• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt quốc đảo Thái Bình Dương: Nơi 'chọn mặt gửi vàng' mới giữa các 'ông lớn'

Thế giới 20/06/2022 13:46

(Tổ Quốc) - Sau nhiều năm khu vực này bị coi là "ao làng" khi chịu sự ảnh hưởng từ chương trình nghị sự của các 'ông lớn', cục diện này đang thay đổi, theo tờ Asia Times.

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương - từ Papua New Guinea đến các quốc đảo nhỏ hơn như Tuvalu - đang thấy mình ở một vị thế có ảnh hưởng mới khi phương Tây và Trung Quốc tranh giành để đảm nhận vị trí hậu thuẫn chiến lược cho khu vực này.

Tình thế như vậy có thể giúp khu vực này có thêm sức mạnh để thu hút viện trợ quốc tế nhằm giải quyết mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực là biến đổi khí hậu, theo tờ Asia Times. Nguy cơ không đạt được mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tăng dưới 1,5 độ cũng đồng nghĩa với việc các quốc đảo ở Thái Bình Dương phải hứng chịu các thảm họa do thời tiết và khí hậu gây ra thường xuyên hơn, đồng thời gia tăng ngập lụt tại các đảo và nhà cửa do nước biển dâng.

Các mối quan hệ mới

Trong 15-20 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường can dự vào khu vực Thái Bình Dương. Hiện nước này đã xây dựng được ảnh hưởng ở nhiều quốc đảo lớn trong khu vực như Fiji, Tonga, Samoa, Vanuatu, và gần đây là quần đảo Kiribati và Solomon.

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã hoan nghênh các sáng kiến cơ sở hạ tầng và các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc, thường là với các điều khoản được coi là có lợi hơn so với các điều khoản mà các nước khác cung cấp trước đây. Không giống như Mỹ và Australia, hoặc các cơ quan quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, Bắc Kinh thường không ràng buộc viện trợ của mình vào các cải cách kinh tế và quản trị.

Sau nhiều năm chịu sự hạn chế về mặt chính sách từ các nhà tài trợ lớn, giờ đây, cục diện này đang thay đổi. Sự quan tâm tới khu vực này đang có lợi cho họ. Cả Australia và New Zealand gần đây đều đã thay đổi cách tiếp cận với khu vực này.

Loạt quốc đảo Thái Bình Dương: 'Mặt trận cạnh tranh' mới giữa các 'ông lớn'  - Ảnh 1.

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm và cạnh tranh gia tăng ảnh hưởng của nhiều nước lớn. Ảnh: The Conversation.

Chính phủ mới được bầu của Australia, vốn là nhà viện trợ lớn nhất trong khu vực, đã cam kết sẽ tăng đóng góp của mình cho khu vực này. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã chỉ ra rằng họ sẽ tăng cường sự tham gia trong khu vực. Tương tự, Mỹ cũng đang xem xét lại lập trường của mình.

Một số quốc gia ở Thái Bình Dương như Palau, Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia - đang tìm cách đàm phán lại các hiệp định liên kết tự do sắp hết hạn. Theo nội dung của những hiệp định trên, Mỹ là bên chịu trách nhiệm về quốc phòng và an ninh bên ngoài của những nước này và cung cấp hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của họ. Và hiện tại, tình hình chính trị và mối quan tâm mới của Mỹ đối với khu vực chiến lược này sẽ khiến các quốc đảo ở đây có vị thế tốt hơn để đàm phán và mang lại nhiều giá trị hơn cho họ. Ví dụ, nếu lời đề nghị của Mỹ hiện không đủ hấp dẫn, thì có những nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể bước vào hỗ trợ họ. Còn đối với một số quốc đảo như Quần đảo Cook và Niue, theo truyền thống đã có liên kết chặt chẽ với New Zealand, cũng có thể có những bước chuyển mới tương tự.

Trong những năm qua, chính quyền các đảo ở Thái Bình Dương đã hoan nghênh nhiều sự hỗ trợ, bao gồm cứu trợ nhân đạo, các dự án cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hệ thống y tế và giáo dục, học bổng cho thanh niên hoặc khả năng tiếp cận công nghệ.

Willie Jimmy, cựu bộ trưởng tài chính Vanuatu và là đại sứ của nước này tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera rằng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đã cung cấp viện trợ cho các dự án mà phương Tây không tham gia. "Các nhà tài trợ khác không nhận bất kỳ dự án nào không phù hợp với các mục tiêu viện trợ chính sách đối ngoại của họ", ông nói.

Đối phó với biến đổi khí hậu

Là các nước nhỏ nhưng các quốc gia quần đảo ở Thái Bình Dương có số lượng khá đáng kể. Họ đang phối hợp với nhau thông qua các tổ chức khu vực của họ, chẳng hạn như Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, cơ quan chính sách kinh tế của khu vực, để mang lại cho mình nhiều quyền lực đàm phán hơn.

Đồng thời đây cũng là các quốc gia đang ở tuyến đầu hứng chịu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng họ lại không phải là bên gây ra các tác nhân chính. Chính vì vậy, trong nhiều thập kỷ, các quốc đảo Thái Bình Dương đã kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề này.

Trên trường quốc tế, các quốc đảo này đã phối hợp xúc tiến Thỏa thuận Paris và tác động đến đối thoại tại COP26. Họ cũng bày tỏ sự thất vọng về kết quả của nó, đặc biệt là việc thiếu đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Vanuatu dự kiến sẽ yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chuyển câu hỏi về nhiệm vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ con người trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu lên Tòa án Công lý Quốc tế để cho ý kiến. Nếu thành công, dư luận hy vọng động thái này sẽ thúc đẩy quốc tế phản ứng tích cực và mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương.

Trong bối cảnh hiện tại, khi tầm quan trọng địa chiến lược hiện tại của khu vực này dường như sẽ không sớm giảm bớt, họ có thể tận dụng điều này và tạo thêm ảnh hưởng để khiến thế giới có hành động ngay lập tức hơn đối với điều mà họ coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất: biến đổi khí hậu.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ