• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lộ trình tháo gỡ chia rẽ Hàn - Nhật: Nhiều chi tiết cần bàn

Thế giới 07/07/2022 19:11

(Tổ Quốc) - Những động thái đầy hy vọng đang được tiến hành với mục tiêu hướng đến một hội nghị thượng đỉnh mang tính đột phá.

Động thái thành lập một nhóm cố vấn 3 bên giữa chính phủ, khối dân sự và xã hội trong tuần này tại Seoul với trách nhiệm tìm ra giải pháp cho vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến có thể được coi là dấu hiệu mới nhất và quan trọng nhất cho thấy quyết tâm của chính phủ mới của Hàn Quốc đối với việc tạo bước đột phá trong quan hệ với Nhật Bản, theo nhận xét của tờ Asia Times.

Vấn đề quan trọng trước mắt là tránh thực hiện lệnh của tòa án về thu giữ tài sản của các công ty Nhật Bản - ban đầu là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries - mà tòa án Hàn Quốc trước đó đã phán quyết phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị buộc phải làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản trong thời gian chiến tranh.

Việc các công ty nước này bị tịch thu tài sản là một lằn ranh đỏ đối với chính phủ Nhật Bản, vốn cho rằng vấn đề bồi thường đã được giải quyết bằng hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản năm 1965 và thỏa thuận kèm theo. Về lý thuyết, Tòa án Tối cao Hàn Quốc có thể ban hành lệnh tịch thu tài sản bất cứ lúc nào. Nhưng những người ủng hộ nhóm cố vấn mới tin rằng tòa án sẽ trì hoãn hành động cho đến khi một giải pháp mới được đề xuất.

"Trong giai đoạn này, mọi thứ có thể đi vào bế tắc và tòa án sẽ lắng nghe nhóm cố vấn", theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Wi Sung-lac, người gần đây nhất là cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ.

Về mặt nguyên tắc

Sau một tuần gặp gỡ tại Hàn Quốc với các quan chức cấp cao của chính quyền Yoon Suk-yeol và các chuyên gia học thuật và chính sách có liên hệ sâu sắc đến Nhật Bản, có thể thấy hầu hết mọi người đều có chung mục tiêu tạo đột phá trong quan hệ với Tokyo, ít nhất là về mặt nguyên tắc.

"Khôi phục quan hệ với Nhật Bản là ưu tiên của chúng tôi", một cố vấn cấp cao của Tổng thống Yoon nói vào tuần trước.

Lộ trình tháo gỡ chia rẽ Hàn - Nhật: Nhiều chi tiết cần bàn - Ảnh 1.

Mục tiêu của hai bên là tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở cấp cao nhất. Ảnh: Asia Times.

Chính phủ của ông Yoon có nhiều quan chức cấp cao lâu năm luôn ủng hộ mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, trong số đó có Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin, phó cố vấn an ninh quốc gia Kim Tae-hyo và đại sứ mới tại Tokyo, Yun Duk-min.

Chính phủ mới coi mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản là không thể thiếu trong mục tiêu rộng lớn hơn của họ là đưa Hàn Quốc trở thành một bên quan trọng trong cuộc đấu tranh toàn cầu của các nền dân chủ. Tuy nhiên, cũng có giới hạn là ông Yoon vừa được bầu với một tỷ lệ cách biệt tương đối thấp và việc thỏa hiệp quá mức với các vấn đề nhạy cảm trong thời chiến có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này.

"Mọi người không thể quên quá khứ. Nếu ông Yoon cứ tiếp tục mà không quan tâm đến những gì người Hàn Quốc giữ sâu trong trái tim họ, thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng", Pak cảnh báo, người hiện đứng đầu một tổ chức tham vấn.

Phản ứng thận trọng của Tokyo

Một vấn đề không kém quan trọng là thái độ của chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã đáp lại sự thân thiện từ Seoul với sự thận trọng quá mức.

Các quan chức Hàn Quốc chỉ ra một số dấu hiệu tích cực, trong số đó có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại lễ nhậm chức của ông Yoon và Tokyo đã tổ chức tiệc chiêu đãi đón phái đoàn chuyển giao chính quyền Hàn Quốc ở Tokyo.

Nhưng Tokyo đã từ chối chuyến thăm do Ngoại trưởng Hàn Quốc Park đề xuất vào tháng trước và từ chối nỗ lực của Hàn Quốc để tổ chức một cuộc gặp song phương nghiêm túc trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây. Tại cuộc gặp chung với cả Hàn Quốc và Mỹ bên lề NATO, ông Kishida không có bất kỳ cử chỉ nào liên quan đến quan hệ cá nhân và chỉ nói về phản ứng chung đối với mối đe dọa thử hạt nhân của Triều Tiên.

Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng phản ứng kém nồng nhiệt của Kishida do một số yếu tố. Trước hết, chính trường Nhật Bản đều đang hướng đến cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới và hiện nhiều quyền lực đang nằm trong tay nhóm bảo thủ theo đường lối cứng rắn hơn thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Các chính trị gia cứng rắn này gắn bó chặt chẽ với cựu thủ tướng Shinzo Abe và không coi sự thay đổi chính quyền ở Seoul là một tín hiệu đáng kể ở Hàn Quốc .

Nhiều quan chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng không thể có tiến triển thực sự nào cho đến khi Hàn Quốc thực hiện bước đi đầu tiên rõ ràng để xóa bỏ các vấn đề lịch sử còn tồn tại trong mối quan hệ.

"Người Nhật lo lắng về một cuộc gặp mà không có kết quả," cựu ngoại trưởng kiêm đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Yu Myung-hwan nhận xét.

Ông Yu thừa nhận có làn sóng chống Nhật đang diễn ra tại Hàn Quốc, nhưng cũng kêu gọi Nhật Bản có tín hiệu hỗ trợ rõ ràng và có đi có lại hơn cho những nỗ lực từ phía Seoul. "Ông Kishida nên giúp ông Yoon," ông Yu nói.

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng chia sẻ sự thất vọng khi đối mặt với sự thận trọng của Nhật Bản, mặc dù họ hiểu rằng Hàn Quốc cần phải kiên nhẫn và thực hiện những bước đầu tiên.

Tìm một lộ trình

Ủy ban mới được công bố của Seoul là một nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của người Nhật về "bước đầu tiên". Ủy ban do Thứ trưởng Ngoại giao Cho Hyundong làm Chủ tịch, một quan chức giàu kinh nghiệm, nhận thức rõ những thách thức trong việc tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được.

12 thành viên của ủy ban bao gồm các chuyên gia học thuật, nhân vật kinh doanh và quan trọng là hai luật sư, người đại diện hợp pháp của những người lao động bị cưỡng bức. Mục tiêu là đưa ra các đề xuất cụ thể, những đề xuất có sự ủng hộ của các nạn nhân và có khả năng được Nhật Bản chấp nhận.

Theo các chuyên gia liên quan đến việc thành lập nhóm cố vấn, có một số ý tưởng đang được tính đển.

Một cách tiếp cận là khiến nạn nhân và luật sư của họ từ bỏ yêu sách nhưng điều đó được coi là không thể. Một ý tưởng khác là quay trở lại thực hiện hiệp ước năm 1965, điều chính phủ Nhật Bản đã đề xuất ban đầu. Nhưng mục tiêu này có thể mất nhiều năm và sẽ không đình chỉ việc tịch thu tài sản của tòa án.

Mục đích ở Seoul là đồng bộ hóa lộ trình giải quyết vấn đề di sản xung đột để mở đường cho hội nghị thượng đỉnh song phương. Nhưng điều đó đòi hỏi ông Kishida và chính phủ của ông cũng phải chấp nhận rủi ro chính trị. Các quan chức cấp cao Hàn Quốc đang tìm kiếm một số cử chỉ từ Nhật Bản để dễ dàng tìm ra giải pháp. Hiện tại chìa khóa mở đừờng cho thượng đỉnh là sự sẵn sàng để nối lại các cuộc gặp song phương bình thường, ở tất cả các cấp.

Một cựu quan chức cấp cao của Hàn Quốc nói: "Nhật Bản cần phải sẵn sàng chấp nhận các cuộc gặp ngoại trưởng và hội nghị cấp cao. Nếu họ không làm vậy, hi vọng ở Hàn Quốc sẽ bị dập tắt khá dễ dàng".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ