• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý giải giá thực phẩm liên tục tăng cao trên toàn cầu

Thế giới 28/04/2023 10:40

(Tổ Quốc) - Tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, người dân đang gặp nhiều khó khăn khi giá lương thực tăng cao.

Một nhà hàng ở ngoại ô Nairobi đã phải giảm kích cỡ của chapati - một loại bánh mì dẹt mềm, dai - để tiết kiệm dầu ăn.Tại Pakistan, những người dân khó khăn miễn cưỡng chuyển sang chế độ ăn chay, không ăn thịt bò và thịt gà vì họ không còn đủ tiền mua thịt. Ở Hungary, một quán cà phê loại bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên ra khỏi thực đơn để tránh giá dầu và thịt bò cao.

Trên khắp thế giới, giá lương thực đến tay người dùng liên tục tăng cao. Đây là một điều khó hiểu khi trên thị trường bán buôn toàn cầu, giá ngũ cốc, dầu thực vật, sữa và các mặt hàng nông nghiệp khác đã giảm. Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực đã giảm trong 12 tháng qua, nhờ thu hoạch tốt ở những nơi như Brazil và Nga và thỏa thuận cho phép vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Biển Đen.

Loạt nguyên nhân khiến giá cả tăng cao

Nhưng khi hàng hóa đến tay những cửa hàng bán lẻ, người bán hàng rong và những gia đình đang cố gắng kiếm sống qua ngày thì giá cả đã tăng vọt.

Lý giải giá thực phẩm liên tục tăng cao trên toàn cầu - Ảnh 1.

Giá cả lương thực tại khắp các châu lục đang tăng đáng kể. Ảnh: AP.

Linnah Meuni, một bà mẹ 4 con người Kenya, cho biết: "Chúng tôi không đủ tiền để ăn trưa và ăn tối trong nhiều ngày vì chúng tôi còn phải trả tiền thuê nhà và học phí". Bà cho biết một gói bột ngô nặng 2kg có giá gấp đôi số tiền bà kiếm được sau một ngày bán rau tại ki-ốt.

Ian Mitchell, nhà kinh tế học và đồng giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại London cho biết: "Các thị trường thực phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức "bất kể bạn ở đâu trên thế giới, bạn đều cảm nhận được tác động nếu giá cả toàn cầu tăng lên".

Phân tích tình hình giá cả lương thực hiện tại, Joseph Glauber, cựu nhà kinh tế trưởng của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết giá cả bán buôn của các sản phẩm nông nghiệp cụ thể - như cam, lúa mì hay gia súc - mới chỉ là mức chi phí ban đầu.

Tại Mỹ, giá lương thực đã tăng 8,5% vào tháng 3 năm nay so với cùng kỳ một năm trước. Ông Glauber nói rằng "75% chi phí sẽ đến sau khi nông sản rời khỏi trang trại. Các chi phí bổ sung là chi phí năng lượng, các chi phí xử lý nông sản, phí vận chuyển và phí lao động.''

Và nhiều chi phí bổ sung này được tính trong bối cảnh lạm phát tăng cao nên có thể thấy là các nền kinh tế trên khắp thế giới đều xảy ra tình trạng này. Giá lương thực tăng vọt 19,5% tại Liên minh châu Âu vào tháng trước so với một năm trước đó và tại Anh là 19,2%, mức tăng lớn nhất trong gần 46 năm.

Những chuyên gia khác, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận thấy một lý do khác: làn sóng sáp nhập trong nhiều năm qua đã làm giảm sự cạnh tranh trong ngành thực phẩm.

Nhà Trắng năm ngoái phàn nàn rằng chỉ có bốn công ty đóng gói thịt kiểm soát 85% thị trường thịt bò Mỹ. Tương tự như vậy, chỉ có bốn công ty kiểm soát 70% thị trường thịt lợn và 54% thị trường gia cầm. Các nhà phê bình nói rằng những công ty đó có thể tận dụng vị thế của họ để tăng giá.

Ông Glauber, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cũng nói tới một vấn đề khác là bên ngoài nước Mỹ, đồng đô la mạnh là nguyên nhân khiến giá cả tại các nước khác ở mức cao.

Chuyên gia Glauber đánh giá: "Trong khoảng thời gian này, chúng ta thấy đồng đô la mạnh và giá liên tục tăng. Giá ngô và lúa mì thì được định giá bằng đô la/tấn. Và khi bạn đặt giá trị đó theo đồng nội tệ, mức giá sẽ khác".

Thêm sự khó khăn tại từng khu vực

Ngoài ra, sẽ có thêm 1 số yếu tố riêng tác động đến giá cả tại các quốc gia khác nhau. Ở Kenya, hạn hán đã làm tăng thêm tình trạng thiếu lương thực. Bột ngô, lương thực chính trong các hộ gia đình, đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái. Sau cuộc bầu cử năm 2022, Tổng thống William Ruto cũng đã chấm dứt các khoản trợ cấp hỗ trợ người tiêu dùng.

Các nhà xay xát Kenya đã mua lúa mì khi giá toàn cầu cao vào năm ngoái và giờ họ cũng phải đối mặt với chi phí sản xuất cao phát sinh từ hóa đơn nhiên liệu lớn hơn.

Điều này dẫn tới các cửa hàng ăn nhỏ đã phải tăng giá và đôi khi cắt giảm khẩu phần ăn. Kioko, chủ một quầy hàng nhỏ, nói: "Chúng tôi phải giảm cỡ bánh chapati của mình vì ngay cả sau khi tăng giá, chúng tôi vẫn gặp khó khăn vì giá dầu ăn ở mức cao".

Tại Hungary, người dân ngày càng không thể đối phó với giá lương thực tăng đột biến ở EU, khi mức tăng lên tới 45% trong tháng Ba. Để theo kịp chi phí nguyên liệu tăng cao, quán Cafe Csiga ở trung tâm Budapest đã tăng giá khoảng 30%.

Andras Kelemen, quản lý nhà hàng cho biết: "Đầu bếp của chúng tôi theo sát giá cả hàng ngày nên việc thu mua nguyên liệu nhà bếp được kiểm soát chặt chẽ. Quán thậm chí còn loại bỏ bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên khỏi thực đơn".

Tại Pakistan, chủ cửa hàng Mohammad Ali cho biết một số khách hàng không ăn thịt mà thay vào đó là rau và đậu. Ngay cả giá rau, đậu, gạo và lúa mì cũng tăng tới 50%.

Ngồi trong ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô Islamabad, góa phụ Zubaida Bibi, 45 tuổi, nói: "Cuộc sống của chúng tôi chưa bao giờ dễ dàng, nhưng bây giờ giá cả mọi thứ đều tăng cao khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn".

Trong tháng này, bà đã đứng xếp hàng dài để nhận lúa mì miễn phí từ chính phủ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Bibi hiện làm giúp việc với mức lương chỉ 8.000 rupee Pakistan (30 USD) một tháng.

"Chúng tôi cần nhiều thứ khác, nhưng chúng tôi không có đủ tiền để mua thức ăn cho con mình," bà nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ