• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt sức ép buộc Ấn Độ đưa sản xuất quốc phòng trở lại sân nhà

Thế giới 11/08/2020 10:08

(Tổ Quốc) - Việc giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nước ngoài hướng đến thu hút đầu tư và tạo công việc khi thị trường việc làm thu hẹp.

Ấn Độ đang dự trữ hàng tỷ USD về vũ khí và các mặt hàng quốc phòng khác dành cho các nhà sản xuất trong nước, đóng cửa với các nhà cung cấp ở nước ngoài và hướng đến tạo việc làm khi nền kinh tế đang chậm lại.

Động thái này hướng đến thu hút đầu tư đồng thời giảm sự phụ thuộc vào quốc phòng ở nước ngoài.

Xu hướng trên cũng có thể cắt giảm nguồn cung từ các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Ấn Độ là Nga, Israel và Pháp, cùng những nước khác. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2015 đến năm 2019, Ấn Độ là nước mua vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, sau Saudi Arabia. Nga chiếm 56% lượng mua của Ấn Độ, với Israel và Pháp lần lượt là 14% và 12%.

Tăng cường thị phần vũ khí trong nước

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã công bố danh sách 101 mặt hàng sẽ được dành riêng cho sản xuất trong nước, điều tương đương với hạn mức doanh thu 55 tỷ USD trong vòng sáu đến bảy năm tới.

Loạt sức ép buộc Ấn Độ đưa sản xuất quốc phòng trở lại sân nhà - Ảnh 1.

Vũ khí chống vệ tinh DRDO 'Mission Shakti' trong cuộc duyệt binh tại Delhi tháng 1 năm nay. Ảnh: AFP.

Danh sách này bao gồm tên lửa, súng bắn pháo, bích kích pháo, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, mìn chống tăng, máy bay vận tải, thiết bị vận chuyển đa năng, hệ thống định vị của tàu ngầm, tàu ngầm thông thường, thiết bị tác chiến chống tàu ngầm và tàu mặt nước nông.

Trong vòng 4 năm tới, chính phủ Ấn Độ sẽ đưa nhiều hệ thống vũ khí khác nhau vào cái gọi là danh sách dành riêng cho các công ty trong nước, và có thể dần dần mở rộng danh sách này.

Các chuyên gia quốc phòng đánh giá từ hành động này rằng, Ấn Độ đang nhận thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa và mở rộng sản xuất quốc phòng trong nước. Họ cũng sẽ thu hút các công ty trong nước tham gia, thu hút đầu tư và tạo ra việc làm đã bị thu hẹp kể từ khi đại dịch xảy ra và gây nhiều hệ lụy ở các nước trên thế giới.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Saudi Arabia chiếm 12% thị phần nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tiếp theo là 9,2% của Ấn Độ, theo SIPRI. Điều này bất chấp việc Ấn Độ đã cắt giảm 1/3 lượng vũ khí nhập khẩu trong giai đoạn này so với năm 2010-2014.

Mặc dù là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, thị phần nhập khẩu vũ khí của Nga sang Ấn Độ đã giảm xuống 56% trong giai đoạn 2015 - 2019 từ mức 72% trong giai đoạn năm 2010 - 2014.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ấn Độ sau thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước và việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Trong giai đoạn 2015 - 2019, Israel và Pháp thay thế Mỹ, chiếm vị trí nhà cung cấp thứ hai và thứ ba.

Đối với Nga, Ấn Độ vẫn là thị trường quan trọng, chiếm 1/4 lượng vũ khí xuất khẩu của nước này. Nga đã là nhà cung cấp vũ khí ổn định cho Ấn Độ trong hơn nửa thế kỷ. Tháng trước, Ấn Độ đã chuyển sang nhà cung cấp truyền thống của mình khi xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng với láng giềng Trung Quốc tại vùng biên giới Ladakh. Ấn Độ đang muốn mua các hệ thống tên lửa S400 tối tân và bổ sung các máy bay chiến đấu.

Trong khi đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai của Nga, chiếm 16% doanh số bán vũ khí của nước này.

Sức ép từ kinh tế

Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng quyết định của Ấn Độ liên quan đến sản xuất quốc phòng có thể liên quan nhiều hơn đến hạn chế ngân sách của nước này và ít liên quan đến sự phụ thuộc nhiều vào Nga. Bởi lẽ Ấn Độ đã có được cơ chế giao dịch rất dễ dàng với Nga khi sử dụng phương tiện thanh toán thuận lợi, giảm sự cần thiết phải dùng tới các khoản dự trữ hoặc mua đô la Mỹ để thanh toán.

Trong ngân sách quốc phòng mới nhất của Ấn Độ là 67 tỷ USD cho năm tài chính đến tháng 3/2021, khoảng 21 tỷ USD đã được dành cho lương hưu và các cam kết dân sự khác. Hơn một nửa mức tăng ngân sách quốc phòng là dành cho lương hưu. Hiện đại hóa các trang thiết bị quốc phòng chỉ chiếm chưa đến một phần tư mức tăng này.

Ấn Độ cũng không xa lạ gì với việc tự sản xuất vũ khí và các hệ thống khí tài khác, vốn được cựu Thủ tướng Indira Gandhi thúc đẩy mạnh mẽ, trên nền tảng do cha bà Jawaharlal Nehru xây dựng.

Công ty Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) có trụ sở tại Bangalore đã chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG, Sukhoi và Jaguar cho Không quân Ấn Độ với sự hợp tác của người Nga và người Pháp. Ban đầu HAL được cho là cũng sản xuất máy bay phản lực Rafale theo thỏa thuận do chính phủ của Đảng Quốc đại dẫn đầu trước đó xúc tiến.

Ấn Độ có một nền tảng sản xuất quốc phòng sôi động, sản xuất từ súng máy đến thiết bị pháo. Họ cũng cho ra đời những tên lửa công nghệ cao được thiết kế để bay từ vài trăm km đến hàng ngàn km, một tính năng hữu ích từ công nghệ tên lửa được phát triển nội địa của họ.

Đầu năm nay, ông Modi đã đặt mục tiêu xuất khẩu vũ khí hàng năm trị giá 5 tỷ USD cho ngành công nghiệp trong nước vào năm 2025 và mục tiêu sản xuất được 25 tỷ USD trong vòng 5 năm. Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Singh có thể phù hợp với kế hoạch chiến lược này của chính phủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nỗi ám ảnh Make in India không nên khiến nước này thỏa hiệp về chất lượng và tiến độ giao hàng. Các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ giỏi nhất trên thế giới và điều đó có thể không dễ dàng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ