• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt thỏa thuận dang dở, bất ngờ đảo ngược lập trường: TT Trump rơi "thế khó" trước thềm họp LHQ?

Thế giới 23/09/2019 11:30

(Tổ Quốc) - Những tiến trình đàm phán còn dang dở là hành trang lớn nhất Tổng thống Donald Trump đem tới New York.

Hãng tin AP nhận định, trước thềm cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ diễn ra vào giữa tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước một loạt các thỏa thuận chính sách đối ngoại vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Đó là những thách thức liên quan tới Iran, Triều Tiên, Afghanista và Taliban, Israel và Palestine – chưa kể tới một số hiệp định thương mại. Có vấn đề đang tiến triển, nhưng cũng có vấn đề vẫn dậm chân tại chỗ.

Bản thân Tổng thống Trump từng nhiều lần nhấn mạnh, ông "không vội" hoàn tất các thỏa thuận. Nhưng quá trình thương lượng rất tốn thời gian. Ông Trump đang tiến gần tới năm cuối trong nhiệm kỳ và đứng trước khả năng sẽ không đạt được nhiều mục tiêu chính sách đối ngoại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

TTLHQ

Tổng thống Trump cần có sự ủng hộ quốc tế trong vấn đề Iran (ảnh: getty)

"Tôi không đổ lỗi cho Tổng thống vì có quá nhiều thỏa thuận chưa hoàn tất", ông Nicholas Burns, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao từng làm việc dưới các đời Tổng thống cả Cộng hòa và Dân chủ, nói. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Trump khi yêu cầu Trung Quốc thay đổi các tập quán thương mại cũng như đàm phán với Taliban để kết thúc cuộc chiến 18 năm tại Afghanistan.

"Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ anh phải là một công dân lý trí và đánh giá ông Trump", ông Burns chỉ ra. "Theo tôi thấy, ông ấy vẫn chưa đạt được bất kỳ thành tựu đối ngoại chủ chốt nào trong hơn 2 năm rưỡi nhậm chức".

Giới phê bình cho rằng, không thành công đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ tới Liên Hợp Quốc trong thế yếu.

Mặc dù một số chuyên gia đối ngoại thừa nhận "thành tích" của ông Trump vì đã mở ra được các tiến trình đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, phong cách thương lượng của ông – nay khen mai chê các nhà lãnh đạo thế giới, lại vấp phải nhiều chỉ trích vì lo ngại nó sẽ khiến bàn cờ chính trị toàn cầu không ổn định.

Đáp trả, ông Trump nói: "Đó là cách tôi đàm phán. Nó đem lại kết quả rất tốt cho tôi trong những năm qua và thậm chí đang làm tốt hơn cho đất nước".

Trước đó, đường lối "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump không nhận được sự ủng hộ tại LHQ. Hiện tại, khi căng thẳng Washington - Tehran đang leo thang, Tổng thống Mỹ cần có sự ủng hộ của quốc tế nhằm gia tăng áp lực lên Iran.

"Trong quá khứ, ông Trump nói mỗi quốc gia phải hành động vì lợi ích của mình", ông Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, phân tích. "Giờ đây chúng ta có một cuộc họp Đại Hội đồng nơi Tổng thống thực sự cần đồng minh trong vấn đề Iran".

Khả năng gặp gỡ giữa ông Trump và đồng cấp Iran Hasssan Rouhani bên lề cuộc họp đã bị xóa bỏ. Theo ông Alterman, kịch bản tốt nhất là một cuộc thương lượng mới với Iran, dẫn tới việc chấm dứt các hoạt động gây bất ổn của Iran tại Trung Đông cũng như loạt giới hạn mới trong chương trình hạt nhân và các chi tiết rõ ràng hơn về chương trình phát triển tên lửa - của Tehran. Còn kịch bản tệ nhất sẽ là ông Trump từ bỏ đồng minh và Iran tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích và đồng minh của Mỹ.

Trong một bài phát biểu gần đây tại Đại học Harvard, cựu Ngoại trưởng Mỹ mới bị sa thải Rex Tillerson cho hay, đàm phán thành công diễn ra khi cả hai bên rời đi với một kết quả chấp nhận được. "Nếu anh nghĩ đàm phán là thắng/thua, anh sẽ có trải nghiệm kinh khủng, sẽ rất không thỏa mãn và không nhiều người muốn thỏa thuận với anh", ông Tillerson nói.

Một tiến trình đàm phán khác của ông Trump – với Bình Nhưỡng, cũng đang rơi vào bế tắc, ngay cả sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên hồi tháng 6.

Hôm thứ sáu (20/9), ông Trump tuyên bố mối quan hệ 3 năm giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un "là thứ tốt nhất từng xảy đến" cho nước Mỹ. "Hãy chờ xem điều gì sẽ diễn ra", người đứng đầu nước Mỹ nói. Ông cũng nhấn mạnh, kể từ khi họ bắt đầu gặp gỡ, Triều Tiên đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân và chỉ phóng tên lửa tầm ngắn thay vì tầm xa như trước đây.

Tương tự, các cuộc đàm phán hòa bình tại Trung Đông cũng không có nhiều tiến triển tích cực. Kế hoạch hòa bình được nhiều mong chờ do con rể ông Trump – cố vấn Jared Kusshner chấp bút, vẫn chưa xuất hiện và con đường phía trước tỏ ra khá mờ mịt. Kế hoạch đang đối mặt với sự phản đối từ người Palestine – vốn đã cắt bỏ quan hệ với Washington sau khi chính quyền Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Chính quyền Palestine chỉ trích ông Trump đã đánh mất vị thế trung gian vô tư với việc liên tục đứng về phía Israel.

Và cũng không thể không kể tới cuộc xung đột nhiều năm tại Afghanistan.

Trong khi công khai kêu gọi chấm dứt chiến tranh, ông Trump lại vừa mới đình chỉ quá trình đàm phán đã kéo dài gần một năm với Taliban. Lý do chính được đưa ra là do nhóm nổi dậy đã gia tăng bạo lực hòng đạt được lợi thế trong đàm phán.

Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ của dư luận về mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Nhưng ông cũng bị phê phán vì dự định gặp gỡ giới lãnh đạo Taliban tại Trại David ngay trước dịp kỷ niệm vụ tấn công 11/9. Taliban chính là lực lượng hỗ trợ Al-Qaeda – thủ phạm gây ra thảm kịch 18 năm trước.

Nhà viết sử Michael D'Antonio đánh giá, trong các vấn đề quốc tế, Tổng thống Trump dường như quan tâm tới việc có thể phô bày sự ấn tượng, hơn là tìm kiếm một giải pháp lâu dài.

"Một khi có đối tác tham gia, ông ấy gần như chắc chắn sẽ công bố điều gì đó quan trọng", ông D'Antonio nói. "Các chi tiết khác sẽ xuất hiện sau khi bầu cử".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ