• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lùi luật đặc khu: Lắng nghe tiếng lòng dân

Thời sự 10/06/2018 07:23

(Tổ Quốc) -Đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng dân để thêm thông tin, để thể hiện quyền của mình trong việc phát biểu, bấm nút. Chính quyền từ Trung ương đến địa phương lắng nghe tiếng dân để có những quyết sách hợp lòng dân, để người dân đồng thuận cùng chia sẻ và đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển đất nước…

Sáng sớm 9/6, thông tin Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật đặc khu) từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông được hồ hởi đón nhận. Thông tin này cũng lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ "rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế”. (nguồn ảnh: VnExpress)

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả mạng xã hội, các chuyên gia, trí thức, nhân sĩ đã phân tích, bày tỏ ý kiến rất sôi nổi về dự thảo này. Lo lắng cũng lắm mà kỳ vọng cũng nhiều. Trên tinh thần xây dựng và kiến giải, những ý kiến đưa ra đều mong muốn vì sự phát triển của đất nước hôm nay và cho cả tương lai mai sau.

Vậy là cảm xúc, mong muốn của nhân đã được tôn trong. Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe những ý kiến của cử tri và nhân dân, quyết đình lùi lại để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Việc lùi lại không phải vì áp lực dư luận mà đó là sự tôn trọng ý kiến cử tri và người dân của Chính phủ, Quốc để đi đến sự thống nhất.

Đây không phải là lần đầu tiên những “tiếng lòng” của người dân được đưa vào và lắng nghe ở nghị trường. Hẳn bạn đọc còn nhớ, tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra những băn khoăn của người dân về phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ án sự cố chạy thận nhân tạo làm 9 người thiệt mạng xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Đó là một phiên thảo luận tại hội trường. Khi đại biểu tỉnh Hòa Bình phát biểu, dù đang trong quá trình xét xử nhưng đã có những đại biểu kết luận là có oan, sai, thậm chí dẫn dắt dư luận nhiều đại biểu đã tranh luận lại. Họ phát biểu quan điểm của mình để thể hiện quyền của người đại biểu của nhân dân, bởi họ biết, không chỉ các nhân viên y tế mà đông đảo cử tri quan tâm đến sự minh bạch, khách quan, công tâm của phiên tòa này. Và xin được viện dẫn phát biểu của một nữ đại biểu đoàn TP.HCM để làm minh chứng: “Thử hỏi nếu không có dư luận, nếu không có những phân tích thì vụ án VN Pharma bán thuốc ung thư giả có được tòa cấp cao xem lại hay không?".

Đại biểu Quốc hội lắng nghe tiếng dân để thêm thông tin, để thể hiện quyền của mình trong việc phát biểu, bấm nút. Chính quyền từ Trung ương đến địa phương lắng nghe tiếng dân để có những quyết sách hợp lòng dân, để người dân đồng thuận cùng chia sẻ và đồng lòng trong việc xây dựng, phát triển đất nước…

Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã đúc rút bài học quý về coi trọng sức dân, luôn đề cao nhân dân, tất cả vì dân với câu nói nổi tiếng: “Chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”. Đến thời đại Hồ Chí Minh, một lần nữa tư tưởng “lấy dân làm gốc” lại trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ. Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm, biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6. Trong ảnh là một góc huyện đảo Phú Quốc

Trở lại với câu chuyện đặc khu, khi đất nước đang đối mặt với vấn nạn tham nhũng, nhiều tập đoàn hoạt động kém hiệu quả, các dự án đắp chiếu nghìn tỷ vẫn đang tìm lối ra… thì câu chuyện quản lý đặc khu cần phải bàn thảo kỹ lưỡng hơn và hơn hết, cần đào tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, được tuyển chọn kỹ càng để đủ khả năng đảm đương trách nhiệm điều hành nền kinh tế cũng như đảm bảo an ninh để đặc khu luôn gắn liền với kinh tế và sự an nguy của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Chính phủ "rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế”. Và quyết định lùi lại để nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân là minh chứng cho thấy, Chính phủ rất khẩn trương, cầu thị và tôn trọng ý kiến người dân.

Vận mệnh, tương lai của đất nước phụ thuộc vào quyết sách của chính quyền.  “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” thì dẫu có  “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!

Lê Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ