(Tổ Quốc) - Nhà lãnh đạo hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã tới thăm thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/11. Đây được coi là một trong những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt rạn nứt khu vực suốt nhiều năm qua.
Cuộc gặp tại Ankara có sự hiện diện của hai cường quốc trong khu vực từ lâu đã coi nhau là kẻ thù về ý thức hệ: Thái tử UAE Sheikh Mohammed bin Zayed (MBZ) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. MBZ, đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ankara sau gần 10 năm, đã được đón tiếp trọng thị tại phủ tổng thống với màn rước kỵ binh.
Vài giờ sau cuộc gặp, UAE công bố quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm năng lượng, biến đổi khí hậu và thương mại. Động thái này có thể thúc đẩy nền kinh tế đang khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm cuộc khủng hoảng tiền tệ kéo dài nhiều năm của nước này đang tăng tốc. Chuyến thăm của MBZ đã có một số tác động kinh tế ban đầu tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng giá khoảng một điểm vào thứ Tư sau khi xuống mức thấp kỷ lục trong những ngày gần đây.
Cuộc gặp quan trọng?
Sự cạnh tranh giữa UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra trên một số chiến trường đẫm máu nhất trong khu vực trong thập kỷ qua và phần nào tham gia vào quá trình định hình lại khu vực. Hiện tại, một cuộc đọ sức giữa những đối thủ cũ có thể kéo theo nhiều hệ lụy tương tự.
Xuất phát điểm của sự cạnh tranh gay gắt này bắt nguồn từ chiến dịch của MBZ nhằm tiêu diệt phong trào Huynh đệ Hồi giáo bảo thủ trên khắp khu vực. Trong khi đó, ông Erdogan là người ủng hộ mạnh mẽ nhất của lực lượng này.
MBZ từ lâu đã trở thành người ủng hộ quan trọng của quân đội Ai Cập, lực lượng đã lật đổ tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên của nước này Mohamed Morsy sau Mùa xuân Ả Rập năm 2014. Ông Morsy là một thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Quân đội Ai Cập sau đó đã bổ nhiệm cựu tướng Abdel Fattah al-Sisi làm tổng thống. Từ sau khi nhậm chức, ông Sisi đã tiến hành một số chiến dịch nhằm vào Huynh đệ Hồi giáo.
Tại Libya, MBZ đã hậu thuẫn cho tướng Khalifa Haftar trong cuộc chiến giành quyền lực với chính phủ được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli, vốn có liên hệ với Huynh đệ Hồi giáo và được ông Erdogan ủng hộ.
Nhưng trong thời gian gần đây, tiếng súng đã tương đối im lặng khi nhiều bên liên quan phải đối mặt với tình hình kinh tế quay cuồng trước những tác động của sự bất ổn trong khu vực và đại dịch. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đã phải vật lộn để duy trì nền kinh tế trong những năm gần đây. Do vậy, việc phục hồi mối quan hệ với Abu Dhabi, và thu hút một loạt các khoản đầu tư từ UAE giàu dầu mỏ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang hy vọng vào một cứu cánh rất cần thiết.
"(Erdogan) nắm được quyền lực phần nào do vấn đề kinh tế. Vì vậy, một nền kinh tế yếu hơn trước thềm cuộc bầu cử năm 2023 chắc chắn là điều ông ấy không muốn", Nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Erim thông tin với CNN. "Và UAE có tiền để có thể tạo nên một cú hích cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ."
Đổi lại, Abu Dhabi tìm kiếm sự nhượng bộ đối với một số điểm nóng trong khu vực, chẳng hạn như Libya. Cuộc gặp lần này cũng kéo theo nhiều đồn đoán về sự thay đổi thế trận tại Libya.
Hoài nghi về sự hiện diện của Mỹ?
Các nhà phân tích cho rằng, một yếu tố khác thúc đẩy mối quan hệ UAE – Thổ Nhĩ Kỳ một phần cũng đến từ sự hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với Trung Đông. Khi hai tổng thống liên tiếp của Mỹ đang tái tập trung vào châu Á, nhiều nhà lãnh đạo lớn tại Trung Đông ngày càng cảm thấy họ cần phải tự bảo vệ mình. UAE dường như có ý định dẫn đầu tiến trình này. UAE từng được biết đến với chính sách đối ngoại cứng rắn, vượt trội so với quy mô dân số chỉ gần 10 triệu dân (chủ yếu là người nước ngoài). Trong nhiều năm, UAE đã thúc đẩy sự hiện diện trong một số cuộc xung đột, có mối quan hệ với một số lực lượng vũ trang ở các nước như Yemen, Syria và Iraq, và có nhiều hoạt động chống lại Huynh đệ Hồi giáo. Hiện tại, họ dường như muốn được coi là nhà hòa giải chính của khu vực.
Abdulkhaleq Abdalla, một giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu của UAE cho biết: "UAE đang cố gắng củng cố ảnh hưởng trong khu vực và họ đang cố gắng thể hiện mình là một nhà hòa giải từ thời điểm này. Chúng ta đã có đủ bất ổn, xung đột và xung đột lợi ích và không ai được lợi lộc gì từ đó. Kể cả có được hưởng lợi thì điều đó cũng không đáng kể".
Kể từ tháng 8 năm 2020, UAE đã bình thường hóa quan hệ với Israel, hàn gắn rạn nứt chính trị kéo dài nhiều năm với Qatar giàu khí đốt, thực hiện một loạt tín hiệu ngoại giao công khai với đối thủ Iran và dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy tái hòa nhập Syria với toàn khu vực, tìm cách chấm dứt tình trạng cô lập ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc gặp giữa MBZ với Erdogan lần này là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai đối thủ cũ cho đến nay. Sự kiện này diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdallah bin Zayed tới Damascus vào đầu tháng này, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011. Cố vấn An ninh Quốc gia UAE Sheikh Tahnoun bin Zayed được cho là sẽ đến thăm Tehran trong tuần này.
Tuần trước, các nước Ả Rập vùng Vịnh đã ra một tuyên bố chung tán thành việc hồi sinh các cuộc đàm phán để tái ký thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong những nước này từng có một số quốc gia đã phản đối rất dữ dội khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký lần đầu năm 2015.
Thời đại dường như đang thay đổi.
Nhà phân tích Erim từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Tất cả các quốc gia này hiện đang cải tổ chính sách của họ và chuẩn bị sẵn sàng trước khả năng Mỹ ít can dự hơn. Họ hiểu rằng họ cần phải đóng vai trò chủ động hơn với các nước láng giềng".