• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt quốc gia châu Âu tung chiến lược mới đối phó Covid-19

Thế giới 20/01/2022 19:18

(Tổ Quốc) - Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh đang xem xét bình thường hóa việc đối phó với dịch Covid-19.

Khi đại dịch virus corona lần đầu tiên được công bố, người Tây Ban Nha được lệnh phải ở nhà hơn ba tháng. Trong nhiều tuần, họ không được phép ra ngoài dù chỉ để tập thể dục. Trẻ em bị cấm đến các sân chơi, và nền kinh tế hầu như ngừng hoạt động.

Hiện tại, gần hai năm sau thời điểm đó, Tây Ban Nha đang chuẩn bị áp dụng một kịch bản Covid-19 khác. Tại một trong những nước đạt những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất của châu Âu và cũng là một trong các nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nhất của dịch bệnh, chính phủ nước này đang cho rằng họ sẽ đối phó với các đợt lây nhiễm tiếp theo không còn là một trường hợp khẩn cấp nữa mà là một căn bệnh cần phải sống chung. Các bước đi tương tự đang được xem xét ở các nước láng giềng Bồ Đào Nha và ở Anh.

Tìm hướng đi mới đối phó dịch bệnh

Ý tưởng của họ là chuyển từ chế độ xử lý khủng hoảng sang chế độ kiểm soát dịch bệnh, tiếp cận virus corona giống như cách đối phó với bệnh cúm hoặc bệnh sởi. Điều đó có nghĩa là họ cần chấp nhận rằng lây nhiễm sẽ xảy ra và họ phải chăm sóc cho những người có nguy cơ và bị biến chứng.

Thủ tướng trung tả của Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, cũng muốn Liên minh Châu Âu xem xét thực hiện những thay đổi như vậy do biến thể Omicron hiện tại dù lây lan nhanh hơn nhưng độ nguy hiểm lại giảm đi.

Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm liều vắc xin kép và các nhà chức trách đang tập trung vào việc tăng cường khả năng miễn dịch của người lớn với liều thứ ba.

Tiến sĩ Salvador Trenche, người đứng đầu Hiệp hội Y học Gia đình và Cộng đồng Tây Ban Nha, cho biết khả năng miễn dịch có được bằng vắc-xin, cùng với sự lây nhiễm lan rộng, đang giúp tập trung các nỗ lực phòng ngừa, xét nghiệm và theo dõi bệnh tật cho các nhóm có nguy cơ từ trung bình đến cao.

Loạt quốc gia châu Âu tung chiến lược mới đối phó Covid-19 - Ảnh 1.

Chính phủ Tây Ban Nha đang xem xét cách tiếp cận mới đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Tiến sĩ Trenche thông tin với Associated Press: Covid-19 "phải được điều trị như những bệnh còn lại" và "sự bình thường hóa" của các chuyên gia y tế sẽ giúp giảm sự chậm trễ trong việc điều trị các vấn đề không liên quan đến virus corona.

Công chúng cũng cần phải chấp nhận ý kiến rằng một số trường hợp tử vong do Covid-19 "là không thể tránh khỏi", Tranche nói.

"Chúng tôi không thể đối phó với làn sóng thứ sáu giống điều chúng tôi đã làm ở làn sóng đầu tiên: Mô hình cần phải thay đổi nếu chúng tôi muốn đạt được những kết quả khác biệt," ông nói.

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết còn quá sớm để chia sẻ bất kỳ kế hoạch chi tiết nào do các chuyên gia và cố vấn của họ soạn thảo, nhưng cơ quan này xác nhận về đề xuất tuân theo một mô hình "giám sát trọng điểm", hiện đang được sử dụng ở EU để giám sát dịch cúm.

Chiến lược này đã được truyền thông Tây Ban Nha đặt cho biệt danh là "cúm" Covid-19, mặc dù các quan chức nói rằng các hệ thống phòng chống bệnh cúm sẽ cần phải được điều chỉnh đáng kể cho phù hợp với virus corona.

Nhiều quốc gia rung chuyển bởi số ca nhiễm Omicron kỷ lục đã từ bỏ việc xét nghiệm ồ ạt và cắt giảm thời gian cách ly, đặc biệt là đối với những người không có nhiều triệu chứng hoặc triệu chứng chỉ như cảm lạnh. Kể từ đầu năm, các lớp học ở nhiều trường học ở Tây Ban Nha chỉ dừng lại nếu các vụ bùng dịch lớn xảy ra, thay vì phát hiện một ca nhiễm đầu tiên như trước đây.

Tại Bồ Đào Nha, với một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã tuyên bố trong bài phát biểu năm mới rằng đất nước đã chuyển sang một giai đoạn khác.

Tại Vương quốc Anh, việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng và hộ chiếu Covid-19 sẽ bị loại bỏ vào ngày 26 tháng 1, Thủ tướng Boris Johnson thông báo hôm thứ Tư nói rằng làn sóng Covid-19 mới nhất đã "lên đến đỉnh điểm trên toàn quốc".

Yêu cầu cách ly những người bị nhiễm trong 5 ngày vẫn được áp dụng, nhưng ông Johnson cho biết sẽ tìm cách loại bỏ quy định này trong thời gian tới nếu dữ liệu về virus corona tiếp tục được cải thiện. Số liệu thống kê chính thức cho thấy 95% dân số Anh đã phát triển kháng thể chống lại Covid-19 do nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng.

Còn vấp phải sự phản đối

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng còn quá sớm để xem xét thực hiện bất kỳ sự thay đổi tức thời nào. Tổ chức này chưa có các tiêu chí xác định rõ ràng để tuyên bố Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu, nhưng các chuyên gia của tổ chức này trước đó đã nói rằng sự thay đổi cách tiếp cận chỉ có thể diễn ra khi virus dễ dự đoán hơn và không có các đợt bùng phát kéo dài.

"Đó là một nhận định chủ quan bởi vì không chỉ là vấn đề về số lượng ca nhiễm. Đó còn là về mức độ nghiêm trọng và về tác động của dịch bệnh", Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO cho biết.

Phát biểu tại một hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm thứ Hai, Tiến sĩ Anthony Fauci, bác sĩ hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cho biết Covid-19 không thể được coi là bệnh đặc hữu cho đến khi nó giảm xuống "mức không gây ảnh hưởng đến xã hội".

Còn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu đã khuyến cáo các quốc gia chuyển sang xử lý Covid-19 một cách thông thường hơn sau khi giai đoạn cấp tính của đại dịch kết thúc. Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng nhiều quốc gia EU sẽ muốn áp dụng "một cách tiếp cận giám sát lâu dài và bền vững hơn".

Hiện tại, cuộc thảo luận về việc chuyển sang phương pháp tiếp cận đặc hữu chỉ giới hạn ở một số quốc gia giàu có. Khả năng tiếp cận vắc-xin và hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ của họ là điều thế giới đang phát triển chưa có được.

Hiện chưa rõ chiến lược coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu sẽ cùng tồn tại với cách tiếp cận "zero-Covid" được Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác áp dụng như thế nào và điều đó sẽ ảnh hưởng đến du lịch quốc tế ra sao.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ