(Tổ Quốc) - Mỹ được cho là đang phát triển hai loại vũ khí hạt nhân mới và điều này nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Newsweek dẫn lời một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực hạt nhân cho biết, Nhà Trắng đang lên kế hoạch chế tạo hai loại vũ khí hạt nhân mới, nhằm hiện đại hóa kho vũ khí của mình trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc. Điều này làm dấy lên tranh cãi xung quanh việc liệu nước Mỹ đang tăng cường năng lực ngăn chặn tấn công, hay đang thúc đẩy khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân?
“Trong khi Mỹ đang tiếp tục cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân, các nước khác, bao gồm Nga và Trung Quốc lại đi theo hướng ngược lại”, bản dự thảo Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) 2018 của Lầu Năm góc chỉ ra. “Mỹ cần phải có khả năng phát triển và triển khai các năng lực mới, nếu cần thiết, để ngăn chặn, đảm bảo và đạt được các mục tiêu của Mỹ trong trường hợp ngăn chặn bị thất bại và giảm thiểu sự không chắc chắn”.
Một trong những đề xuất là vũ khí hạt nhân cấp thấp cho Trident – loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, sở hữu sức mạnh “siêu khủng” có thể phá hủy cả một quốc gia. Tên lửa Trident có khả năng mang theo nhiều phần thân trang bị đầu đạn hạt nhân và hiện đang được triển khai trên các tàu ngầm hạng Ohio. Theo một số chuyên gia, Trident có thể chính thức đi vào sử dụng trong vòng 2 năm tới.
Bản báo cáo cũng tiết lộ, trong dài hạn, Lầu Năm Góc đang muốn phát triển một loại tên lửa hành trình có đầu hạt nhân phóng đi từ biển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân có sức nổ thấp, sẽ đem lại sự linh hoạt khi đối phó với các mối đe dọa đến từ Nga, đồng thời nâng cao “ngưỡng hạt nhân” – thời điểm mà các quốc gia có thể hoặc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột.
“Mở rộng các lựa chọn hạt nhân linh hoạt của Mỹ, bao gồm các lực chọn hạt nhân cấp thấp, là điều quan trọng giúp ngăn ngừa sự hiếu chiến khu vực,” dự thảo báo cáo NPR tuyên bố. “Nói một cách rõ ràng, điều này không đồng nghĩa với ý định kích hoạt hoặc đang kích hoạt ‘một cuộc chiến tranh hạt nhân’”.
Nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đang bị làm quá?
Giới chuyên gia tỏ ra không hài lòng với tài liệu của Bộ Quốc phòng. Họ cho rằng, bản báo cáo đã đưa ra các mục tiêu mâu thuẫn khi muốn tăng cường lựa chọn sử dụng hạt nhân phục vụ ngăn chặn; trong khi thể hiện sự không rõ ràng trước chiến lược hạt nhân của nước Mỹ.
“Cốt lõi trong chiến lược được NPR đề cập tới, bao gồm hai yếu tố: Đầu tiên là ngăn chặn các nước đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, như Nga và Triều Tiên,” Jon Wolfsthal, một cựu quan chức cấp cao về kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama nhận định. “Thứ hai là mong muốn đạt được mục tiêu ngăn chặn, bằng cách khiến cho lời đe dọa nước Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân ngay đầu tiên – trở nên đáng tin hơn”.
Theo ông Wolfsthal, kế hoạch trên sẽ đưa cho Lầu Năm Góc “thêm lựa chọn các vũ khí hạt nhân không gây hủy diệt; nhưng chính điều đó, lại làm người ta muốn sử dụng chúng hơn”. Ông cho rằng, NPR “rõ ràng đang đẩy mạnh nguy cơ hạt nhân”, “làm tăng chi phí và hậu quả của cuộc chạy đua hạt nhân với Nga”.
Cựu quan chức nhận định, Mỹ đã đủ khả năng ngăn chặn tấn công hạt nhân và nên giành nhiều thời gian để tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa phi hạt nhân và an ninh mạng. Ông Wolfsthal cũng thừa nhận, Điện Kremlin thường không tuân thủ các luật lệ của cuộc chơi; tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề này chính là xây dựng “những liên minh vững mạnh, gia tăng các năng lực truyền thống và phát triển một nền kinh tế có thể chi trả cho các hoạt động quân sự khi nguy cơ xảy ra”. Theo Wolfsthal, Tổng thống Donald Trump đang làm mọi việc trở nên khó khăn hơn, khi cố tình đẩy Mỹ ra khỏi các đồng minh truyền thống.
Trong khi đó, Robert Einhorn, một chuyên gia về giải trừ vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ trang tại Viện Brookings lại đánh giá, nỗi lo sợ về chiến tranh hạt nhân đang bị “làm quá”. “Các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng có sự khác biệt lớn giữa vũ khí thông thường và vũ khi hạt nhân; họ sẽ chỉ sử dụng cái thứ hai trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng,” ông Einhorn nói với tờ Newsweek.
Còn cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Robert Joseph bình luận với tờ The Wall Street Journal, kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân mới chỉ khiến vũ khí “trở nên hữu dụng hơn”, và “củng cố sức mạnh ngăn chặn khi không sử dụng vũ khí hạt nhân ngay đầu tiên”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/11/2017 |
Mỹ muốn gia tăng hay hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân?
Theo kế hoạch, phiên bản chính thức của báo cáo NPR sẽ được công bố vào tháng Hai và những khuyến nghị của nó sẽ cần có sự thông qua của Tổng thống Trump - người yêu cầu có được bản báo cáo này ngay sau khi vào Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, một Tổng thống Mỹ đưa ra đòi hỏi này.
Newsweek cho biết, Mỹ hiện đang sở hữu kho vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nga – với khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, về phương diện năng lực quân sự, vẫn chưa có quốc gia nào có thể vượt qua được Mỹ. Một bản đánh giá về tình hình quân sự toàn cầu năm 2017 của Global Firepower Index đã chỉ ra, Mỹ đứng ở vị trí thứ nhất, tiếp sau đó là Nga.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump dường như vẫn quyết tâm mở rộng kho vũ khí của mình đặc biệt là trong thời điểm Nga, Trung Quốc đang hiện đại hóa và Triều Tiên ngày càng có nhiều tiến bộ trong công nghệ hạt nhân.
Tháng 10/2017, trong cuộc gặp gỡ với các quan chức an ninh quốc gia cấp cao, ông Trump được cho là đã tuyên bố muốn tăng năng lực hạt nhân của Mỹ lên 10 lần. Tuy nhiên, ngài Tổng thống sau đó lại phủ nhận điều này trước các phóng viên. “Đó chỉ là tin tức giả… chúng ta không cần phải tăng cường. Nhưng tôi muốn hiện đại hóa…”, ông Trump nói.
Tổng thống Trump từng có không ít phát ngôn gây tranh cãi liên quan tới vũ khí hạt nhân; trong đó, ông thường ám chỉ mình sẵn sàng sử dụng lựa chọn này nếu nước Mỹ bị khiêu khích.