(Tổ Quốc) - Quân đội Mỹ vẫn duy trì một căn cứ ở miền nam Syria để hạn chế khả năng các lực lượng Iran di chuyển qua biên giới al-Tanf của Syria.
Quân đội Mỹ vẫn duy trì một căn cứ ở miền nam Syria để hạn chế khả năng các lực lượng Iran di chuyển qua biên giới al-Tanf của Syria, các quan chức Mỹ và các chuyên gia nói với VOA.
"Sự hiện diện của chúng tôi ở đó có mục tiêu như vậy," Thiếu tướng Josh Jacques- phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), cho biết.
Căn cứ trên ban đầu được thiết lập để huấn luyện lực lượng Syria địa phương chống lại các tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lực lượng Mỹ tại Al Tanf, Syria. |
Trọng tâm chính của quân đội Mỹ trên khắp Syria là đánh bại nhóm IS, và để phục vụ sứ mệnh đó, lính Mỹ tại al-Tanf hiện đang huấn luyện một nhóm người Syria có tên là Maghawir al-Thawra (MaT), Jaques nói.
Trong khi quân đội không trực tiếp nhắm vào lực lượng Iran ở Syria, họ vẫn có thể gián tiếp cản trở "các hành vi gây bất ổn" của Iran tại nước này, Người đứng đầu Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM), Tướng Joseph Votel cho hay.
"Có nhiều cơ hội để chúng tôi gián tiếp tác động đến hoạt động của [Iran] bằng sự hiện diện của mình. Khi họ (Tehran) bám theo các hoạt động liên tục của chúng tôi, tôi nghĩ rằng điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động của họ và làm cho họ khó theo đuổi các mục tiêu riêng", Votel nói với các phóng viên trong một phiên họp ngày 19/7.
Ngăn Iran vươn tới Địa Trung Hải
Lãnh thổ Jordan, Iraq và Syria giao nhau tại khu vực xung quanh căn cứ trên của Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết, đây là một không gian tiềm năng, theo đó, Iran có thể xây nên một cây cầu nối tới Địa Trung Hải.
Trong khi IS đang không còn là một mục tiêu đáng kể tại Syria thì cuộc xung đột tại nước này ngày càng trở nên phức tạp khi Mỹ và Israel đang mạnh mẽ lên án sự hiện diện của Iran tại đây. Bất kì thỏa thuận nào về Syria đều phải tính đến căn cứ Mỹ tại Al-Tanf. Moscow và Damascus yêu cầu rằng, bất kỳ thỏa thuận nào với phía Mỹ đều phải bắt đầu bằng việc tháo dỡ căn cứ trên. Còn Washington lại nhấn mạnh sự hiện diện của họ ở căn cứ Al-Tanf liên quan trực tiếp tới lực lượng Iran ở miền nam Syria và nước này muốn giám sát sự ra đi của các lực lượng dân quân thân Iran từ cứ điểm này.
Để thực hiện điều trên, Mỹ đã tạo lập nên một “khu vực giảm leo thang” tại đây - trải dài khoảng 55 km quanh căn cứ. Tại đây, lực lượng Mỹ và các đồng minh sẽ được bảo vệ khi chiến đấu chống lại IS, đồng thời, ngăn cản bất kỳ lực lượng nào không đồng minh của Mỹ xâm nhập vào khu vực.
"Một lý do chính đáng để duy trì sự hiện diện ở đây là theo dõi và sau đó có thể ngăn chặn một số lực lượng Iran, hoặc các nhóm được Iran hậu thuẫn khi họ muốn lấy nơi này làm bàn đạp để tiến sâu vào Syria", chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi Brian Katulis của Trung tâm tiến bộ Mỹ cho hay.
Căn cứ này không đồng nghĩa với việc ngăn chặn hoàn toàn sự can dự của Iran vào Syria vì phần lớn hành động của Iran đến từ lực lượng máy bay.
Tuy nhiên, căn cứ này sẽ giúp bảo vệ tài sản quân sự của Mỹ, giúp Washington và đồng minh có khả năng điều phối các hoạt động bay không người lái, tiến hành giám sát và thậm chí có thể xây dựng các mạng lưới tình báo.
Sự hiện diện của Mỹ tại al-Tanf cũng giúp trấn an đồng minh Jordan- đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của khu vực biên giới nếu người Mỹ không còn ở miền nam Syria.
"Dù sự hiện diện của [Mỹ] không nhiều, tôi nghĩ nó vẫn gửi đi một tín hiệu," chuyên gia Katulis nói.
'Sắc thái màu xám'
Michael O'Hanlon, một chuyên gia cao cấp về quốc phòng tại Viện Brookings, nói rằng đánh bại IS là mục tiêu “đen trắng”(rõ ràng-pv) cho các lực lượng Mỹ tại al-Tanf, trong khi tất cả những cách thức mà Hoa Kỳ gián tiếp gây ảnh hưởng tới Iran ở Syria là “sắc thái màu xám”.
Ông O'Hanlon cho biết, căn cứ này cũng cho phép Hoa Kỳ "tiến hành một số hoạt động gây ảnh hưởng đến các khu vực khác của Syria – điều khiến Iran không thể trở thành thế lực nước ngoài quan trọng duy nhất."
Một vấn đề đáng chú ý là, các “ông lớn” tại Syria vẫn còn chưa nhất trí về định nghĩa “sự hiện diện của Iran” tại Syria: Gồm các căn cứ quân sự, lực lượng dân quân địa phương thân Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng IRGC, các nhân viên huấn luyện, các trường học hay các trung tâm tôn giáo? Do đó, các hành động ngăn chặn Iran của Mỹ sẽ vẫn diễn biến rất khó lường.
Mặt khác, vào thời điểm IS bị đánh bại hoàn toàn, Mỹ sẽ cần một chiến lược chuyển đổi chính trị lâu dài để giải thích rõ ràng lý do tại sao quân đội nước này vẫn ở lại Syria.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp, nơi vẫn có thể duy trì lực lượng hiện tại với lý do chống ISIS. Nhưng mọi người đều nhận ra rằng những ngày như thế này không còn nhiều", O'Hanlon nói. "Ở lại chỉ vì sự hiện diện sẽ có lợi không phải là một lý do đủ tốt", ông nói.