• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mạng xã hội tăng tốc đối phó nạn tin giả về COVID-19: hiệu quả tới mức nào?

Thế giới 26/02/2020 18:00

(Tổ Quốc) - Cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch liên quan tới dịch bệnh virus corona mới tiếp tục nóng và đối mặt nhiều thách thức.

Hãng tin AFP đăng tải, trong bối cảnh bệnh dịch do COVID-19 gây ra đang lan rộng khắp toàn cầu, thì trên Internet, cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch liên quan tới chủng virus corona mới cũng đang ngày càng căng thẳng.

Google, Facebook và các mạng xã hội khác đang phải vật lộn để đối phó với những kẻ tung ra các nội dung không đúng sự thật nhằm lừa đảo và trục lợi từ người dùng Internet.

"Mối lo ngại của mọi người về virus corona đang bị lợi dụng như một phương tiện để khiến người dân truyền bá các thông tin sai sự thật và lệch hướng", giáo sư Đại học Washington Carl Bergstrom cho hay.

Tuần trước, các công ty Internet đã tham dự một cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại các trụ sở của Facebook ở Thung lũng Silicon, để thảo luận về các biện pháp như quảng bá nguồn thông tin đang tin cậy và kiểm tra nhanh những tuyên bố đáng ngờ xung quanh COVID-19…

Mạng xã hội tăng tốc đối phó nạn tin giả về COVID-19: hiệu quả tới mức nào? - Ảnh 1.

Những thông tin về virus corona thu hút lượng người xem lớn trên Internet (ảnh: AFP)

"Chúng ta phải chiến đấu chống lại việc lan truyền tin đồ và thông tin sai lệch", Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus khẳng định với AFP. "Để làm được điều đó, chúng ta phải làm việc với Google từ đó đảm bảo mọi người tìm kiếm thông tin về virus corona luôn nhìn thấy thông tin của WHO ở những kết quả đầu tiên".

Cỗ máy tìm kiếm Google thường xếp các nguồn thông tin chính thống ở vị trí cao hơn khi người dùng tìm kiếm về các kết quả y tế; đồng thời hiển thị các kết quả hoặc tin tức mới đã được kiểm chứng.

Theo ông Ghebreyesus, các nền tảng mạng xã hội bao gồm Twitter, Facebook, Tencent và TikTok đã thực hiện các bước khác nhau để hạn chế việc lan truyền thông tin sai lệch về virus corona.

Trong một đăng tải gần đây, Facebook tuyên bố, họ đang tập trung vào các nội dung đăng tải có thể làm gia tăng khả năng bị bệnh hoặc không được điều trị rõ ràng cho người đọc.

"Điều này bao gồm những nội dung có liên quan tới các biện pháp chữa trị và phòng ngừa – như uống thuốc tẩy, hay những thông tin gây nhầm lẫn về các nguồn lực y tế sẵn có", người đứng đầu bộ phận y tế của Facebook Kang Xing Jin nhấn mạnh trong đăng tải. "Chúng tôi cũng chặn và hạn chế các hashtag được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch trên Instgram và thực hiện các biện pháp chủ động nhằm tìm kiếm và dỡ bỏ càng nhiều các nội dung như vậy càng tốt".

Mạng xã hội tăng tốc đối phó nạn tin giả về COVID-19: hiệu quả tới mức nào? - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế tại một bệnh viện của Trung Quốc - nơi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn (ảnh: SCMP)

Bán dầu rắn

Ông Bergastrom tiết lộ, một số thông tin sai lệch như "có người muốn bán các sản phẩm dầu rắn" được quảng bá là có thể chữa trị bách bệnh trong khi một số người khác lợi dụng thông tin gây chú ý nhằm kiếm tiền từ quảng cáo.

Bên cạnh đó, ông Bergstrom chỉ ra, các thông tin sai lệch cũng được lây lan bởi các "yếu tố" mong muốn làm dấy lên sự thiếu tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc hoặc gây bất ổn xã hội.

"Người dùng Internet mong muốn những thông tin cập nhật, kịp thời", ông Jevin West, đồng tác giả một cuốn sách về thông tin sai lệch với ông Bergstrom nói. "Những yếu tố trên có thể lợi dụng điều đó; những thông tin về các kịch bản điên rồ gần như chắc chắn sẽ được nhiều người xem hơn bản báo cáo mà trong đó các bác sỹ của WHO cố gắng làm dịu đi nỗi sợ hãi".

Facebook cho hay, khi người dùng tìm kiếm thông tin liên quan tới virus, mạng xã hội sẽ hiển thị các cửa sổ "mang tính giáo dục" với thông tin được cho là đáng tin cậy.

Ngoài ra, Facebook còn chạy quảng cáo miễn phí cho các tổ chức đang tiến hành các chiến dịch giáo dục liên quan tới virus corona mới.

Trong khi đó, trang web video Youtube đã thay đổi các chính sách và sản phẩm trong nhiều năm nay để có thể dỡ bỏ các nội dung có hại, đồng thời dành ưu tiên cho các nguồn thông tin tin cậy và có thẩm quyền.

"Chúng tôi hiện không cho phép các nội dung quảng bá các liều thuốc hoặc phương pháp chữa trị nguy hiểm như các video nói về các thuốc hoặc cách điều trị xấu nhưng lại tuyên bố có lợi cho sức khỏe", YouTube tuyên bố.

Năm ngoái, YouTube bắt đầu cung cấp các đường dẫn tới những nguồn thông tin đáng tin cậy cùng với các video về "những chủ đề hay xuất hiện thông tin sai lệch". Hiện corona virus đã được đưa vào danh sách này.

Kiểm tra độ xác thực có ích lợi hay không?

Các mạng xã hội lớn cũng đã tăng cường kiểm tra độ xác thực thông qua thuê các đối tác bên ngoài như chính hãng tin AFP để tìm kiếm sự thực trong các nội dung – ngay cả khi hiệu quả của việc đó còn chưa được xác định rõ ràng.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances kết luận, kiểm tra độ xác thực hầu như không có tác dụng để ngăn chặn thông tin sai lệch về các bệnh dịch như Zika, Ebola và cúm da vàng…

Các nhà nghiên cứu nói, "các biện pháp tiếp cận gần đây để đối phó với nạn thông tin sai lệch và các giả thuyết âm mưu về bệnh dịch có thể không hiệu quả thậm chí phản tác dụng" hoặc tạo ra các thiệt hại "bổ sung" bằng cách phá hủy niềm tin vào các thông tin bệnh dịch đã được kiểm chứng.

Cả hai ông Bergstrom và West đều tỏ ra nghi ngờ trước những lạc quan của các "gã khổng lồ" mạng xã hội rằng, họ có thể hạn chế được vấn nạn lừa dối và thông tin sai lệch.

"Các công ty mạng xã hội tuyên bố đang tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch, cũng giống như mà sản xuất thuốc lá Philip Morris khẳng định họ đang tham gia tích cực vào cuộc chiến chống ung thư phổi vậy", ông Bergstrom so sánh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ