• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lớn tiếng đối đầu Mỹ vì Iran, nội bộ EU bất ngờ "trong ngoài bất nhất"

Thế giới 31/10/2018 06:59

(Tổ Quốc) - Để tìm ra được một giải pháp đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Iran, châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo tờ Financial Times, Liên minh châu Âu đang rơi vào tình trạng khó khăn khi chưa tìm ra được một quốc gia thành viên nào có thể trở thành nước chủ nhà cho một kênh tài chính mới, nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại với Iran thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Đây là một trong những thách thức mới nhất mà khối này gặp phải trong quá trình nỗ lực gìn giữ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran).

Lớn tiếng đối đầu Mỹ vì Iran, nội bộ EU bất ngờ trong ngoài bất nhất - Ảnh 1.

Mỹ chính thức tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Iran từ ngày 5/11 (ảnh: FT)

Các nước châu Âu muốn thiết lập một "phương tiện với mục đích đặc biệt" để xử lý các khoản chi trả cho hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Iran, một khi Washington chính thức cấm vận ngân hàng trung ương và ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo vào ngày 5/11 tới đây. Động thái của Mỹ là một phần trong kế hoạch gây áp lực lên nền kinh tế của Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử hồi tháng Năm vừa qua.

Với ba quốc gia tham gia vào trong quá trình ký kết thỏa thuận hạt nhân là Pháp, Đức và Anh, dẫn đầu, Liên minh châu Âu muốn các giao dịch thương mại với Iran mà không có yếu tố Mỹ, được phép tiếp tục - nhằm chống lại lập trường của Washington.

Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Federica Mogherini từng nói, "phương tiện với mục đích đặc biệt" có thể bắt đầu vận hành "trước tháng Mười một", mặc dù không có một thời hạn chính thức hay thông tin chi tiết nào khác được công bố.

Tuy nhiên, Financial Times dẫn lời một số nhà ngoại giao châu Âu nhận định, để có thể thực sự hiện thực hóa kế hoạch trên, vẫn còn rất nhiều khó khăn; trong đó, bao gồm cả thái độ "miễn cưỡng" của các nước thành viên khi được yêu cầu đăng cai cơ cấu tài chính mới. Trong một cuộc họp của Ủy ban châu Âu diễn ra vào tuần trước nhằm chuẩn bị cho các hoạt động đáp trả lại lệnh trừng phạt [lên Iran] của Mỹ, các quan chức châu Âu đã phải thảo luận nguyên nhân tại sao không nước thành viên nào chịu chấp nhận cơ sở mới của Iran.

"Không một chính phủ châu Âu nào muốn đối đầu với Mỹ bằng việc chấp nhận 'phương tiện với mục đích đặc biệt'", một quan chức tiết lộ. Một người khác cho biết: "Các nước thành viên không thực sự muốn dính dáng đến kế hoạch này. Các quốc gia châu Âu sợ Mỹ có thể trừng phạt về mặt chính trị, thậm chí là áp dụng thêm trừng phạt mới".

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi "phương tiện với mục đích đặc biệt" là "một trong những biện pháp phản tác dụng nhất tới hòa bình và an ninh thế giới, mà ai đó có thể nghĩ ra".

Không một chính phủ châu Âu nào muốn đối đầu với Mỹ

Giới ngoại giao châu Âu nhấn mạnh, những nỗ lực chống lại quyết định của Mỹ trong vấn đề Iran, vẫn chưa đạt được kết quả tích cực nào trước thời điểm các lệnh trừng phạt chính thức được khôi phục, hoặc là không lâu sau đó. Một mục tiêu là cho phép Iran tiếp tục được xuất khẩu dầu mỏ . Đây cũng là một trong những lý do chính khiến Tehran đồng ý kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của mình, để đổi lấy việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích từ Iran đánh giá, Cộng hòa Hồi giáo đang ngày càng có lòng tin rằng, họ sẽ chống chọi được các lệnh trừng phạt từ Mỹ, ngay cả khi các nỗ lực của châu Âu bị thất bại. Liên minh châu Âu cũng đã khởi động một đạo luật cấm các công ty của mình tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù vạy, nhiều tập đoàn lớn của châu Âu đều quyết định rút khỏi Iran, thay vì trực tiếp đối đầu với Washington.

Hôm thứ Bảy (27/10), Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, đất nước của ông đã đạt được thắng lợi chỉ với việc Liên minh châu Âu sẵn sàng ủng hộ Iran.

"Một năm trước, phần lớn quốc hội sẽ coi cách tiếp cận của châu Âu là quá lạc quan và không thể xảy ra", ông Rouhani nói với các nhà lập pháp Iran. "Nhưng tôi tin tưởng, chúng ta đã đạt được điều này, và đó là một thắng lợi chính trị mang tính lịch sử hiếm hoi cho Iran".

Một số nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, mỗi ngày Iran vẫn có thể bán ít nhất 1 triệu thùng dầu và gas hóa lỏng cho Trung Quốc và các khách hàng quốc tế khác. Tỷ lệ này có sụt giảm so với mức 2,8 triệu thùng trong năm nay. Nhưng giá dầu cao đồng nghĩa với việc mức xuất khẩu dầu dự đoán đủ để giúp Iran "tồn tại".

Nhưng tôi tin tưởng, chúng ta đã đạt được điều này [sự ủng hộ của châu Âu], và đó là một thắng lợi chính trị mang tính lịch sử hiểm hoi cho Iran.

Hassan Rouhani

Theo một nhà cải cách gần gũi với chính phủ Tổng thống Rouhani, về mặt lý tưởng, "châu Âu sẽ tiếp tục mua khoảng 600.000 thùng dầu/ngày từ Iran. Tuy nhiên, ngay cả một nửa trong số lượng trên cũng tốt, chừng nào các nước châu Âu vẫn để mở một vài kênh tài chính cho Iran, cho phép nước này có thể nhập khẩu các mặt hàng cơ bản".

Việc Tehran đồng ý với các quy định toàn cầu về đối phó khủng bố tài chính và rửa tiền trong tháng này, được đánh giá là sẽ giúp quá trình thỏa thuận giữa Iran với các nước châu Âu diễn ra dễ dàng hơn.

Ông Abdolnaser Hemmati, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Iran tỏ ra lạc quan về những thỏa thuận của Iran và châu Âu, vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong tuần vừa qua. Hemmati tiết lộ, đó gần như là những chi tiết của một "hiệp ước tiền tệ", mà theo đó, các nhà xuất khẩu châu Âu và Iran có thể tiếp tục giao thương với nhau".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ