tổng thống Mỹ không còn “là đại diện cho những tinh hoa nhất của nước Mỹ” trong những chuyến công du nước ngoài. Ông Brinkley so sánh thời điểm chuyến đi của ông Trump với một chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Đông vào năm 1974 sau vụ Watergate, và chuyến đi của Tổng thống Clinton đến Nga – Anh – Bắc Ailen vào năm 1998 giữa đỉnh điểm scandal “tình ái” với thực tập viên Monical Lewinsky.
Về phần ông Trump, theo một nguồn tin, ngài Tổng thống đã từng đề xuất rút gọn chuyến thăm từ 9 xuống 5 ngày. Các cố vấn của ông thừa nhận rằng, lịch trình dày đặc những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Đông và châu Âu về các vấn đề nhạy cảm, có thể tạo ra những tình huống “oái ăm” ngoài dự kiến cho người đứng đầu nước Mỹ.
Ông Trump “thổi bùng” chia rẽ thay vì hàn gắn?
Các quan chức Israel mới đây đã bày tỏ sự không hài lòng với việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Tướng H.R. McMaster do dự, không công khai thừa nhận rằng Bức tường phía Tây – một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Do thái, là một phần của Israel.
Trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng về chuyến công du của Tổng thống Trump, sau khi thông báo những chi tiết liên quan đến chuyến đi, Tướng McMaster đã phải đối mặt với một loạt các câu hỏi về việc liệu Mỹ có còn đủ tin cậy để các nước đồng minh chia sẻ những tin tức tình báo nhạy cảm.
“Tôi không quan tâm điều đó chút nào,” ông McMaster trả lời, và khẳng định những gì ông Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga và Đại sứ Nga Sergey I. Kisylak là “hoàn toàn phù hợp.” Tuy nhiên, khi được hỏi rằng ông Trump có thực sự tin rằng Bức tường phía Tây thuộc về Israel hay không, ngài cố vấn đã lảng tránh. Thắc mắc này nảy sinh sau khi truyền hình Israel đưa tin, một quan chức Mỹ liên quan đến hoạch định chuyến công du đã cự tuyệt lời đề nghị từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng đi thăm Bức tường phía Tây với Tổng thống Trump. Lý do được quan chức này đưa ra là, di tích này không nằm trong Israel.
Trong khi Nhà Trắng tuyên bố phát ngôn trên không phản ánh suy nghĩ của Tổng thống Trump, Tướng McMaster xác nhận rằng không có đại diện nào của Israel tham gia chuyến thăm của ông Trump đến Bức tường phía Tây, đồng thời từ chối trả lời về lập trường của Tổng thống trong vấn đề này.
Người dân cầu nguyện trước Bức tường phía Tây (ảnh: NY Times) |
Lập trường hiện tại của Mỹ là coi phía Đông Jerusalem, nơi có Bức tường, là lãnh thổ Israel chiếm đóng. Quân đội Israeli có mặt tại khu vực xung quanh Bức tường vào năm 1967 trong cuộc chiến Sáu ngày, và nó đã trở thành một biểu tượng cho cuộc xung đột về Jerusalem – vùng đất mà người Palestine cũng tuyên bố là thủ đô của mình.
Tân đại sứ Mỹ tại Israel, David M. Friedman từng có chuyến thăm đến Bức tường ngay trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã liên tục hứa rằng mình sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.
“Ông ấy [Trump] đang đứng trước nguy cơ thổi bùng Jerusalem thành một vấn đề chia rẽ, hơn là hàn gắn hai tôn giáo cùng khởi nguồn từ Abraham,” Martin S. Indyk – cựu Đại sứ Mỹ tại Israel nhận định. “Phần này của chuyến thăm cần được xử lý một cách thận trọng.”
Israel sẽ kiếm lợi từ “lỡ lời” của ông Trump?
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Netanyahu sẽ tránh “làm to” vấn đề lộ tin tức trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, tuy nhiên, ông Trump sẽ phải “đối mặt” với chính các cơ quan tình báo của mình.
“Đối với họ, đây là câu hỏi về việc làm cách nào để lấy thông tin và họ nên hiểu các mối đe dọa chống lại Israel như thế nào,” Dennis B. Ross – một cố vấn cho nhiều đời Tổng thống về vấn đề Trung Đông cho biết, “Điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên cuộc tranh cãi về các quy tắc.”
Nhà ngoại giao lâu năm Aaron David Miller phân tích, vụ tiết lộ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thông tin tình báo về các chiến dịch IS. Nhưng theo ông, Thủ tướng Netanyahu sẽ “không có lý do gì để làm trầm trọng sự việc, thay vào đó, nhà lãnh đạo Israel có thể kiếm được một số lợi thế chính trị thông qua việc bênh vực Trump…”
Trong chuyến thăm Washington D.C. hồi tháng Hai, Thủ tướng Israel đã ca ngợi "một ngày mới" trong quan hệ giữa hai nước (CNBC) |
Tại Israel, các nhà phân tích dự đoán, sự bất cẩn của ông Trump có thể sẽ đẩy nhanh kế hoạch chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ, vì Tổng thống sẽ muốn có một cử chỉ nào đó để “xoa dịu” Tel Aviv.
Chính phủ Israel từ chối bình luận về việc những thông tin tình báo bị ông Trump tiết lộ là do nước này cung cấp. Một số cựu quan chức nắm được các mối quan hệ chiến lược và an ninh của Israel với Mỹ nói rằng, họ không có đủ thông tin cụ thể về vụ việc, để có thể đưa ra đánh giá về mức độ thiệt hại.
“Toàn bộ vụ việc xoay quanh các chi tiết,” Eran Lerman, cựu Phó giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Israel nhận định. “Bạn cố gắng hết sức để bảo vệ nguồn tin của mình. Nhưng mặt khác, nếu bạn có nguồn tin tình báo có giá trị, bạn sẽ muốn nói chuyện với người có thể đưa ra hành động.”
Ông Lerman – hiện đang giảng dạy tại Đại học Shalem và là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat tại Đại học Bar Ilan chỉ ra, ông Trump “thiếu nền tảng cơ bản về công nghệ tình báo.” Tuy nhiên, ông cũng bổ sung: “Tôi không thể đánh giá được nếu ngài Tổng thống đang làm đúng hay sai.”
Israel và Mỹ không thể không hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, Lerman nói. “Đến cuối cùng, các quốc gia có cùng suy nghĩ không thể hứng chịu được hệ quả của việc phá bỏ hợp tác; tuy nhiên mối quan hệ này sẽ cần phải được gia cố để trở nên vững chắc hơn.”
(Theo NY Times)