• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lùm xùm thuê Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan: Nga "có tiếng mà không có miếng"?

Thế giới 21/07/2020 06:16

(Tổ Quốc) - Các báo cáo tình báo Mỹ hồi tháng 6 nói rằng Nga trao thưởng cho lực lượng Taliban để sát hại lính Mỹ ở Afghanistan đã gây phẫn nộ ở Washington.

Vai trò của Nga tại Afghanistan

Theo NBC News, các cựu quan chức Mỹ nói rằng dù có sự việc trả tiền thưởng này hay không, Moscow vẫn là cái gai với Mỹ trong nhiều năm tại chiến trường Afghanistan nói riêng và các nơi khác trên thế giới nói chung, vì nước này luôn tận dụng mọi cơ hội để phá hoại và làm bẽ mặt quân đội Mỹ.

Quân đội Mỹ đã từng công khai chỉ trích về việc Nga hỗ trợ tích cực cho phiến quân Taliban. Các chỉ huy Mỹ cáo buộc Moscow cung cấp vũ khí và hậu thuẫn chính trị cho lực lượng phiến quân này.

"Chúng ta sẽ phải đối đầu với Nga", tướng James Mattis phát biểu vào năm 2017 - khi ông còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cập đến hồ sơ của Moscow tại Afghanistan.

Tướng John Nicholson, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan từ năm 2016 đến 2018, cáo buộc Nga "cung cấp vũ khí cho các cuộc xung đột" vào năm 2017. Ông nhận định trong năm 2018, "Rõ ràng, Nga đang hành động làm suy yếu lợi ích của chúng ta".

Theo các cựu quan chức Mỹ, dù Nga tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình theo kế hoạch do chính quyền Trump làm trung gian, Moscow cũng củng cố các mối quan hệ và cung cấp viện trợ cho lực lượng Taliban tại Afghanistan.

Ông Douglas London, cựu quan chức CIA từng làm việc về hồ sơ Afghanistan trước khi nghỉ hưu vào cuối năm 2018, cho biết các quan chức Mỹ đã theo dõi chặt chẽ sự hỗ trợ của Nga đối với Taliban.

Tuy không thể bình luận về tin tình báo, London nói với NBC News rằng ý tưởng phía Nga đang trả tiền cho Taliban để sát hại lính Mỹ là "không phù hợp với hiểu biết của chúng tôi về việc Moscow đóng vai trò là một lực lượng gây rối và gây tổn hại tới người dân và lợi ích của Mỹ".

Liệu các báo cáo tình báo có chính xác hay không, "không nên ảo tưởng rằng Nga là" đối tác vì hòa bình "ở Afghanistan," ông James Cickyham, cựu đại Mỹ tại Kabul từ năm 2012-2014 và thành viên Hội đồng Đại Tây Dương nói.

Cũng theo ông Cickyham, đối với Moscow, một cuộc rút quân theo kế hoạch của Mỹ và tình thế bế tắc trong nhiều năm qua ở chiến trường Afghanistan được coi là lợi thế chiến lược.

Tổng thống Nga Vladimir Putin "hy vọng sẽ thấy Mỹ mất uy tín và binh lính tinh thần rệu rã khi rút quân, làm suy yếu hơn nữa Mỹ, tổ chức NATO và phương Tây" - ông Cickyham bình luận.

Lùm xùm thuê Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan: Nga có tiếng mà không có miếng? - Ảnh 2.

Các chiến binh lực lượng tinh nhuệ của Taliban ở Alingar, tháng 3/2020 (Ảnh: Jim Huylebroek/The New York Times)

Lập trường của Nga thay đổi

Gần 20 năm trước, khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự chống lại Taliban sau vụ khủng bộ ngày 11/9/2001 với cáo buộc lực lượng này đã cung cấp nơi ẩn náu cho trùm khủng bố Osama bin Laden và nhóm al-Qaeda, Nga đã đóng vai trò hỗ trợ - ủng hộ "cuộc chiến chống khủng bố" của Washington.

Mỹ nhanh chóng thanh trừng Taliban và Nga ủng hộ chính phủ mới của Afghanistan do Tổng thống Hamid Karzai lãnh đạo. Các cựu quan chức Mỹ nói, tuy nhiên, Nga theo thời gian trở nên cảnh giác với sự hiện diện quân sự lâu dài của binh lính Mỹ, vì lo lắng với sự tồn tại của các căn cứ quân sự kiên cố của Mỹ tại sân sau của Moscow.

Khi mối quan hệ giữa Moscow và Washington xấu đi do vấn đề Ukraine, Syria và các vấn đề khác, Nga đã lại quan tâm chiến trường Afghanistan để khôi phục danh tiếng của một cường quốc.

Chính phủ Nga mở lại một trung tâm văn hóa ở thủ đô Kabul năm 2014 và cung cấp súng trường Kalashnikov và đạn dược cho chính phủ Afghanistan. Moscow đã tận dụng các mối quan hệ ở Kabul, bao gồm các quan chức được giáo dục hoặc đào tạo ở Liên Xô cũ, để làm mới mối quan hệ lâu dài với những nhà vận động hành lang có tiếng nói trong các sắc dân ở phía bắc, và âm thầm lấy lòng phe Taliban.

"Nga dường như không tin rằng Afghanistan sẽ ổn định sau khi người Mỹ rút quân, và do đó, người Nga sẽ cần nhiều đối tác bản địa", ông Johnny Walsh, từ Viện Hòa bình Hoa Kỳ và cựu nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại Afghanistan, nói.

Theo Walsh, người Nga lo lắng về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lan rộng từ Afghanistan đến sườn phía nam của Nga và họ nhận thấy Taliban là một thế lực đáng gờm trong cuộc chiến với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng người Nga đã gần đây đã điều chỉnh hình thức hỗ trợ cho Taliban để không biến mối quan hệ này thành một liên minh toàn diện.

"Tôi thường nói rằng Nga dường như không muốn hợp tác với Taliban sâu rộng như phe phiến quân mong muốn," ông này nhận xét.

Lùm xùm thuê Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan: Nga có tiếng mà không có miếng? - Ảnh 3.

Đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại thành phố Kabul, Afghanistan, tháng 5/2020 (Ảnh: Jim Huylebroek/The New York Times)

Mối liên hệ giữa Nga và Taliban

Carter Malkasian, cựu cố vấn cho cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, cho rằng đối với Nga, "quan hệ với Taliban thậm chí không phải là một cuộc hôn nhân vì lợi ích, đúng hơn nó là một sự liên lạc".

Chỉ vì người Nga có quan hệ thân thiện với Taliban và chia sẻ lợi ích khi thấy người Mỹ rời đi, "điều đó không có nghĩa là Nga muốn chứng kiến Taliban tiếp quản chính phủ Afghanistan", ông nói.

Theo ông Malkasian, đối với Taliban, mối quan hệ với Nga là một cách để hợp pháp hóa tổ chức này trên chính trường thế giới. Nga đã hỗ trợ cách tiếp cận này và tuyên bố các động thái từ phía Nga nhằm mục đích thuyết phục quân nổi dậy tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

"Chúng tôi duy trì các liên hệ này chủ yếu vì lợi ích an ninh của các công dân và các cơ quan Nga tại Afghanistan và cũng để thuyết phục Taliban từ bỏ xung đột vũ trang và tham gia đối thoại với chính phủ," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu vào năm 2018 .

Nga phủ nhận đã trang bị vũ khí cho Taliban, và kịch liệt phản đối các báo cáo tình báo Mỹ về một chiến dịch treo thưởng nhắm vào quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, gọi các báo cáo hồi tháng 6 là "nực cười".

"Lời nhận xét này có khiếm nhã nhưng các thông tin này 100 % vớ vẩn", ông Peskov nói. "Đơn giản như vậy."

Taliban cũng đã phủ nhận việc nhận tiền thưởng từ Nga để sát hại lính Mỹ.

Lùm xùm thuê Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan: Nga có tiếng mà không có miếng? - Ảnh 4.

Trực thăng UH-60 Blackhawk đón các binh sĩ Mỹ tại sân bay Bost, Afghanistan, ngày 20/6/2017 (Ảnh: U.S. Marine Corps file)

Ảnh hưởng của Nga không rõ ràng

Một số cựu quan chức và hai nhà ngoại giao nước ngoài chia sẻ với NBC News rằng quy mô và phạm vi chính xác của sự hỗ trợ của Nga dành cho Taliban đã là chủ đề tranh luận trong những năm gần đây. Nhưng ngay cả khi tính đến các báo cáo tình báo mới nhất về sự việc treo thưởng, Moscow dường như không tạo ra tác động lớn đến chiến trường.

"Tôi không nghĩ rằng nó có ý nghĩa quyết định trong cán cân quân sự tại thực địa," NBC dẫn lời một cựu quan chức cấp cao Mỹ.

Theo ông Thomas Joscelyn, thành viên cao cấp tại tạp chí Long Wars Jounal, phiến quân đã liên tục giành được chiến thắng trước lực lượng an ninh Afghanistan trong những năm gần đây. Taliban không thiếu tiền hay tân binh, và thu được rất nhiều tiền từ hoạt động buôn bán thuốc phiện.

"Taliban không cần khoản tiền thưởng từ Nga," ông Joscelyn nói. "Có vẻ là tiền sẽ không làm thay đổi động lực hoặc hành vi của Taliban."

Nga không phải là cường quốc duy nhất trong khu vực đang cố gắng chi phối các sự kiện ở Afghanistan, cũng không phải là cường quốc có sức mạnh to lớn nhất. Theo chính phủ Mỹ và các nước phương Tây khác, Pakistan là quốc gia bảo trợ lâu năm của Taliban và đã cho phép tổ chức này hoạt động từ các khu bảo tồn trên phần lãnh thổ của mình trong nhiều năm.

Việc Pakistan hỗ trợ Taliban được bắt nguồn từ sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ. Đây được cho là cấp độ gắn bó hoàn toàn khác so với Nga - chuyên gia Laurel Miller thuộc International Crisis Group nhận định.

Giống như Pakistan có chung biên giới với Afghanistan, Iran cũng có tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế đáng kể ở quốc gia nằm ở biên giới phía tây. Người Iran đã chọn bỏ qua lịch sử căng thẳng với Taliban để duy trì tầm ảnh hưởng và gia tăng áp lực buộc Mỹ phải rút quân, ông Malkasian nói.

"Giống như Nga, Iran sẵn sàng thử nghiệm các mối quan hệ với Taliban để cải thiện vị thế của họ."

Theo Walsh, các động thái của Nga ở Afghanistan là một phần của cuộc cạnh tranh với Mỹ trên quy mô toàn cầu, nhằm khẳng định sức mạnh quân sự hoặc chính trị của Moscow tại những khu vực nước này nhận thấy sự can thiệp có tỉ lệ rủi ro tương đối thấp, kể cả ở Syria.

Moscow đang "cố gắng khẳng định vị thế trong một loạt các cuộc xung đột trên khắp châu Phi, Trung Đông và châu Á, thường là để đối kháng với các lợi ích của Mỹ hoặc can thiệp vào những khu vực mà nước Mỹ quyết định từ bỏ", ông nói.

Nga đã tổ chức nhiều hội nghị hòa bình Afghanistan ở Moscow vào năm 2018 và 2019 và mời các nhà lãnh đạo Taliban - động thái đôi khi gây khó chịu cho chính phủ Afghanistan. Nhưng ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Kabul, đã nâng cao vị thế của phía Nga và năm ngoái nhận định rằng nước Mỹ "đã hoàn toàn thất bại" ở Afghanistan.

Bất chấp những lo ngại của Lầu Năm Góc về "trò chơi hai mặt" của Nga ở Afghanistan, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về hòa giải Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, đã tìm đến nước Nga để thúc đẩy những nỗ lực hòa bình mong manh tại Afghanistan trong khi vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi với người đồng cấp Nga.

Theo thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký vào tháng 2, Mỹ sẽ rút toàn bộ binh lính để đổi lấy Taliban cam kết không biến Afghanistan thành mảnh đất ươm mầm cho các cuộc tấn công khủng bố, và đồng ý tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Thu Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ