• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt tín hiệu Iran tới Ấn Độ: Sự phức tạp của bàn cờ siêu cường khu vực

Thế giới 26/07/2020 07:42

(Tổ Quốc) - Bằng cách tìm lại con đường kích hoạt dự án đầu tư cảng Chabahar, Tehran đe dọa sẽ bỏ qua Ấn Độ để bắt tay với Trung Quốc, theo tờ Asia Times.

Đầu tháng này, các nhà chức trách ở New Delhi đã xôn xao trước các thông tin từ Iran rằng Ấn Độ đã bị đẩy ra khỏi một dự án đầu tư quan trọng, điều có lợi cho đối thủ Trung Quốc.

Viễn cảnh Ấn Độ có thể mất vai trò trong dự án đường sắt này, kết nối từ cảng Chabahar tại Ấn Độ Dương của Iran với thành phố biên giới Zahedan của Afghanistan, do thất bại trong đầu tư có thể sẽ đặt ra câu hỏi về những ưu tiên quan hệ đối ngoại của chính phủ Ấn Độ.

Với việc Ấn Độ tuân thủ hoàn toàn, một số người thậm chí còn nói là tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trước hết là đình chỉ nhập khẩu năng lượng từ Iran và không có nhiều động thái thể hiện thiện chí với dự án Chabahar, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi Iran hiện đã công khai cắt giảm quyết liệt quyền lợi của Ấn Độ và đặc quyền của họ ở Iran. Dù sau đó, Teheran đã phủ nhận đây là "tin đồn" nhưng điều này được xem như một lời cảnh báo.

Loạt tín hiệu Iran tới Ấn Độ: Sự phức tạp của bàn cờ siêu cường khu vực - Ảnh 1.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani duyệt đội danh dự trong lễ đón tại New Delhi năm 2018. Ảnh: AFP.

Thời điểm diễn ra tình hình này, một mặt cùng với căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đang gia tăng, và tin tức về một thỏa thuận chiến lược 25 năm sắp xảy ra giữa Tehran và Bắc Kinh, là rất quan trọng.

Ấn Độ có thể không đủ khả năng để đối phó nếu mất thêm lợi thế trước Trung Quốc, điều có thể xảy ra ở Chabahar nếu Iran quyết định tìm cách có được thỏa thuận tốt hơn nhiều từ Bắc Kinh. Trung Quốc có thể mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường quy mô lớn của mình tới Chabahar sau khi thỏa thuận mười năm hiện tại giữa Tehran và New Delhi hết hạn vào năm 2026.

Vừa qua, đại sứ Iran tại Pakistan đã đưa ra vấn đề kết nối giữa các cảng Gwadar, do Trung Quốc xây dựng và cảng Chahahar ở Iran – nơi đang được New Delhi sử dụng là đối trọng với ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.

Iran thích một lựa chọn toàn diện hơn, theo đó cả Trung Quốc và Ấn Độ có thể đồng thời hưởng lợi từ dự án cảng Chabahar. Nhưng với việc Iran và Trung Quốc tiến gần hơn tới việc đạt được một thỏa thuận dài hạn mang tính bước ngoặt thì tương lai của Chabahar chắc chắn là một vấn đề cấp bách với tất cả các bên.

Quan hệ với cả hai bên

Một câu hỏi lớn là liệu Iran thực sự có thể quan hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ hay không và bằng cách nào đó phù hợp với lợi ích của cả hai bên, đặc biệt nếu Ấn Độ tiếp tục liên kết chặt chẽ chính sách đối ngoại với các đối thủ chính của Iran như Mỹ và Israel, và nước này cũng bị rơi vào một cuộc cạnh tranh khó khăn với Trung Quốc.

Hiện tại, suy nghĩ chủ đạo ở Iran là họ có thể định hướng một lối đi an toàn và gặt hái những lợi ích thương mại đồng thời với cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, cũng có một ý kiến thiểu số cho rằng Ấn Độ đang rời xa Iran, và do đó Tehran không nên đặt nhiều hy vọng vào bất kỳ sự cải thiện mạnh mẽ nào trong quan hệ với New Delhi.

Trong nội tại Iran, những ưu và nhược điểm của sự thay đổi địa chiến lược đối với Trung Quốc, một siêu cường khu vực gần kề, đang là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm.

Theo một giáo sư khoa học chính trị ở Tehran, người muốn giấu tên, thì hành động của Iran với Ấn Độ là muốn chính phủ Ấn Độ phải giải quyết vấn đề của Iran.

Đại sứ Ấn Độ Gaddam Dharmendra đã gặp Chủ tịch Quốc hội Iran Bagher Ghalibaf, cũng như Thứ trưởng Bộ Đường bộ Iran và người đứng đầu ngành đường sắt Iran, để xem xét hợp tác về dự án đường sắt Chabahar-Zahedan.

Tuy nhiên, điều Iran thực sự muốn thấy là sự độc lập của New Delhi trong chính sách quan hệ với Iran để không bị ảnh hưởng tiêu cực từ các đối thủ trong khu vực và ngoài khu vực của Iran.

Cơ hội từ miễn trừ trừng phạt của Mỹ

Từ quan điểm của Tehran, việc chính quyền Trump miễn trừ cho các hoạt động của Ấn Độ tại Chabahar mở ra một cơ hội duy nhất cho dòng đầu tư bên ngoài vào Iran, nơi đã bị ảnh hưởng bởi hai lệnh trừng phạt và đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, điều này tuy nhiên chưa nhận được sự chú ý nhiều từ Ấn Độ do họ đặt quan hệ với Iran ở một mức ưu tiên thấp hơn. Một sự điều chỉnh kịp thời về phần của Thủ tướng Modi có thể đang diễn ra, hoặc ông Modi có thể chỉ đơn giản là thực hiện một thao tác chiến thuật mà không đầu tư nhiều tâm sức.

Điều rõ ràng là dự án Chabahar, phản ánh con đường hoạch định sức mạnh của Ấn Độ là một đối trọng với vai trò của Trung Quốc tại cảng Gwadar,Pakistan, đang vấp phải nhiều tín hiệu không chắc chắn.

Điều này xuất phát từ sự phức tạp của cuộc cạnh tranh Trung - Ấn và sự gần gũi của Ấn Độ với Washington, nơi đang dẫn đầu sức ép đối với Iran, mặc dù có những ngoại lệ hẹp, như đối với thương mại năng lượng của Iraq với Iran và việc Ấn Độ đầu tư vào Chabahar.

Nhiều người Iran giờ không còn muốn che giấu sự thất vọng của họ với Ấn Độ và việc thực thi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh thương mại Iran - Ấn Độ.

Một số nhà phân tích ở Iran đã thấy trước sự chia rẽ trong khu vực có thể dẫn tới sự chiến thắng của liên kết Iran – Pakistan - Trung Quốc và sự bất lợi về địa chiến lược của Ấn Độ.

Dù vậy, vẫn còn 1 số tiếng nói tại Iran tin tưởng vào sự phát triển mối quan hệ với Ấn Độ, vốn có sự gắn kết lịch sử và văn hóa mạnh mẽ.

Việc duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Ấn Độ trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Iran và Trung Quốc đang gia tăng, cả về năng lượng và thương mại, có thể bảo vệ Tehran khỏi những lập trường tuyên truyền rằng họ quá thân cận Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ