(Tổ Quốc) - Tỏ ra cứng rắn nhưng Bình Nhưỡng vẫn để lại lối mở để cải thiện quan hệ với Washington.
Năm 2020 không phải là một năm thành công đối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Nền kinh tế quốc gia châu Á chìm sâu vào khó khăn do các lệnh đóng cửa biên giới dưới ảnh hưởng của dịch bênh COVID-19. Trong khi đó, sau các hội nghị thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ Bình Nhưỡng-Washington tiếp tục dậm chận tại chỗ.
Giờ đây, ông Kim sẽ phải bắt đầu lại từ đầu với Tổng thống Biden. Ông chủ mới của Nhà Trắng từng có những bình luận không tích cực về nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm chạy theo sự trình diễn bên ngoài thay vì thực sự cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Mặc dù trong các bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Kim bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân của mình, nhưng ông cũng cố gắng tìm kiếm một khởi đầu mới với tân Tổng thống Mỹ khi nói rằng, số phận quan hệ giữa hai nước phụ thuộc vào việc Washington có từ bó "các chính sách thù địch" đối với Triều Tiên hay không.
Chưa rõ ông Kim sẽ kiên nhẫn tới mức nào. Triều Tiên thường "thử" thái độ của một chính quyền Mỹ mới bằng các vụ phóng tên lửa và các hành động khiêu khích khác, từ đó buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong các cuộc diễu binh gần đây tại Bình Nhưỡng, ông Kim đã phô diễn các vũ khí có thể được đưa ra thử nghiệm, bao gồm hệ thống đạn đạo nhiên liệu rắn được thiết kế để phóng đi từ các phương tiện và tàu ngầm; cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Triều Tiên.
Căng thẳng tái dâng cao nhiều khả năng khiến Mỹ và Hàn Quốc một lần nữa phải thừa nhận rằng ông Kim có thể sẽ không bao giờ tình nguyện từ bỏ các vũ khí vốn được coi là mang tính đảm bảo sống còn cho Triều Tiên.
Kho vũ khí của ông Kim nổi lên như một mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các đồng minh châu Á sau một loạt vụ phóng thử vào năm 2017. Một năm sau đó, ông Kim đẩy mạnh hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên các nỗ lực bắt đầu chệch hướng vào năm 2019 khi Washington từ chối yêu cầu của Triều Tiên đòi gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy cắt giảm một phần năng lực hạt nhân.
Triều Tiên nhiều khả năng không phải là ưu tiên hàng đầu cho ông Biden trong bối cảnh chính quyền mới đang đối mặt với một loạt các vấn đề đối nội. Ngoài ra, Washington cũng lên kế hoạch quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà cựu Tổng thống Trump từng rút khỏi vì muốn gia tăng áp lực tối đa lên Cộng hòa Hồi giáo.
"Trọng tâm chính sách tiếp theo của chính quyền Biden gần như chắc chắn sẽ là: ổn định Quốc hội, tăng cường các chiến lược liên minh và đồng minh với Mỹ nhằm vào Nga và Trung Quốc, sau đó giải quyết vấn đề Iran và Triều Tiên", giáo sư Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha tại Seoul nhận định.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không bao giờ chấp nhận bị làm ngơ.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama (khi ông Biden là giữ vị trí Phó Tổng thống), Washington thể hiện sự kiên nhẫn với Triều Tiên trong khi từng bước gia tăng trừng phạt. Phương pháp này có thể sẽ không còn hiệu quả ở thời điểm hiện tại khi mà năng lực vũ khí của Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua.
Theo giáo sư Easley, mặc dù trừng phạt, đóng cửa biên giới và các tai ương thiên nhiên đã tạo ra những thách thức khó khăn nhất trong 9 năm cầm quyền của ông Kim, nhưng ông sẽ không vội vàng chấp nhận nhượng bộ. Chính phủ Triều Tiên thậm chí có thể nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh lớn duy nhất là Trung Quốc.
Động thái khiêu khích đầu tiên của Bình Nhưỡng dưới chính quyền Biden có thể liên quan tới hệ thống đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Tham vọng của ông Kim đối với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa và các vệ tinh trinh thám có thể dẫn tới một vụ phóng thử. Điều đó tương tự như vụ phóng thử năm 2009 khi Tổng thống Obama mới bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên được vài tuần.
"Triều Tiên có khả năng tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí mà Mỹ và đồng minh không thể bỏ qua", ông Easley cảnh báo.
Nhà phân tích từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc là Shin Beomchul chỉ ra, Chủ tịch Kim đang tìm cách đưa các nỗ lực ngoại giao theo hướng đàm phán cắt giảm vũ khí giữa các nước sở hữu hạt nhân thay vì các cuộc thảo luận dẫn tới loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không thử nghiệm vũ khí cho tới khi Tổng thống Biden có bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tháng Hai, trong đó ông có thể đề cập tới chính sách với Triều Tiên. Ông Kim cũng có thể muốn chờ xem Mỹ và Hàn Quốc có tiếp tục tập trận chung vào tháng Ba hay không.
"Trong kỳ đại hội đảng vừa qua, Triều Tiên đã thể hiện không muốn bước đi trước, tuy nhiên họ vẫn sẵn sàng lắng nghe những gì Mỹ phải nói", ông Shin nhận định. "Tổng thống Biden sẽ không thừa hướng chính sách ngoại giao từ trên xuống của ông Trump nhưng bạn có thể kỳ vọng ông ấy linh hoạt hơn đối với đàm phán các cấp, chấp nhận thảo luận với Triều Tiên vào mọi thời điểm, tại mọi địa điểm và về mọi thứ".
Cũng theo ông Shin, tân Tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi một thỏa thuận với Triều Tiên tương tự như hiệp định với Iran. Bình Nhưỡng có thể nhận được một số "đền bù" nếu chấp nhận đóng băng năng lực hạt nhân và tên lửa của mình ở mức hiện tại.
Trong khi Mỹ gần như chắc chắn sẽ không từ bỏ cam kết dài lâu đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thì yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân của quốc gia châu Á là một mục tiêu gần phi thực tế.
Mặc dù vậy, một thỏa thuận kiểu Iran có thể sẽ không hiệu quả với Triều Tiên. Giáo sư Park Won-gon từ Đại học Handong, Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng sở hữu các vũ khí tối tân hơn và sẽ không chấp nhận các bước giám sát bắt buộc trong thỏa thuận. "Một điều rõ ràng là, nếu Triều Tiên thử nghiệm vũ khí mới, ông Biden sẽ lại gia tăng trừng phạt và đẩy nền kinh tế của ông Kim tới bờ vực", giáo sư Park cảnh báo.