(Tổ Quốc) - Chương trình hội ngộ các gia đình ly tán giữa hai miền diễn ra từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để gặp người thân đối với những cụ trên 80 tuổi.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã đẩy hàng triệu người dân trên bán đảo Triều Tiên vào cảnh ly tán gia đình.
Ngày 27/7/1953, cuộc chiến kết thúc khi hai miền đạt được một thoả hiệp ngừng bắn. Do hai bên không ký hiệp định hoà bình nên các cuộc đụng độ vẫn thường xuyên xảy ra. Hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến.
Nhiều gia đình bị ly tán và mất liên lạc với nhau kể từ khi đó. Chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc đã cấm công dân của họ liên lạc và trao đổi thư từ.
Sau chiến tranh, cả Bình Nhưỡng và Seoul đều cấm công dân của nước này sang nước kia thăm hỏi người thân hoặc liên lạc với nhau khi chưa có sự cho phép của chính quyền.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ Hàn Quốc, từ năm 1988 tới nay, có khoảng 131.000 người Hàn Quốc đăng ký thuộc diện gia đình ly tán. Đã có hơn 73.000 người qua đời vì tuổi già, trong khi khoảng 25% những người còn sống đã quá 90 tuổi.
Từ năm 2000 đến nay, khoảng 20 chương trình đoàn tụ liên Triều đã được tổ chức, trong đó có khoảng 100 người mỗi bên được tham gia mỗi lần đoàn tụ. Đó chỉ được xem như “hạt cát so với đại dương” những người ly tán gia đình vì chiến tranh Triều Tiên.
Lần cuối cùng chương trình đoàn tụ liên Triều được tổ chức là năm 2015. Sau đó, Triều Tiên liên tục gia tăng các vụ thử tên lửa đẩy căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ.
Trong các cuộc đoàn tụ trước đây, những người Hàn Quốc và Triều Tiên ở độ tuổi “gần đất xa trời” đã ôm nhau và trò chuyện trong nước mắt. Họ tặng cho nhau những món quà lưu niệm và cả những bức ảnh kỷ vật của những người thân không có cơ hội tham dự cuộc đoàn tụ hoặc đã qua đời.
Trong số họ, có những người phụ nữ chưa từng tái hôn sau khi gia đình ly tán. Họ được gặp lại chồng cũ dù những người đàn ông này đã có gia đình mới. Cũng có những người được gặp lại người thân mà họ cho rằng đã chết, thậm chí từng tổ chức cả đám tang cho những người này.
Ông Kim Kwang-ho là một trong số những người trong cuộc ly tán sau cuộc chiến tranh 1950-1953.
Vào thời điểm cuối năm 1950, khi nghe tin quân đội Triều Tiên chuẩn bị kéo xuống ngôi làng ở cực bắc vùng Myongchon, cha của Kim Kwang-ho đã quyết định mang theo 4 đứa con lớn bỏ trốn. Kim Kwang-ho khi đó 13 tuổi còn em trai Kwang-il của ông mới 9 tuổi. Kwang-ho đã đi theo cha, trong khi em trai Kwang-il ở lại với mẹ.
“Khi đó chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ đi 3 ngày hoặc cùng lắm là một tuần rồi sẽ về nhà, do vậy phụ nữ và những đứa bé đã ở lại làng để chăm sóc nhà cửa”, Kwang-ho nhớ lại.
“Khi lên tàu, tôi mới nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ có thể quay trở lại (Triều Tiên). Tôi ra đi mà không kịp chào tạm biệt mẹ và em trai”, ông Kwang-ho nhớ lại.
Một người khác là ông Hwang Rae Ha, nông dân 77 tuổi. Ông Ha muốn gặp lại mẹ sau lần ly tán đột ngột. Đã gần 70 năm trôi qua sau ngày họ chia cắt, ông Hwang mong có thể nhìn lại hình bóng mẹ ông dù chỉ qua một bức ảnh.
“Thời gian đã trôi qua quá lâu, và giờ mọi thứ sắp kết thúc. Tôi không nghĩ mẹ tôi còn sống,” ông nói trong căn nhà hướng ra phía biên giới với Triều Tiên.
Ông Hwang vẫn sống tại đảo Gyodong và xây căn nhà có thể nhìn về miền Bắc, hy vọng một ngày mẹ ông sẽ quay lại.
Trong khi đó, bà Lee Keum-seom cũng là một nạn nhân khác rơi vào cảnh gia đình ly tán sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
“Lần cuối cùng tôi nhìn thấy con trai Sang Chol của tôi là khi nó 4 tuổi. Chiến tranh đã chia cắt gia đình tôi trong thời gian dài”, bà Lee nói.
Trong suốt hàng trăm nghìn người cố gắng chạy trốn khỏi chiến tranh, bà Lee và cô con gái đã lạc người chồng và con trai. Và họ đã mất nhau từ cuộc chiến tranh ấy.
Hoà vào dòng người tị nạn, họ cố gắng chạy chốn thoát thân, bước qua khu phi quân sự và vào Hàn Quốc. Trong khi đó, người chồng và con trai vẫn ở lại Triều Tiên.
“Khi tôi đến Hàn Quốc, tôi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại chồng và con trai nữa. Tôi cho rằng, các cuộc tái hợp hai bên nên được tiếp tục để các gia đình có thể gặp lại các thành viên của mình”, bà Lee hiện đã 92 tuổi nói về chồng và con trai đã mất liên lạc.
Bà Lee cho biết, trong cuộc chạy trốn, bà và cô con gái mới sinh đã tách chồng và cậu con trai 4 tuổi để tìm chút thức ăn. Nhưng khi trở lại, cả hai đều không đứng ở đó. Bà đã chạy cả ngày để tìm kiếm họ nhưng không thể.
“Tôi tiếp tục tìm kiếm. Tôi đã nghĩ chắc anh ấy đang ở đâu đó. Tôi không ngủ hay ăn gì mà liên tục lao đi tìm chồng và con trai”, bà Lee cho biết.
Mãi đến sau đó, bà mới phát hiện ra rằng chồng và con trai bà vẫn ở phía bên kia của đường phân chia, tức Triều Tiên ngày nay.
Bà Lee đã mất rất nhiều thời gian tìm chồng và con trai. Thậm chí, nhiều lúc tuyệt vọng, bà còn nghĩ tới những cảnh tượng tồi tệ nhất về họ.
Thời gian trôi qua, bà Lee đã từ bỏ hi vọng có thể gặp lại chồng và con trai. Hiện bà Lee đã tái hôn với một người đàn ông khác. Điều đặc biệt, chính người chồng thứ hai này cũng rơi vào hoàn cảnh ly tán vợ con và chạy tị nạn cùng con gái sang Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên. Bà Lee luôn con gái riêng của chồng như con đẻ. Bà Lee cho biết chỉ có thể hình dung một chút ít về cậu con trai Sang Chol của mình.
Bà Lee, giờ đã 92 tuổi, là một trong số ít người may mắn được lựa chọn để tham gia chương trình đoàn tụ gia đình do chính phủ tổ chức.
Sang Chol giờ đây 72 tuổi. Sau khi nhận ra rằng cha và ông đã lạc mất mẹ ông trên con đường hỗn loạn, cha ông đưa ông trở về làng của họ để tìm kiếm. Cuộc sống của ông ở Triều Tiên từ đó gần như không được biết đến.
Sau 68 năm, mẹ ông, bà Lee, sắp sửa biết được con mình đã sống thế nào. Bà nói bà cảm thấy tê liệt khi biết rằng bà đã được chọn tham gia cuộc đoàn tụ gia đình hôm 20/8.
"Ban đầu tôi không thể nghĩ ngợi được bất cứ điều gì. Tôi không thể tin rằng tôi sẽ được gặp lại con trai mình. Tôi mong muốn đến nghẹn lại cảm giác ôm con trai 70 tuổi vào lòng", bà nói.
Chương trình hội ngộ các gia đình ly tán giữa hai miền diễn ra từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để gặp người thân đối với những cụ trên 80 tuổi.
Số lượng hạn chế của các cuộc đoàn tụ không bao giờ đủ để đáp ứng nhu cầu của người đã quá nhiều tuổi có người thân ly tán. Hiện họ đều ở độ tuổi 80 và 90.
Hàn Quốc sử dụng cách chọn ngẫu nhiên trên máy tính để tìm người tham gia cho các cuộc đoàn tụ.
Các nhà phân tích Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên chỉ cho phép đoàn tụ không thường xuyên vì sợ lãng phí những gì mà phía Triều Tiên cho là lợi thế trong đàm phán.
Bà Chung Hak-soon là một trong số 89 người Hàn Quốc đã từng được chọn tham gia sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán tại khu nghỉ mát núi Kumgang (bờ biển phía Đông Triều Tiên).
Thế nhưng, ước mơ của bà Chung đã mãi mãi không thể trở thành sự thật, bởi người anh trai yêu quý của bà đã qua đời cách đây vài năm.
Thay vì gặp anh trai, bà Chung vẫn sẽ được an ủi phần nào khi có cơ hội gặp gỡ các con của anh trai trong sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán được tổ chức vào tuần tới.
“Tôi thực sự muốn gặp anh ấy. Nhưng cuộc đoàn tụ đã diễn ra quá muộn mất rồi”, bà Chung buồn rầu nói.
Không ít người Hàn Quốc, buộc phải từ bỏ hi vọng gặp lại thân nhân sau khi nghe tin họ đã qua đời.
Ông Park Hong-seo là một trong số đó.
Cụ ông 88 tuổi từng mong mỏi được gặp lại anh trai khi nộp đơn xin tham gia cuộc đoàn tụ các gia đình li tán.
Không lâu sau đó, ông đau đớn nhận tin anh trai của mình đã qua đời từ những năm 1970. Thay vì gặp anh trai, lần đầu tiên trong đời ông Park sẽ được gặp các cháu.
Đoàn tụ gia đình Hàn Quốc - Triều Tiên. Nguồn:CNN
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sẽ chính thức kết thúc cuộc chiến này trong năm nay, thay thế hiệp ước đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi năm nay đánh dấu 65 năm Hiệp định Đình chiến.
Trong số 20 cuộc đoàn tụ từ năm 2000 đến nay, phần lớn được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương nổi tiếng tại Triều Tiên. Cuộc đoàn tụ sắp tới rất có thể cũng diễn ra tại địa điểm này.
Những người Triều Tiên đến dự sự kiện đoàn tụ gần như mặc quần áo giống nhau, nam giới sẽ mặc đồ âu màu tối, thắt cà vạt và đội mũ, còn nữ giới sẽ mặc trang phục hanbok truyền thống. Sau 3 ngày đoàn tụ, họ sẽ được đưa lên xe buýt và dành cho nhau những cái nắm tay cuối cùng qua cửa xe.
Từ các hồ sơ đăng ký, Hàn Quốc sẽ sử dụng một hệ thống ngẫu nhiên trên máy tính để chọn những người tham gia cuộc đoàn tụ. Trong khi đó, ở bên phía Triều Tiên, chỉ những công dân được cho là ưu tú sẽ được chọn để tham gia cuộc đoàn tụ.
Theo Yonhap, một nhóm gồm 89 người cao tuổi ở Hàn Quốc đang tập trung tại khu nghỉ dưỡng Hanwha ở miền đông bắc nước này từ ngày 19.8 để chuẩn bị được đưa sang CHDCND Triều Tiên đoàn tụ với người thân.
Cuộc đoàn tụ dự kiến diễn ra tại khu du lịch núi Kumgang (tỉnh Kangwon, CHDCND Triều Tiên) được chia làm 2 đợt. Nhóm 1 từ ngày 20-22.8 và nhóm thứ 2 từ ngày 24-26.8. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, các công dân sẽ được hướng dẫn về quy trình và cách thức cho cuộc gặp.
Quá trình tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán nằm trong thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4. Danh sách những người được gặp người thân vừa được thông qua vào đầu tháng 8.
Các nhà phân tích cho biết, Triều Tiên nhận thấy rằng cuộc đoàn tụ là một dấu mốc quan trọng và không muốn mở rộng bởi vì họ muốn đưa cho mọi người ý thứ tốt hơn về thế giới ban ngoài.
Từ những tín hiệu tích cực liên tục trong thời gian vừa qua của Hàn Quốc và Triều Tiên, bất ngờ từ tín hiệu kết nối đường dây liên lạc giữa hai miền, Triều Tiên ngỏ ý tham gia Thế vận hội mùa Đông Pyeong Chang đến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ-Triều, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul đang cải thiện hơn bao giờ hết.
Cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán lần này tiếp tục mở ra một chương mới cho quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sau một thời gian dài căng thẳng tưởng chừng không thể tháo gỡ. Phải chăng ngày đoàn tụ Hàn - Triều là nút thắt mở sang trang mới cho quan hệ hai bên. Sẽ là cái kết có hậu cho những người dân hai miền và cũng là tín hiệu tích cực cho quan hệ Bình Nhưỡng và Seoul trong thời gian tới?
Nội dung: Hồng Nhung
Đồ họa: Minh Trang
Video: Hồng Nhung &Đình Đạt
Ảnh: CNN, Reuters và báo quốc tế