(Tổ Quốc) - Lũ lụt tràn bờ từ một con đập ở miền bắc Nigeria đã nhấn chìm một sở thú và cuốn trôi các loài động vật, bao gồm cá sấu và rắn vào các cộng đồng.
Theo hãng CNN, miền bắc Nigeria hiện đang phải đối mặt với một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Lo lắng về an toàn của người dân
Bang Borno nằm ở phía đông bắc Nigeria hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt trong khu vực. Các quan chức tại một sở thú hôm 10/9 cho biết dòng nước dâng cao đã giết chết hơn 80% động vật hoang dã tại cơ sở này và cuốn trôi các loài động vật, bao gồm cả các loài bò sát nguy hiểm, vào các khu dân cư.
Đoạn video quay lại cảnh một con đà điểu lội qua một con đường ngập lụt ở Maiduguri đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Ông Manzo Ezekiel, Người phát ngôn của Cơ quan quản lý thảm họa của Nigeria (NEMA) cho biết chính quyền địa phương đang huy động hết sức để bắt lại các loài động vật bị trôi dạt theo nước lũ.
"Tôi tin rằng những người quản lý sở thú sẽ không nghỉ ngơi. Họ sẽ cố gắng hết sức để cứu một số loài động vật bởi vì chính những loài động vật này ra ngoài cũng sẽ gây nguy hiểm cho người dân", ông Manzo Ezekiel nói.
Nhiều vùng ở Maiduguri vẫn bị ngập lụt, sau khi đập Alau, cách thành phố 20 km (12 dặm) về phía đông nam, tràn bờ vào cuối tuần, khiến toàn bộ ngôi nhà bị ngập.
Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) mô tả trận lũ lụt này là tồi tệ nhất ở Maiduguri trong 30 năm qua.
UNHCR ước tính 280.000 người bị ảnh hưởng ở Maiduguri và khoảng 200.000 người trong thành phố phải sơ tán.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp quốc gia Nigeria (NEMA), lũ lụt kéo dài nhiều tuần trên khắp Nigeria đã khiến 229 người tử vong và hơn 386.000 người phải di dời. Dữ liệu cũng ghi nhận miền Bắc Nigeria là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt.
NEMA cũng cho biết một trong những cống tràn của đập Borno đã bị sập, "khiến lưu lượng nước tăng đáng kể và làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở các khu vực xung quanh".
Theo Phát ngôn viên NEMA - ông Ezekiel "lũ lụt rất dữ dội" và "vượt quá mức dự báo".
"Chúng tôi không ngờ lượng nước lớn đến như vậy và sẽ tràn vào thị trấn", ông Ezekiel nói thêm.
Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng của Nigeria, NIMET, đã cảnh báo về nguy cơ lũ quét trên khắp đất nước sau những trận mưa như trút nước.
Vào tháng trước, Cơ quan Dịch vụ Thủy văn Nigeria (NIHSA) cũng đã ghi nhận mực nước lũ dâng cao của Sông Niger, một trong những con sông lớn nhất của đất nước, kêu gọi các tiểu bang cảnh giác.
Các sự kiện mưa cực đoan dự kiến sẽ tăng về tần suất và cường độ nhiều hơn trên hầu hết các nước Châu Phi, bao gồm cả Nigeria, khi biến đổi khí hậu do con người gây ra làm nóng hành tinh, theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu.
Đập vỡ do lũ lụt
Đập vỡ ở đông bắc Nigeria đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp đang diễn ra ở quốc gia này.
Lũ lụt ở bang Borno cũng ảnh hưởng đến một triệu người dân. Thống đốc bang này ngày 11/9 cho biết lũ lụt hiện đang gây căng thẳng cho các nguồn lực khi chính quyền phải vật lộn để giải cứu người dân và đưa họ vào nơi trú ẩn tạm thời.
Theo Tổng Giám đốc NEMA Zubaida Umar, khoảng 40% diện tích thành phố bị lũ lụt tàn phá và số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng lên. NEMA đã triển khai các đội cứu hộ bằng ca nô để giải cứu người dân bị mắc kẹt, triển khai tàu chở dầu để đáp ứng nhu cầu nước uống, cũng như triển khai các phòng khám và bác sĩ di động để chăm sóc cho những người phải di dời.
Hãng Al Jazeera đưa tin từ Maiduguri ở Nigeria cho biết hàng dài người dân hiện đang tìm đường thoát ra khỏi các khu vực bị lũ lụt bao phủ. Các quan chức địa phương cho biết đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất ở tiểu bang trong hai thập kỷ.
"Cho đến nay đã có một triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đồng thời nói thêm rằng số người phải di dời bắt đầu có thể tăng lên tới hai triệu", một trợ lý của Thống đốc bang Borno Babagana Zulum cho biết.
Phó Tổng thống Nigeria Kashim Shettima đã đến thăm những người phải di dời do lũ lụt vào tối thứ 10/9 và hứa sẽ cung cấp cho họ thực phẩm, nơi trú ẩn và thuốc men.
Tây Phi đã trải qua một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Liên hợp quốc, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, tăng gấp ba lần so với năm ngoái.
Một báo cáo mới vào đầu tuần này cũng ghi nhận rằng các quốc gia châu Phi phải mất đi 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm vì họ phải gánh chịu áp lực lớn hơn phần còn lại của thế giới do biến đổi khí hậu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nhiều quốc gia châu Phi thậm chí phải chi tới 9% ngân sách để ứng phó với khí hậu./.