Quyết định thành lập lực lượng thứ Sáu trong quân đội Mỹ - Lực lượng Không gian, dành riêng cho các chiến dịch và hoạt động ngoài vũ trụ cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của Washington trước việc Nga và Trung Quốc không ngừng phát triển các vũ khí tối tân mới.
“Các đối thủ của chúng ta đã biến không gian thành một chiến trường lớn. Và Mỹ sẽ không lùi bước trước thách thức này”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố trong một bài phát biểu tại Lầu Năm góc vào cuối tuần trước.
Còn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Patrick Shanahan cho biết, mục đích chính của việc lập ra lực lượng mới – bên cạnh Lục quân, Hải quân, Thuỷ quân lục chiến, Không quân và Tuần duyên, là để đẩy nhanh tốc độ phát triển và triển khai các công nghệ mới phục vụ cho một cuộc chiến không gian tiềm tàng.
Những lo ngại về việc vũ khí hoá vũ trụ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và từng có nhiều quy định quốc tế được lập nên để ngăn ngừa điều này. Hiệp ước Thượng tầng Không gian ra đời năm 1967, được coi là nền tảng đầu tiên cho hệ thống luật lệ liên quan tới không gian; trong đó cấm triển khai các vũ khí giết người hàng loạt ở quỹ đạo, trên mặt trăng và các thực thể khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, Hiệp ước lại không trực tiếp cấm các vũ khí thông thường trong không gian, hay các vũ khí được phóng đi từ Trái đất vào không gian.
Cộng đồng quốc tế từng có nhiều nỗ lực để củng cố hệ thống luật pháp hạn chế quân sự hoá không gian, tuy nhiên, dường như không một cường quốc nào thực sự muốn điều này. Trong khi Nga và Trung Quốc công kích Mỹ về việc từ chối tham gia Nghị quyết Liên Hợp Quốc Ngăn ngừa Chạy đua vũ trang trong Thượng tầng Không gian, bản thân hai nước này cũng liên tục thử nghiệm các hệ thống chống vệ tinh, đồng thời không hề giấu giếm các nghiên cứu và kế hoạch phát triển vũ khí không gian.
Có nhều lý do để giải thích cho cuộc chạy đua vũ trang trên không gian. Một trong số đó có vẻ chứa đựng nhiều tính viễn tưởng nhất, nhưng cũng lại mang tính dự báo tương lai nhất. Trước đây, hầu như không có gì thật sự đáng giá để tranh giành bên ngoài Trái đất. Để có thể đưa được một vệ tinh lên quỹ đạo tốn hàng núi tiền, trong khi khai thác các thiên thạch để tìm kiếm kim loại quý lại không hiệu quả về mặt chi phí hoặc chưa đạt được công nghệ cần thiết.
Tuy nhiên, hiện tại mọi việc đang dần thay đổi. Chi phí đưa thiết bị vào không gian đang ngày càng giảm, khiến các chính phủ và tập đoàn lớn không ngừng chuẩn bị để có thể bắt kịp nhanh nhất ngay khi công nghệ sẵn sàng. Hãy thử nhìn vào một thiên thạch có tên khoa học là 2011UW158. Cách trái đất khoảng vài triệu km, nhưng lượng platinum nó chứa có giá trị lên tới 5,4 nghìn tỷ USD.
Một thị trường kinh tế khiến Con đường Tơ lụa trông như một "con kiến", đang mở ra trong hệ mặt trời. Và từ khi nào, miếng bánh lợi nhuận lại có thể được “ăn chia” một các hoà bình?
Nhà phân tích quân sự người Mỹ- Trung tá Rick Francona- cho biết, hiện chỉ có ba cường quốc có khả năng tiến hành hiện diện quân sự trên không gian là Nga, Trung Quốc và Mỹ.
“Nga và Trung Quốc đều đã thừa nhận họ đang phát triển – hoặc đã phát triển các năng lực chiến đấu trong không gian”, Đô Đốc Hải quân Cecil D. Haney từng tuyên bố năm 2015. “Cả hai nước đều sở hữu những năng lực trực tiếp tối tân, có thể được sử dụng để theo dõi hoặc vô hiệu hoá vệ tinh, ngừng các hoạt động chủ chốt, và cả hai đã chứng tỏ được khả năng thực hiện các hoạt động phức tạp trong không gian”.
Chia sẻ với hãng tin CNN, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà Mike Rogers khẳng định, “Tương lai của chiến tranh sẽ là trong không gian và nước Mỹ phải tăng tốc đi trước các nước khác vì an ninh quốc gia của mình”.
Người Mỹ có lý do cho sự khẩn trương của mình. Trong bài phát biểu nhậm chức hồi đầu năm, Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc tới một thiết bị phóng trượt siêu thanh của Nga, có thể phóng vào không gian, tự định vị và tránh được radar cùng các hệ thống chống tên lửa.
Tương tự, trong khi liên tục nhấn mạnh “những động cơ hoà bình” phía sau chương trình khám phá vũ trụ của mình, Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm một loạt các vũ khí chống vệ tinh và chống tên lửa đạn đạo, mà theo một số nhà phân tích có thể làm ngưng hoạt động, thậm chí là phá huỷ hầu hết các vệ tinh thương mại của Mỹ.
Mỹ hiện đang có 157 vệ tinh quân sự, vượt xa so với con số 57 của Trung Quốc và 83 của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tiến rất nhanh với việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược vào năm 2015. Đây một đơn vị độc lập, chuyên thực thiện các sứ mệnh ngoài không gian.
Cũng trong năm 2015, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang phát triển một hệ thống chống vệ tinh trên quỹ đạo nhằm vào các thiết bị không gian của Mỹ. “Những hệ thống này bao gồm một vệ tinh được trang bị một loại vũ khí như một thiết bị phát nổ, vũ khí năng lượng động học, laser, vũ khí sóng radio, hoặc cánh tay robot…”, báo cáo viết.
Trong khi đó, Brian Weeden, cố vấn kỹ thuật của Quỹ An ninh Thế giới – một tổ chức chuyên về các giải pháp hoà bình vì bền vững không gian và khai thác thượng tầng không gian một cách hoà bình, nhận định, mặc dù là nước đầu tiên phát triển công nghệ chống vệ tinh, hiện nay phần lớn công nghệ này của Mỹ lại đã bị lạc hậu.
Tương tự, chương trình không gian của Nga từng bị thu hẹp vào cuối thời Chiến tranh lạnh, nhưng ở thời điểm này, nhiều dấu hiệu minh chứng họ đang “tái tăng tốc”. Còn Trung Quốc đang xây dựng các năng lực không gian, cả về tấn công và phòng thủ với các các vệ tinh quân sự và thương mại cũng như tên lửa chống vệ tinh phóng đi từ mặt đất.
Theo Webb, các hoạt động không gian của Mỹ giờ đây chủ yếu là phục vụ cho mục đích phòng thủ. Nhưng với sự tăng tốc của Trung Quốc và Nga, ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến cổ suý cho một sự mở rộng hiện diện quân sự ngoài không gian.
Bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence về một kế hoạch chi tiết cho việc thành lập Lực lượng Không gian mới vào năm 2020, bao gồm cả việc tìm kiếm sự phê chuẩn cần thiết từ Quốc hội, được đưa ra gần hai tháng sau khi sáng kiến lần đầu được Tổng thống Donald Trump công bố.
Đồng hành cùng ông Pence tại khán phòng Lầu Năm góc là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Điều này cho thấy sự ủng hộ của quân đội Mỹ với kế hoạch tham vọng này, bất chấp những phản ứng ban đầu ngay từ chính bản thân ông Mattis.
Theo Phó Tổng thống Pence, các quan chức Mỹ muốn lập ra một Lực lượng Không gian, là một “nhóm tinh hoa các chiến binh chuyên về lĩnh vực không gian được tuyển chọn từ nhiều lực lượng khác của quân đội, theo phong cách của các đơn vị hiện tại”. Họ cũng sẽ thiết lập một Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, một Cơ quan Phát triển Không gian, đồng thời chỉ định một Thứ trưởng Quốc phòng chuyên trách.
Hiện quân đội Mỹ không có lực lượng độc lập tập trung vào không gian. Tuy nhiên, ngay trong Không quân Mỹ vẫn có một đơn vị chỉ huy khá quy mô chuyên về lĩnh vực không gian, được thành lập vào năm 1982 và hiện đang đặt trụ sở tại Colorado. Với khoảng 30.000 nhân sự, cơ quan này bao gồm cả Trung tâm Hệ thống Tên lửa và Không gian, quản lý các vệ tinh của Bộ Quốc phòng Mỹ và sử dụng radar để kiểm soát các vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào vào nước Mỹ.
Vậy nguồn ngân sách hoạt động cho Lực lượng Không gian sẽ đến từ đâu? Trong bài phát biểu của mình, ông Pence yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản ngân sách 8 tỷ USD trong 5 năm cho các hệ thống an ninh không gian. Tuy nhiên, một Lực lượng Không gian hoạt động độc lập được cho là sẽ “ngốn” nhiều tiền hơn thế. Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tiết lộ, Lầu Năm góc vẫn chưa đưa ra mức ước tính cụ thể. Những quan chức hàng đầu của cả hai Đảng đều tỏ ra ủng hộ việc thành lập Lực lượng Không gian, nhưng cùng lúc, kế hoạch cũng vấp phải không ít phản đối trong Quốc hội Mỹ.
Trang Foreign Policy nhận định, kế hoạch thành lập Lực lượng Không gian là một “đòn giáng” trực diện vào Không quân Mỹ. Giới chức cấp cao bao gồm Bộ trưởng Không quân Heather Wilson và Tham mưu trưởng Không quân Tướng David Goldfein đều từng lên tiếng phản đối động thái này.
Theo Brian Weeden, một trong những yếu tố chủ chốt dẫn đến việc thiết lập lực lượng thứ sáu chính là do Không quân Mỹ đã không phản ứng đủ nhanh hoặc đủ mạnh trước các mối đe doạ đang xuất hiện.
“Năm 2011, chính quyền Obama từng công bố một chiến lược an ninh quốc gia không gian, trong đó vạch ra các bước cần thiết giúp các đơn vị không gian hoạt động hiệu quả hơn và ngăn chặn được tấn công tiềm tàng. Bảy năm sau, thật khó có thể nêu ra một sự thay đổi hay một chương trình cụ thể được tạo lập, nhằm đáp ứng hướng đi trên”, ông Weeden nói.
Tuy nhiên, chia sẻ với Foreign Policy, một cựu quan chức cấp cao Không quân cho rằng, đó không phải là lỗi của lực lượng này. Thay vào đó, nguyên do chính đến từ việc Quốc hội Mỹ cắt ngân sách và quá trình ra quyết định chậm trễ của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng.
Người này cũng cảnh báo, thành lập một Lực lượng Không gian độc lập, sẽ chỉ tạo ra thêm những quan liêu chứ không phải là giảm bớt. “Vấn đề không phải là tổ chức; vấn đề không phải là vận hành; vấn đề là sự tiếp nhận… thay vào đó, chúng ta giống như là đang làm những việc vô nghĩa vậy”, cựu quan chức nhận xét.
Todd Harrison, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược dự đoán, không chỉ Không quân bị ảnh hưởng, cả các đơn vị không gian thuộc Hải quân và Lục quân cũng gần như chắc chắn sẽ bị tách ra và nhập vào lực lượng mới. Các cơ quan tình báo có hoạt động liên quan tới không gian, như Văn phòng Do thám Quốc gia; và các đơn vị phòng thủ tên lửa như Cơ quan Phòng thủ Tên lửa… cũng có thể bị sáp nhập vào Lực lượng Không gian.
Nội dung: Minh Đức
Thiết kế: Minh Trang
Ảnh và Video: Báo Quốc tế