(Tổ Quốc) - "Lựa chọn nhân sự khóa XIII, theo tôi, nếu cứ mãi sắp đặt sẽ bị tình trạng "hôn nhân cận huyết" và không dựa vào quy luật "chọn lọc của tự nhiên" nên tất yếu sẽ thoái hóa", ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương chia sẻ quan điểm.
- 22.07.2019 Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Chưa có cái máy nào đo được việc chạy chức, chạy quyền”
- 08.07.2019 Lựa chọn nhân sự khóa XIII: "Không phải chỉ nhìn vào lý lịch, con cháu ai..."
- 27.05.2020 Bài 4: PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Đánh giá cán bộ để lựa chọn nhân sự khóa XIII phải trung thực, khách quan, loại bỏ việc "chạy phiếu bầu"
- 13.03.2019 Bộ Chính trị ban hành quy định về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ
Hơn 3 năm Nghị quyết toàn quốc lần thứ XII được thực hiện, đây là giai đoạn chuẩn bị công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng. Việc rà soát, chuẩn bị các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ quản lý đang được tiến hành với quyết tâm "ai chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát không dùng", "tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì phải kỷ luật".
Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương về nội dung này:
- Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt". Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Ông có thể chia sẻ quan điểm về điều này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, đối với một quốc gia thì có hai việc quan trọng nhất. Đó là đường lối và cán bộ. Trong hai việc ấy nếu hỏi tiếp việc gì quan trọng hơn - thì theo tôi, việc chọn và bố trí đúng cán bộ là số một, là quan trọng hơn. Có đường lối đúng mà cán bộ không tốt thì cũng không thể thực hiện được. Thậm chí, họ (cán bộ) còn làm sai, chệch sang hướng xấu và dẫn đến sai lầm. Còn nếu đường lối sai mà có cán bộ tốt thì họ biết sửa đường lối, bỏ lối cũ và vạch lối mới đúng hơn. Vì vậy, tôi thấy Bác Hồ nói đúng quá, rằng "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".
-Thực tế, có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí, lợi ích nhóm, một số bị kỷ luật Đảng, bị xử lý theo pháp luật… dẫn tới nhiều bài học đắt giá trong công tác cán bộ. Theo ông, nếu tình trạng này không kịp thời chấn chỉnh sẽ gây ra hệ luỵ như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nếu sự thoái hóa của cán bộ không được chấn chỉnh thì đất nước sẽ tụt hậu, thậm chí là mất nước, sự nghiệp sẽ đổ vỡ, Đảng sẽ mất hết uy tín, dân không tin nữa, không giữ vai trò lãnh đạo được nữa và cuối cùng là tan rã.
Hệ lụy ấy là vô cùng nghiêm trọng.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung Ương (Nguồn: Tuổi trẻ).
- Hơn 3 năm Nghị quyết toàn quốc lần thứ XII được thực hiện, đây là giai đoạn chuẩn bị công tác cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng. Việc rà soát, chuẩn bị các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy quản lý… đang được tiến hành với quyết tâm "ai chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát không dùng", "tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì phải kỷ luật". Vậy theo ông, bài học nào được rút ra để phát hiện, loại bỏ những kẻ cơ hội chính trị, chạy chức, chạy quyền để xây dựng đội ngũ cán bộ xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, sự giao phó của nhân dân?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chủ trương ngăn chặn việc chạy chức chạy quyền là rất cần thiết. Căn bệnh này đã nhức nhối nhiều năm rồi. Nó làm cho đất nước khó mà tạo ra một đội ngũ cán bộ đủ đức đủ tài để gánh vác việc chung.
Người ta thường "chạy" đến lãnh đạo và các cơ quan chức năng liên quan, thế nên nếu lãnh đạo tốt và cơ quan chức năng tốt thì chắc chắn họ không "chạy" được. Mặt khác, tôi cho rằng, phải có cơ chế tốt trong tuyển chọn và sử dụng cán bộ và phải có thể chế tốt để kiểm soát quyền lực. Điều này mấy năm nay nói nhiều, cũng có làm nhưng không nhiều, không đáng kể. Cơ chế và thể chế đến nay cơ bản vẫn như cũ.
Cần phải có quyết tâm cao để giải quyết việc này. Chống chạy chức chủ yếu phải bằng cơ chế, chứ khẩu hiệu và "chỉ tay" trực tiếp thì hiệu quả chắc chắn sẽ không nhiều.
Vấn đề này lâu nay vẫn nói nhiều nhưng nói thì cứ nói còn "chạy" thì vẫn "chạy". Chỉ trừ cá biệt một số ít cá nhân hoặc cơ quan nào đó thật sự muốn chống thì nơi ấy ít "chạy" mà thôi.
-Theo ông, để tìm ra ra đội ngũ cán bộ tương lai thực sự trong sáng, công tâm, gương mẫu thì yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy đảng, các địa phương như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ phải thật dân chủ trong việc chọn cán bộ. Đừng biến công việc dân chủ ấy thành hình thức, dùng để hợp thức hóa một sự sắp đặt bởi ý muốn chủ quan của một số cá nhân. Nói chung, khi đại đa số nhân dân được tham gia trực tiếp lựa chọn người đứng đầu thì sẽ khách quan hơn so với bất cứ một sự sắp đặt chủ quan nào.
Bắt đầu từ trong Đảng, sau đó là ra toàn dân, phải có tranh cử thực chất. Các ứng cử viên phải trình bày đề án của mình, phải có tranh luận với nhau, đưa thông tin công khai lên cho mọi người được biết, trung thực và đầy đủ.
Lãnh đạo công tác nhân sự không đồng nghĩa với độc quyền sắp đặt. Lãnh đạo là nêu ra các tiêu chí và đề xuất cơ chế lựa chọn một cách khách quan và khoa học, bảo đảm cho cuộc tranh cử lành mạnh và công bằng, chống các thông tin bịa đặt xuyên tạc và vu cáo, tham gia phát hiện những người tài đức để giới thiệu ra ứng cử một cách bình đẳng với các ứng cử viên khác.
Mấy năm trước tôi đã từng nói, nếu cứ mãi sắp đặt sẽ bị tình trạng ví như "hôn nhân cận huyết" và không dựa vào quy luật "chọn lọc của tự nhiên" nên tất yếu sẽ thoái hóa. Đến nay, nhìn trong bộ máy, nhân tài thật hiếm hoi.
- Có thể nói, sàng lọc ban đầu là khâu quan trọng, song công tác quản lý cũng quan trọng không kém. Buông lỏng quản lý là điều vô cùng nguy hiểm. Ông có thể chia sẻ bài học về sự giám sát trong công tác cán bộ?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Không chỉ giám sát trong tuyển chọn mà quan trọng hơn nữa là quản lý sử dụng cán bộ. Nếu quản lý sử dụng không tốt thì chẳng những không phát huy được năng lực cán bộ mà còn dẫn đến tình trạng nội bộ lủng củng và cán bộ thoái hóa, người tốt trở thành người không còn tốt nữa. Cần thông qua kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự lộng quyền dẫn đến thoái hóa.
Trong kiểm soát quyền lực cần đặc biệt chú ý việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước theo kiểu mô hình phân quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp ở các nước dân chủ đã phát triển hơn ta. Lâu nay ở ta cấm nói đến mô hình "Tam quyền phân lập" nên ít nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực ở họ. Cần có cách tiếp cận mới trong vấn đề này nếu như không muốn để bộ máy bị thoái hóa do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Thông qua việc sử dụng cán bộ với kết quả cụ thể của công việc mà đánh giá năng lực thực chất, chứ không phải bằng mối quan hệ quen biết mà đánh giá theo cảm tính.
Đánh giá cán bộ lâu nay là việc khó, do thiếu khách quan hoặc quan điểm nhìn nhận không đúng và ngại đụng chạm. Tại tất cả các kỳ đại hội trong những năm gần đây phần nhiều lấy độ tuổi để xác định ai làm ai nghỉ. Đây là việc đơn giản, dễ làm, nhưng lại rất không khoa học. Nhiều nước trên thế giới không dùng tuổi để quy định cán bộ chủ chốt được làm hay phải nghỉ. Họ chỉ quy định không quá 2 nhiệm kỳ liên tục. Có người ngoài 90 tuổi vẫn ra ứng cử được, còn ta thường yêu cầu không quá 65 tuổi. Trong thực tế, có người tuổi lớn nhưng tư duy còn rất trẻ, rất mới, còn người khác thì tuổi ít nhưng đã già, đã quá cũ về tư duy.
Mặt khác, ở ta đến hết nhiệm kỳ thì ai có chuyện gì nghiêm trọng về khuyết điểm mới đưa ra danh sách để nghỉ, còn nói chung mọi người trong độ tuổi thì gần như đương nhiên ở lại tái cử, số lượng còn thiếu mới tìm người khác lắp vào. Cách làm này cũng không khoa học và không công bằng.
Hết nhiệm kỳ thì đúng ra ai cũng nghỉ cả, còn việc tham gia ứng cử lại một cách công bằng như mọi người thì thực hiện theo cơ chế về tìm chọn cán bộ như các nhân sự mới. Có ý kiến cho rằng nếu không quy định độ tuổi thì sợ có người tham quyền cố vị cứ làm mãi. Không phải sợ như thế nếu việc tranh cử là thật sự dân chủ và khách quan. Mặt khác đã có quy định không tham gia liên tiếp quá 2 nhiệm kỳ.
Chuyện giám sát tài sản và thu nhập cá nhân thông qua kê khai ở ta đã làm nhưng vẫn còn hình thức. Nên học kinh nghiệm về việc này ở Mỹ, họ giám sát rất chặt chẽ đối với mọi công dân mà lại không có gì là mất dân chủ.
-Xin cảm ơn ông!