• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt đồng minh Mỹ chung sức ép hiếm hoi với Trung Quốc

Thế giới 15/07/2020 09:33

(Tổ Quốc) - Các đồng minh của Mỹ từng xích lại gần Trung Quốc lúc này đang có động thái hiếm hoi phối hợp với Washington.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi có bài phát biểu tại Davos năm 2017, với tuyên bố bảo vệ thương mại tự do và chung tay về biến đổi khí hậu. Động thái này diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận hoàn toàn ngược lại. Đây có thể là một nỗ lực quá của nhà lãnh đạo Trung Quốc định vị nước này là nhà lãnh đạo tiếp theo của thế giới, nhưng dường như đó cũng là một dấu hiệu xác thực cho thấy Bắc Kinh tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế.

Hôm nay, sự ấm áp trong căn phòng tại Davos đã biến mất.

Liên kết hành động nhắm vào Trung Quốc

Đại dịch virus corona đã làm thay đổi thế giới và bây giờ một số nhà lãnh đạo đang lo ngại về những bí mật nhà nước của Bắc Kinh, vấn đề thông tin sai lệch hay cách giải quyết dịch bệnh – điều Trung Quốc bác bỏ.

Bắc Kinh đã quen với những cuộc giao tranh ngoại giao như vậy, nhưng có điều gì đó đã thay đổi: Các quốc gia từng lên án Trung Quốc nhẹ nhàng trở nên to tiếng hơn và hành động của họ táo bạo hơn. Họ rõ ràng đang phối hợp các phản ứng, tìm kiếm sức mạnh về số lượng để đối trọng với Trung Quốc.

Loạt đồng minh Mỹ chung sức ép hiếm hoi với Trung Quốc - Ảnh 1.

Các nước phương Tây đang có nhiều hành động đối trọng với Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Sự phối hợp này rõ ràng nhất ở phản ứng đối với việc Trung Quốc thực thi Luật An ninh Quốc gia mới đối với Hồng Kông. Ngôn từ được sử dụng và các hành động mà nhiều cường quốc phương Tây sử dụng để lên án đạo luật này, trong nhiều trường hợp, là như nhau.

Hãy nhìn Five Eyes, liên minh tình báo giữa Hoa Kỳ, Anh, Australia, Canada và New Zealand. Bốn thành viên của họ, trừ New Zealand, đã đưa ra một tuyên bố chung nhanh chóng lên án Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông - một sự thống nhất hiếm hoi.

Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ mở một con đường cấp quyền công dân Anh cho cư dân Hồng Kông, cho họ quyền sở hữu hộ chiếu công dân nước ngoài của Anh, bao gồm khoảng 3 triệu người Hồng Kông. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã nêu ra vấn đề "chia sẻ gánh nặng này" với Five Eyes, nếu có một cuộc di cư hàng loạt rời Hồng Kông.

Australia đã gia hạn thị thực cho người Hồng Kông ở nước này, cũng mở một kênh cấp quyền công dân, trong khi Canada đang tìm cách để "thúc đẩy" việc di cư khỏi thành phố. Australia đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong khi Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét các hiệp ước của họ.

Và nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell hôm thứ Hai cũng cảnh báo rằng khối đang điều phối phản ứng của mình, mặc dù ông nói chưa có gì cụ thể được quyết định.

Tất nhiên, các nước đồng minh rất có thể đã thảo luận về chiến lược Trung Quốc của họ trong nhiều năm, nhưng hành động phối hợp như vậy hiếm khi rõ như lúc này.

Đầu tháng này, một liên minh mới các nhà lập pháp từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu đối phó với Trung Quốc, được gọi là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã được thành lập. Các thành viên của họ có cả các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Bob Menendez, cũng như các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc và Uganda, cùng nhiều người khác.

"Bạn thấy rằng các quốc gia đang vượt ra khỏi cơ chế Liên Hợp Quốc và các nghị sĩ hiện đang vượt ra khỏi biên giới để tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy. Điều đó khá đáng chú ý", theo Yuka Kobayashi, một trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại SOAS, University of London. "Rất nhiều quốc gia trước đây đã quen thuộc với Trung Quốc nhưng không còn quen thuộc như vậy nữa", bà nói.

Bà đã chỉ ra cách một số quốc gia cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia mạng lưới cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao của họ như một ví dụ khác về sự thống nhất quốc tế này đối với Trung Quốc. "Nếu những điều này bây giờ được phối hợp, nó sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

Hôm thứ ba, Anh đã cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G của mình, đánh dấu một chiến thắng lớn cho chính quyền Trump khi lâu nay luôn gây áp lực cho các đồng minh quan trọng phải làm như vậy.

Các quyết định này có thể không được đưa ra cùng nhau nhưng các quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ các quyết định của nhau và, trong một số trường hợp, theo sau.

Trung Quốc và trật tự thế giới

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đến từ việc Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong một số tổ chức tại các nền tảng của trật tự thế giới hiện nay. Sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của đất nước gắn bó chặt chẽ với toàn cầu hóa, do đó, việc tiếp cận Tổ chức Thương mại Thế giới và tham gia G20 là những nền tảng quan trọng đối với Bắc Kinh. Việc ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng sự tin cậy của toàn cầu đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đã rút ra thỏa thuận này.

Nhưng một số quyết định quan trọng của họ trong năm nay cho thấy những hạn chế của cam kết này.. Bắc Kinh đã có những chính sách đối ngoại quyết đoán hơn trong những tháng gần đây khi thế giới vẫn tập trung vào việc khống chế đại dịch.

Cuộc đụng độ gần đây ở Himalaya đã khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng còn phía Trung Quốc không nêu ra thương vong. Các tàu hải quân Trung Quốc cũng đã đối đầu với tàu từ các quốc gia châu Á khác ở vùng biển phía nam và phía đông của họ, trong khi cáo buộc tấn công mạng do Bắc Kinh hậu thuẫn vào Mỹ và Australia cũng làm xấu thêm quan hệ. Bắc Kinh thường phủ nhận sự liên qua của nhà nước sau các cuộc tấn công mạng như vậy.

Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đến nỗi bất cứ khi nào có những lời chỉ trích nhắm vào nước này, nó hầu như luôn luôn đi đôi với sự thừa nhận tầm quan trọng của Trung Quốc.

Giám đốc FBI Christopher Wray, người đổ lỗi cho Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng gần đây, cho biết nước này là "mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin và sở hữu trí tuệ của quốc gia chúng tôi và cả sức sống kinh tế của chúng tôi."

Nhưng trong cùng một tuyên bố, ông cũng khẳng định mối quan hệ rõ ràng với Trung Quốc là vô cùng quan trọng.

"Đối mặt với mối đe dọa này một cách hiệu quả không có nghĩa là chúng ta không nên làm ăn với người Trung Quốc, không có nghĩa là chúng ta không nên tiếp đón du khách Trung Quốc, không có nghĩa là chúng ta không nên chào đón sinh viên Trung Quốc hoặc cùng tồn tại với Trung Quốc trên trường thế giới. Mà điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc vi phạm luật hình sự và các quy tắc quốc tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bỏ qua".

Zhao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với CNN rằng nhận xét của Wray là "lời nói dối chính trị". "Nhận xét của Wray cho thấy sự coi thường sự thật và đầy rẫy những tin đồn chính trị phơi bày tâm lý chiến tranh lạnh sâu sắc và thiên kiến tư tưởng của ông ấy," Zhao nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ