• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt chuyên gia lên tiếng về nguy cơ xung đột quân sự Iran – Saudi Arabia

Thế giới 01/08/2020 08:48

(Tổ Quốc) - Mặc dù Iran và Saudi Arabia coi nhau là đối thủ sống còn trong nhiều thập kỷ, các nhà phân tích từ cả hai nước nói rằng chính phủ của họ không quan tâm đến một cuộc xung đột toàn diện.

Trong một động thái hiếm hoi, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad được cho là đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia vào ngày thứ Hai, kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

Các chuyên gia và quan chức Iran đã vội vã hạ thấp động thái của Ahmadinejad, nói rằng cử chỉ của ông ấy không thể hiện lập trường chính thức của Iran - nơi đã đối đầu với Saudi Arabia trong nhiều thập kỷ.

Trận chiến giữa các nền văn minh?

Cái chết của Tiên tri Mohammad năm 632 đã bắt đầu một mối thù, khi người Hồi giáo không thể nhất trí về ai là người kế vị của Mohammad và cuối cùng dẫn đến đạo Hồi chia thành hai giáo phái: dòng Sunni thịnh trị ở Saudi và phần lớn thế giới Hồi giáo còn dòng Shia chiếm ưu thế ở Iran và một số nước khác.

Nhưng đối với Ahmed Al Ibrahim, một nhà phân tích chính trị của Saudi Arabia, điều này vượt xa tôn giáo, đó là sự xung đột của các nền văn minh.

Loạt chuyên gia lên tiếng về nguy cơ xung đột quân sự Iran – Saudi Arabia - Ảnh 1.

Lực lượng quân sự Saudi Arabia. Ảnh: AP.

"Người Iran nghĩ rằng họ là một triều đại còn người Saudi không hơn một nhóm người Bedouin. Nhưng sự thật là chúng tôi là người trông coi hai thánh địa trong nhiều thế kỷ. Chúng tôi đã tồn tại trong nhiều năm. Đó lại không phải là trường hợp của Iran, khi cựu lãnh đạo tối cao [Ayatollah Khomeini sinh ra ở Iraq] đặt chân đến Tehran trên một chuyến bay của hãng Air France, đặt dấu chấm hết đối với sự tiến bộ của Iran và đưa họ phát triển lùi lại nhiều năm trước", ông nói về cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 dẫn đến mối quan hệ xấu đi giữa Tehran và Riyadh.

Trong suốt nhiều năm, hai quốc gia luôn phản đối chính sách của nhau và cuộc chiến ngôn từ của họ cũng đã lan sang các cuộc xung đột khác nhau ở Trung Đông, khi Iran và Saudi Arabia ủng hộ các bên cũng là đối thủ của nhau.

"Những người cầm quyền hiện tại của Iran không có tính hợp pháp vì vậy để biện minh cho sự hiện diện của họ, họ tìm thấy một kẻ thù bên ngoài, có thể là Saudi Arabia hoặc Israel", Al Ibrahim nói.

Mohammed Marandi, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Tehran thì cho rằng người Iran cảm thấy mạnh mẽ ngang với Riyadh và ông cũng đổ lỗi cho Saudi vì đã sử dụng chiến thuật tương tự. Ông nói rằng Saudi cũng "đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người khỏi các vấn đề nội bộ của chính họ và các cuộc xung đột về năng lượng ở những nơi khác".

Trong những năm qua, những lời buộc tội lẫn nhau như vậy đã dẫn tới 1 số cuộc đối đầu. Vào năm 2016, Riyadh đã cắt đứt quan hệ với Tehran sau khi đại sứ quán của họ ở thủ đô Iran rơi vào tâm điểm của đám đông giận dữ, những người phản đối quyết định của Saudi về việc xử tử một giáo sĩ Shiite.

Và vào năm 2019, phiến quân Houthi của Yemen, lực lượng được Iran hậu thuẫn, được cho là đã nổ súng tại địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi là Thánh địa Mecca bằng cách phóng hai tên lửa về phía đền thờ.

Mặc dù nhiều bản tin cho rằng chúng đã bị chặn lại và không có thiệt hại nào, nhưng đối với Al Ibrahim, thực tế để xảy ra một cuộc tấn công như vậy là không thể chấp nhận được và "cho thấy ý định thực sự của Tehran" muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Chiến tranh không xảy ra trong tầm nhìn?

Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt và những cáo buộc lẫn nhau, cả hai chuyên gia này đều tin rằng cả Iran và Saudi Arabia đều không quan tâm đến một cuộc chiến toàn diện, đặc biệt là lúc này khi cả hai nước đang gặp khó khăn về tài chính.

Giá dầu giảm đã làm suy giảm nền kinh tế Saudi. Iran, nơi tình hình kinh tế bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng bị giáng một đòn mạnh khác do hậu quả của đại dịch Covid-19. Chính quyền Tehran đã buộc phải dồn nhiều tài lực vào cuộc chiến chống lại virus corona.

Nhưng chuyên gia Marandi tin rằng ngay cả trước khi COVID-19 bùng nổ, Iran vẫn vượt trội so với Saudi Arabia về sức mạnh quân sự.

"Saudi không mạnh, khi họ có khối tài sản lớn, họ không thể chiến thắng cuộc chiến ở Yemen. Bây giờ họ thậm chí không có số tiền đó. Họ sẽ không có cơ hội trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Iran".

Theo trang Global Fire Power, Iran tự hào có tên lửa đạn đạo - được coi là kho vũ khí lớn nhất trong khu vực.

Mặc dù không quân của Iran thiếu khả năng diện rộng, quân đội Iran, với nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu, có hơn một triệu lực lượng thường trực.

So sánh với Saudi Arabia, nước có một đội quân tương đối nhỏ hơn, bao gồm 230.000 binh sĩ.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do phải lo lắng, Al Ibrahim nhận định, đặc biệt là lúc này, trong thời đại "các trận chiến không cần giày trên mặt đất. Chúng đòi hỏi công nghệ mà chúng tôi có rất nhiều".

Với ngân sách quân sự vượt quá 60 tỷ USD hàng năm và nguồn cung cấp vũ khí thường xuyên từ nhiều quốc gia khác nhau, Saudi đã tích lũy được một kho vũ khí tiên tiến ấn tượng, bao gồm máy bay phản lực, tên lửa, hỏa tiễn và "các khí tài bí mật".

Nhưng Al Ibrahim nói rằng đất nước của ông không muốn sử dụng kho vũ khí đó vì "họ thích đầu tư tiền vào các dự án và tiến trình, chứ không phải trong các cuộc chiến tranh".

"Chính phủ Saudi đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào sự phát triển của đất nước. Chúng tôi không muốn có chiến tranh, và, không giống như người Iran, những người không có gì để mất, chúng tôi sẽ không phải là người nổ súng đạn đầu tiên", Al Ibrahim nói.

Marandi nói rằng Iran cũng không có kế hoạch tấn công trước.

"Iran không quan tâm đến một cuộc đối đầu, và miễn là Mỹ và các đồng minh của họ không làm điều gì tồi tệ để làm hại Iran, họ có thể chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không tấn công họ trước".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ