(Tổ Quốc) - Nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý lo lắng và hoảng sợ trước dịch COVID-19 để trục lợi riêng.
Theo SCMP, vào tháng 2, Chen Xiao Bai, một nhà thiết kế đồ họa ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã bắt đầu điều hành một nhóm Wechat có tên là “Những nạn nhân của trò lừa đảo khẩu trang trực tuyến”. Nhóm đã thu hút 170 thành viên, bao gồm những người bị lừa tiền trong khi cố mua khẩu trang qua mạng.
Sự thiếu hụt khẩu trang đã tạo ra một nhóm đối tượng tiềm năng mới cho những kẻ lừa đảo tại đất nước có hơn 800 triệu người dùng Internet như Trung Quốc. Nhu cầu vượt qua nguồn cung khiến nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang các kênh riêng tư như Wechat để tìm mua khẩu trang.
Chen Xiao Bai bắt đầu hỗ trợ nhóm Wechat trên sau khi chính bản thân cô trở thành nạn nhân của một kẻ lừa đảo vào mùng 1 Tết Âm lịch. Khi đấy, thông tin về dịch bệnh bắt đầu lan rộng và cô gái 21 tuổi này rất muốn mua khẩu trang cho gia đình mình để tiếp tục buôn bán rau củ trong suốt kỳ nghỉ.
Các nền tảng mua sắm trực tuyến đều hết sạch khẩu trang, Chen mới chuyển sang tìm hiểu trên Weibo và ngay lập tức, một kẻ lạ mặt đã nhanh chóng đáp lời cô. Sau cuộc nói chuyện, cô chấp nhận chuyển 1000 NDT (hơn 3,3 triệu VND) mua 100 chiếc khẩu trang mà cô không bao giờ nhận được.
“Tôi biết mua khẩu trang như thế này rất mạo hiểm nhưng anh ta nói chuyện với tôi bằng tin nhắn giọng nói và còn là đồng hương với tôi”. Chen nói, “Tôi đã tin tưởng hơn khi anh ta đăng tải lên Wechat rằng bản thân dự định quyên góp khẩu trang tới Vũ Hán. Tại sao một người làm từ thiện lại muốn lừa người khác chứ?”.
Ngày 24/2, hơn 7500 vụ lừa đảo liên quan đến dịch COVID-19 với số tiền bị lừa hơn 192 triệu NDT (640 tỷ VND) được ghi nhận tại Trung Quốc. Trong số đó, có đến 96,9% liên quan đến khẩu trang. Đã có những vụ việc tương tự xảy ra tại Hong Kong, nơi hàng trăm người có khả năng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo có tổ chức trên Facebook.
Trang The Post đã phỏng vấn 6 nạn nhân, bao gồm cả Chen, tất cả đều trả lời rằng mình bị lừa vì mong muốn mua khẩu trang cho gia đình, và trong một vài trường hợp là vì muốn mua để quyên góp khẩu trang cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
“Các nền tảng truyền thông xã hội làm nhiều người nghĩ họ hiểu và tin tưởng đối phương nhưng cũng khiến họ có xu hướng bỏ qua hoặc quên xác minh những thông tin quan trọng”, Alan Lin, một doanh nhân ở Thung lũng Silicon, chia sẻ: “Sự thuận tiện của các nền tảng Internet cho phép các vụ lừa đảo diễn ra ở quy mô lớn hơn trước đây”.
Một trường hợp khác là Steve Mo, quản lý 44 tuổi của một công ty xây dựng ở Thành Đô, tỉnh Hồ Nam. Ông hi vọng các nhân viên sẽ được đảm bảo sự an toàn khi quay trở lại làm việc nên đã bỏ tiền ra mua 300 chiếc khẩu trang bán qua Wechat.
Tuy nhiên, thay vì nhận được sản phẩm, ông Mo chỉ nhận được 2 chai xà phòng như những người khác trong nhóm Wechat trên. Điều này khiến ông cực kỳ nổi giận và lo lắng không biết mình có thể tìm khẩu trang cho các nhân viên kịp thời hay không.
“Dù 600 NDT (hơn 2 triệu VND) không phải là vấn đề lớn đối với tôi nhưng những vụ lừa đảo khẩu trang đang diễn ra trên diện rộng đã trở thành một vấn nạn xã hội”, ông Mo chia sẻ.
Bên cạnh những vụ lừa đảo thương mại điện tử, Trung Quốc còn chứng kiến hacker dùng mã độc và tấn công giả mạo (phishing attacks) nhắm vào những đối tượng đang tìm kiếm thông tin về virus nguy hiểm.
Theo một báo cáo vào tháng 2 của Tân Hoa Xã cho biết, Trung tâm phản ứng khẩn cấp virus máy tính quốc gia của Trung Quốc đã phát hiện các hacker đã sử dụng các chủ đề như “Virus Corona mới” để lôi kéo người dùng nhấp vào các đường dẫn trong email hay nhóm Wechat, sau đó xâm phạm thông tin cá nhân và tài liệu trên máy tính.
Michael Gazeley, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Network Box, phát biểu: Có khoảng 30-35% người dùng sử dụng chung thông tin ở nhiều nơi khác nhau. Dẫn đến việc nếu một trò tấn công giả mạo thành công, bạn có thể mất mật khẩu từ tài khoản ngân hàng đến an ninh mạng lưới của công ty.
Để chống lại các vụ lừa đảo, ứng dụng thanh toán nổi tiếng của Trung Quốc Alipay đã giới thiệu một công cụ giúp người dùng xác định mã QR được chính chủ tạo ra hoặc nhận biết các đường link độc hại. Wechat cũng khóa hàng chục tài khoản lừa đảo tín dụng và yêu cầu người dùng báo cáo các tài khoản bất hợp pháp từ năm ngoái.
Nguồn: SCMP