(Tổ Quốc) - Việt Nam đã có 18 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình Ký ức thế giới. Nhưng ở trong nước, di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này nhằm khắc phục những bất cập khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
- 26.03.2024 Rà soát các quy định của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để tránh chồng chéo với Luật Di sản văn hóa
- 21.03.2024 Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cấm xuất khẩu di vật, cổ vật
- 12.03.2024 Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng tại Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi)
- 15.11.2023 Luật Di sản văn hóa cần có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích
Thách thức bảo tồn
Di sản tư liệu thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích… Theo định nghĩa của UNESCO, tư liệu là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai. Để di sản ngủ yên trong sự kính ngưỡng cũng là lãng phí. Và ngược lại, đánh thức di sản không chỉ làm bền chặt sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ mà còn làm mạnh thêm văn hóa dân tộc - động lực cho phát triển.
Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Cho đến nay, chúng ta đã có 9 di sản tư liệu được vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong số 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh có 3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám. 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943). Những di sản tư liệu - tiếng nói từ ký ức đang được gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa giá trị, bắt rễ vào trong đời sống ngày hôm nay.
Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn, gìn giữ, các di sản này vẫn đang "ở ngoài" quy định của Luật Di sản văn hóa. Theo các chuyên gia, di sản tư liệu có hàng trăm năm, rất khó bảo quản toàn vẹn lâu dài. Kinh phí đầu tư ít so với nhu cầu thực tế. Chuyên gia hiểu để phiên âm, biên dịch quá ít và họ cũng có ít thời gian để dành cho việc này. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kiến nghị sớm ban hành các quy định, thể chế để bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản trên.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, tại Ninh Bình, hàng ngàn bản sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, các địa bạ, thần tích - thần phả, ván khắc in kinh, gia phả... được lưu giữ tại các di tích, tư gia, từ đường dòng họ, trong đó có những di sản chưa được bảo quản đúng mức, nhiều tài liệu xuống cấp, mục nát; công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn dẫn đến còn hiện tượng mất trộm chưa tìm lại được. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa có các quy định để định nghĩa, nhận diện, ghi danh cũng như các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu. Vì vậy, Ninh Bình phải vận dụng các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu trên địa bàn tỉnh.
Ông Cường cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành văn hóa địa phương.
Đối với Bắc Giang, nơi bảo tồn di sản tư liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012, thách thức bảo tồn di sản này cũng không nhỏ.
Năm 2017, từ nguồn lực địa phương và xã hội hóa, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với kinh phí gần 30 tỉ đồng. Từ đó đến nay, không có thêm nguồn kinh phí nào dành cho mục đích bảo vệ di sản bởi mộc bản không được điều chỉnh trong nội dung nào của Luật Di sản văn hóa hiện hành.
Tương tự, với 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2011 nhưng các văn bản luật hiện hành của Việt Nam không quy định đây là loại hình di sản gì. Như vậy, có một khoảng trống pháp lý để có thể nhận diện và định danh di sản, từ đó gây ra những bất cập trong việc quản lý.
Khắc phục những bất cập
Tại chương V của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu" (từ điều 84 đến điều 95) đã đưa di sản tư liệu vào Luật. Theo đó, chương V bao gồm các nội dung: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO; Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước; Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu... Theo Bộ VHTTDL, chương mới này bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Trong tờ trình Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho hay nhiều quốc gia quy định di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tại nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu cũng nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý kiến của các chuyên gia.
Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, việc chưa có quy định về di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa đã gây nhiều khó khăn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Vì vậy, bổ sung nội dung về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là hết sức cần thiết để cộng đồng, các cơ quan, đơn vị có cách thức nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho hay vấn đề hiện cần xem xét là sự giao thoa, chồng lấn giữa Luật Di sản văn hóa với dự thảo Luật Lưu trữ. Một đối tượng trong dự thảo Luật Lưu trữ là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt cũng giao thoa với nhóm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ thống nhất tiêu chí để bảo đảm phân định rõ ràng.
Rõ ràng, việc đưa di sản tư liệu vào Luật di sản văn hóa (sửa đổi) là nhu cầu bức thiết nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những di sản này một cách hiệu quả nhất. Cùng với những loại hình di sản khác, di sản tư liệu chính là nguồn tài sản vô giá phản ánh thành tựu sáng tạo của đất nước, dân tộc qua các thời kỳ khác nhau. Vì thế để di sản tư liệu có thể kể trở thành những "câu chuyện lịch sử" của cha ông một cách sinh động, gần gũi, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản./.