(Tổ Quốc) - Thủ tướng Scott Morrison sẽ công bố một cuộc cải tổ về chiến lược và cấu trúc lực lượng phòng thủ của Australia khi đồng minh này của Mỹ hướng tới đối phó lại một Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong một bài phát biểu quan trọng dự kiến tại Canberra trong ngày thứ tư, ông Morrison dự kiến sẽ tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ chi 270 tỷ AUD (185 tỷ USD) cho việc phòng thủ trong thập kỷ tới, nâng từ khoảng 195 tỷ AUD khi nước này tuyên bố cuộc cải tổ trước đó năm 2016.
Chi tiêu này sẽ bao gồm việc mua các tên lửa chống tàu tầm xa AGM-158C từ Hải quân Mỹ với giá khoảng 800 triệu AUD để tăng gấp ba lần tầm tấn công trên biển của họ lên khoảng 230 dặm.
Mạng lưới phòng thủ và tình báo của ông Morrison dường như đã nhận thấy nguy cơ đụng độ quân sự thực sự của nước này với đối thủ trong khu vực đang gia tăng. Australia sẽ điều chỉnh trọng tâm của Sách trắng Quốc phòng 2016, vốn có một nội dung hướng tới hỗ trợ trên quy mô toàn cầu cho các trật tự dựa trên luật lệ - chẳng hạn như sự hỗ trợ trên không của liên minh Hoa Kỳ tại Iraq và Syria.
Thay vào đó, Australia trong tương lai sẽ giới hạn trọng tâm địa lý của mình ở khu vực gần hơn - khu vực từ Đông Bắc Ấn Độ Dương, đi qua biển và phần đất liền từ Đông Nam Á đến Papua New Guinea và Tây Nam Thái Bình Dương.
"Chúng tôi vẫn chuẩn bị để hỗ trợ quân sự bên ngoài khu vực trực tiếp của chúng tôi, lợi ích quốc gia của chúng tôi là làm như vậy, bao gồm cả việc hỗ trợ cho các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo", theo nội dung trong bài phát biểu của ông Morrison. "Tuy nhiên, chúng tôi có thể không xem xét các tình huống như vậy trong việc điều chỉnh cơ cấu lực lượng – điều có thể gây bất lợi cho việc đảm bảo chúng tôi có khả năng đáng tin cậy để đối phó với bất kỳ thách thức nào trong khu vực trực tiếp của mình".
Căng thẳng với Trung Quốc
Trọng tâm mới trong việc bảo vệ biên giới lúc này của Australia có thể phản ánh mối lo ngại của họ về việc đồng minh Mỹ - dưới thời Tổng thống Donald Trump - ngày càng mất tập trung với các đối tác. Chính quyền Mỹ từng nhiều lần chỉ trích các liên minh truyền thống của nước này.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng trở nên khó khăn kể từ năm 2018, khi chính phủ của ông Morrison cấm Huawei Technologies tham gia xây dựng mạng 5G của nước này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Mối quan hệ đã trở nên sa sút hẳn kể từ tháng tư, khi Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nói rằng một vụ điều tra độc lập nên được phép tiến hành tại thành phố Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus corona. Bắc Kinh cũng không hài lòng về các tuyên bố của bà về luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Điều gần đây bà đã bày tỏ quan ngại sâu sắc.
Kể từ tháng tư, Trung Quốc đã áp dụng thuế quan đối với ngành lúa mạch Australia, tạm dừng nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà máy thịt nước này và kêu gọi khách du lịch và sinh viên của mình tránh đến Australia do nguy cơ bị tấn công từ những kẻ phân biệt chủng tộc.
Trong một bài phát biểu dường như liên quan đến những căng thẳng gần đây với Bắc Kinh, ông Morrison dự kiến sẽ đề cập trong bài phát biểu rằng "các hoạt động cưỡng chế đang xuất hiện nhiều" và "việc đánh lạc hướng thông tin và can thiệp của nước ngoài đã được hỗ trợ từ các công nghệ mới và mới nổi".
Ông cho biết ngày 19/6 rằng các dịch vụ giáo dục, y tế và công quyền của Australia và nhiều ngành công nghiệp khác đang bị một thế lực "tinh vi" nhắm tới với việc tiến hành các cuộc tấn công mạng.
"Những người này phải có khả năng đưa lực lượng và cơ sở hạ tầng của các đối thủ tiềm tàng vào diện nguy hiểm từ khoảng cách xa hơn, và do đó ảnh hưởng đến tính toán cái giá phải trả liên quan – điều đến đe dọa lợi ích của Australia", ông Morrison dự kiến cho biết hôm thứ Tư. "Điều này bao gồm khả năng phát triển trong các lĩnh vực như vũ khí tấn công tầm xa, năng lực hoạt động trong không gian mạng và các hệ thống chống tiếp cận khu vực".
Liên tục tăng cường chi tiêu
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, những người theo lập trường bảo thủ cùng với ông Morrison cho biết họ đã tăng chi tiêu quốc phòng của nước này từ 1,56% GDP - mức thấp nhất kể từ năm 1938 - lên tới 2% trong năm nay, dù có nhiều áp lực đối với ngân sách.
Trong giai đoạn đó, chính phủ đã cam kết đóng các tàu khu trục mới, theo thỏa thuận với công ty vũ khí BAE Systems, trị giá 35 tỷ AUD và 12 tàu ngầm do Tập đoàn Pháp Naval Group SA chế tạo trong một thỏa thuận năm 2016 ước tính trị giá 50 tỷ AUD. Năm 2018, họ cũng mua 72 máy bay chiến đấu ước tính giá 115,7 triệu AUD mỗi chiếc.
Kế hoạch cấu trúc lực lượng năm 2020 do ông Morrison công bố hiện bao gồm các kế hoạch mua lại hoặc nâng cấp lên tới 23 lớp tàu chiến khác nhau, với tổng vốn đầu tư lên tới 183 tỷ AUD.
"Thế giới đang thay đổi và nó sẽ tiếp tục thay đổi nhanh chóng", ông Morrison phát biểu với chương trình Sunrise của Channel Seven vào thứ Tư. "Chúng ta hướng đến một Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định, một môi trường nhất định mà mọi người có thể giao thương, sống cuộc sống của họ và các quốc gia có chủ quyền có thể làm việc và giao dịch với nhau và có mối quan hệ tốt. Và để làm được điều đó, bạn phải là một thế lực răn đe có trách nhiệm".