• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý do Trung Quốc đang giảm sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài?

Thế giới 26/04/2022 17:20

(Tổ Quốc) - Các rủi ro địa chính trị và các chính sách trong nước khiến đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc giảm rõ rệt gần đây.

Theo hãng CNN, các nhà đầu tư nước ngoài đang do dự về việc lựa chọn thị trường đầu tư ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đang kém hấp dẫn hơn để thu hút tiền từ túi giới đầu tư. Trong dữ liệu thống kê gần đây nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn thoái lui lên tới 17,5 tỷ USD trong tháng trước, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiệp hội thương mại có trụ sở tại Mỹ đã gọi đợt thoái vốn lần này của các nhà đầu tư nước ngoài là "chưa từng có tiền lệ". Dòng tiền thoái lui bao gồm 11,2 tỉ USD trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu.

Lý do Trung Quốc đang giảm sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài?  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang thoái lui vốn kỷ lục trên thị trường trái phiếu trong những tháng gần đây.

Các rủi ro địa chính trị

Khủng hoảng Ukraine đã phần nào tác động đến kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh và Moscow hồi tháng Hai đã tuyên bố "tình bạn không giới hạn" giữa hai nước. Hiện tại, kinh tế của Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ các nước trên thế giới. Những ảnh hưởng địa chính trị kể từ khi Nga thực hiện hành động quân sự ở Ukraine đã ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

Không chỉ riêng vấn đề rủi ro địa chính trị, việc tăng lãi suất của Mỹ và các đợt phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến giới đầu tư lo ngại về việc lựa chọn thị trường đầu tư.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương hôm 22/4 cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế "hạ nhiệt," với các biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch COVID-19.

Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang giảm đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi so sánh với Mỹ. Đầu tháng này, lợi suất trái phiếu của Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh so với lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Đây là điều chưa từng xảy ra trong hơn một thập kỷ qua. Theo đó, đồng nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong 6 tháng so với đô la Mỹ. Thông thường, do chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc, nhà đầu tư thường mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc để thu lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, khi lợi suất trái phiếu của Mỹ vượt lên trên Trung Quốc thì động thái này có thể đảo ngược.

"Trước động thái này, lợi tức danh nghĩa gắn với tài sản thu nhập cố định của Trung Quốc sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn", ông Chorzempa nói.

"Kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chính sách 0-Covid", ông Magnus nhấn mạnh.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng Ba, chi tiêu cho tiêu dùng giảm mạnh lần đầu tiên trong hơn 1 năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tăng cao kỷ lục ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã tác động đến tăng trưởng và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số nhà kinh tế cũng nhắc đến khả năng suy thoái kinh tế của Trung Quốc trong quý này bởi chính sách 0-Covid. Quỹ Tiền tệ ngày 26/4 đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm từ mức 4,8% xuống 4,4% bởi ảnh hưởng của chính sách 0-Covid. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo chính sách của Trung Quốc trước đó là 5,5%.

Hoang mang về tương lai

Bởi các lo lắng ngày càng gia tăng, một số nhà phân tích bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu có nên tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc hay không.

"Trung Quốc đang chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi đất nước bởi các nghi ngờ về khả năng đầu tư cơ bản vào nước này", ông Brock Silvers, Giám đốc điều hành của Kaiyuan Capital, một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Đại dịch không phải là lý do duy nhất dẫn đến suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện siết chặt quy định nghiêm ngặt đối với khu vực tư nhân. Trong năm nay, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các quy định khác trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.

"Các nhà đầu tư toàn cầu không muốn đưa ra các phỏng đoán và lo ngại các tin tức cập nhật mới nhất sẽ lại ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của họ", ông Silvers nhấn mạnh.

Theo Qi Wang, Giám đốc đầu tư của công ty Mega Trust Investment tại Hong Kong, số tiền chảy ra khỏi Trung Quốc có thể đã chuyển vào tài sản bằng đôla Mỹ, trong đó đáng chú ý là quá trình chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Ở diễn biến trong nước, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải đã buộc hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa trong nhiều tuần qua, đe dọa chuỗi cung ứng đối với nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là ô tô và điện tử.

"Điều này sẽ gây ra mối lo ngại trong ngắn hạn nhưng sẽ để lại hậu quả lâu dài", ông Jens Hildebrandt, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ