• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Loạt trọng tâm Đức nhắm tới khi nắm ghế cao nhất EU

Thế giới 02/07/2020 11:40

(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu phải chuẩn bị cho khả năng quá trình đàm phán với Anh về mối quan hệ hậu Brexit của họ có thể thất bại, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo hôm thứ Tư khi Đức nắm quyền chủ tịch luân phiên của khối này trong 6 tháng tới.

Sau nhiều tháng bế tắc vì virus corona, Anh và EU đã nối lại các cuộc đàm phán trong tuần này về cách xác định mối quan hệ kinh tế trong tương lai của Anh với khối này, nhưng lập trường 2 bên vẫn khá cứng rắn.

"Tôi sẽ tiếp tục hướng đến một giải pháp tốt đẹp, nhưng EU và Đức cũng phải và nên chuẩn bị cho trường hợp không đạt được thỏa thuận", bà Merkel nói với các nhà lập pháp Đức tại Berlin.

Nhà lãnh đạo kỳ cựu này đã phát biểu vào ngày đầu tiên Đức nhận nhiệm vụ chủ tịch EU kéo dài sáu tháng – thời khối này bị chi phối bởi đại dịch và sự sụt giảm kinh tế.

Loạt trọng tâm Đức nhắm tới khi nắm ghế cao nhất EU - Ảnh 1.

Đức sẽ lèo lái con thuyền châu Âu ra sao trong 6 tháng tới, trong thời điểm toàn thế giới đang rất khó khăn. Ảnh: AFP.

Nhưng vụ "ly hôn" của Anh và EU cũng là một vấn đề lớn, vì London và Brussels chỉ còn đến cuối tháng 12 này để đạt được thỏa thuận mới hoặc chấm dứt mối quan hệ nửa thế kỷ của họ mà không có kế hoạch cụ thể nào về cách họ dự định giao dịch hoặc cùng tồn tại trong các lĩnh vực khác.

Nếu không có thỏa thuận, mối quan hệ giữa Anh và EU sẽ được giảm xuống các tiêu chuẩn tối thiểu do Tổ chức Thương mại Thế giới đặt ra, với mức thuế quan cao và sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động hiện tại của các doanh nghiệp.

"Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác có tính xây dựng với Liên minh châu Âu và chúng tôi tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tự do", một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Vladimir Johnson nói.

"Nhưng cũng đã rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cả hai trường hợp," quan chức này nói thêm.

Thời điểm khó khăn

Đức đã đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho nhiệm kỳ chủ tịch EU của mình - điều các nhà quan sát cho rằng có thể là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Merkel sắp mãn nhiệm định hình di sản châu Âu của bà.

Mục tiêu chính của bà Merkel là thúc đẩy một kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô khổng lồ để giúp khối này đối phó với suy thoái kinh tế mạnh nhất kể từ Thế chiến II, sau khi đại dịch Covid-19 lây lan và khiến hơn 500.000 người trên toàn thế giới thiệt mạng.

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ rất quan trọng và cần phải có phản ứng tương ứng", bà Merkel nói với các nghị sĩ Đức.

Thủ tướng, người chỉ còn hơn một năm trong nhiệm kỳ cuối cùng, cũng bày tỏ sự ủng hộ cho một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (843 tỷ USD), do người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - cựu bộ trưởng quốc phòng của bà Merkel đưa ra.

Quỹ này sẽ gây ra một số nội dung tranh cãi vì sẽ tài trợ thông qua cơ chế vay mượn chung của khối EU và đánh dấu một bước ngoặt lớn của Đức sau nhiều năm phản đối.

Phép thử lớn đầu tiên sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh EU 17-18/7, nơi bà Merkel hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ đạt được sự đồng thuận về đề xuất quỹ trên.

Tiền dự kiến sẽ được chi chủ yếu dưới dạng các khoản hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, chẳng hạn như Italy và Tây Ban Nha đang chịu gánh nặng nợ nần.

Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm Áo và Hà Lan muốn kiềm chế chi tiêu và khăng khăng rằng tiền nên được chi theo hình thức cho vay hơn là hỗ trợ.

Bà Merkel đã kêu gọi các quốc gia thể hiện "sự đoàn kết mạnh mẽ", cảnh báo rằng sự phục hồi không đồng đều sẽ làm tổn thương toàn bộ nhóm 27 thành viên. Nhưng "lập trường của các quốc gia thành viên vẫn cách nhau rất xa", bà Merkel thừa nhận.

Nếu nhận được sự chấp thuận, quỹ giải cứu này sẽ là một cột mốc quan trọng cho sự đoàn kết của EU và cũng sẽ là một chiến thắng lớn cho Berlin khi có thể phần nào giảm bớt sự mâu thuẫn đối với chính phủ của bà Merkel khi trong cuộc khủng hoảng nợ eurozone một thập kỷ trước đã khăng khăng thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng đối với các quốc gia đang gặp khó khăn như Hy Lạp.

Hướng tới tương lai xanh

Bà Merkel cũng đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của khối này trong việc chuẩn bị cho một tương lai hậu đại dịch, bao gồm việc thông qua cách tiếp cận thống nhất hơn đối với các vấn đề y tế và bằng cách đầu tư vào các dự án thân thiện với khí hậu.

Nhiều người biểu tình về môi trường đã tụ tập bên ngoài Phủ Thủ tướng vào thứ Tư để kêu gọi chi tiêu các khoản tiền hỗ trợ sau đại dịch cần gắn với "một tương lai xanh và chính đáng".

Tại một cuộc họp báo ở Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cho biết Đức cũng đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc của khối này vào chuỗi cung ứng bên ngoài sau khi dịch bệnh COVID-19 khiến các quốc gia thành viên tranh giành nhau nguồn thiết bị bảo hộ y tế, chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.

Berlin cũng đang muốn đạt được tiến bộ "nhanh nhất có thể" về một thỏa thuận đầu tư Trung Quốc – EU, hiện đang bị đình trệ, nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty châu lục này, ông nói thêm

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ