(Tổ Quốc) - Ngày nay, ngành Xuất bản không chỉ gồm sách giấy mà còn bao gồm xuất bản điện tử, sách số và các dịch vụ trực tuyến. Công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội mới cũng như đặt ra những thách thức cho ngành Xuất bản, vậy nên cần phải tiếp tục đổi mới nội dung và tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện nay.
Sách giả "tung hoành" trên mạng
Công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội cho những người làm xuất bản, giúp các công ty tự tin khởi nghiệp với sách và đưa sách đến với nhiều độc giả hơn. Đồng thời, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. Điều này đã giúp cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp tận dụng sàn thương mại điện tử để thức đẩy việc bán hàng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng đã tạo ra những khe hở khiến hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu dễ dàng hơn, quy mô và tốc độ lan truyền ngày càng lớn.
Theo đại diện Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – first news Nguyễn Văn Phước cho biết: Trước những cố gắng không ngừng nghỉ của các nhà xuất bản trong việc nỗ lực lan tỏa tri thức đến với nhiều người thì vấn nạn sách giả được bày bán công khai và tràn lan trên thị trường, đặc biệt trên các nền tảng online, khiến dư luận hết sức lo ngại. Không chỉ được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử có vốn hàng ngàn tỷ, sách giả còn xuất hiện tràn làn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok,… với số lượng không thể thống kê được.
Ngoài ra, các đối tượng còn tận dụng công nghệ để hỗ trợ tối đa việc bán hàng như livestream quảng cáo trên mạng xã hội, sử dụng phần mềm làm gia tăng số lượng đơn hàng. Trung bình, mỗi cơ sở như vậy bán được khoảng từ 300-600 cuốn sách với tổng giá trị tiền hàng từ 50-70 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các cơ sở in ấn, phát hành có giấy phép hoạt động. Sách giả hiện nay đã đạt đến trình độ gần như sách thật, đến mức chỉ những người làm công việc in ấn và xuất bản lâu năm mới phát hiện ra những thủ đoạn tinh vi như: bìa mờ nhạt, chữ không sắc nét, chất lượng giấy, mực in kém,…
Và hệ quả của hành vi in sách giả này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại về kinh tế của các bên liên quan và ảnh hưởng đến uy tín của các nhà xuất bản. Bởi những cơ sở in sách giả không phải đầu tư thời gian, tiền bạc để xây dựng đề tài, bản thảo, trả tiền bản quyền hay nộp thuế. Chưa kể chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện xuất bản phẩm lại thấp, nên các xuất bản phẩm giả, làm lậu có giá thành rất thấp và có thể bán với chiết khấu cao so với giá bìa để thu hút người mua.
Đây là một thực trạng đã diễn ra trong nhiều năm qua, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý mạnh mẽ để đẩy lùi vấn nạn này. "Hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách giả chỉ là xử phạt hành chính chứ chưa có biện pháp răn đe mạnh mẽ. Cụ thể, hành vi in lậu chỉ bị phạt 30-40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Với mức phạt này là chưa đủ răn đe và cảnh tỉnh người vi phạm. Và đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng sách giả diễn ra tràn lan trong thời gian dài" – ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm.
Mạnh tay xử lý vấn nạn sách giả
Trước thực trạng đó, để đẩy lùi vấn nạn sách giả, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng: "Ngành Xuất bản, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bằng cách phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy tại các địa phương, và các đơn vị liên quan. Điều này sẽ thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp đến, cần phát động nhiều chiến dịch truyền thông hơn nữa nhằm thay đổi tư duy, từng bước đổi mới, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của sách giả, cũng như nói "không" với các ấn phẩm phái sinh vi phạm tác quyền. Từ đó giúp người dân có ý thức tôn trọng hàng thật, sách thật thông qua nhiều hành động ý nghĩa như báo cáo (report) các trang web, trang mạng xã hội chuyên bán sách giả, vi phạm bản quyền, cũng như không tiếp tay cho các đối tượng làm hàng giả.
Bên cạnh đó, cũng cần có một hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng, cần nâng mức xử phạt đối với tội danh in, phát hành sách giả, sách lậu hoặc có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, rất cần đổi tội danh làm sách lậu thành tội làm hàng giả và xử lý theo tội này mới có sức răn đe với người vi phạm. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của người dùng mà còn chung tay góp phần chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước".
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Nguyên chia sẻ: "Phát triển thị trường cần đi đôi với các giải pháp bảo vệ thị trường, chống hiện tượng gian lận thương mại, buôn bán sách lậu, sách giả. Đây vốn là một vấn nạn nhức nhối bao năm qua. Sẽ cần những giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế đến tăng cường tuyên truyền ý thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn gian lận. Và đặc biệt Hội Xuất bản Việt Nam cũng cần xác định trách nhiệm của mình để tham gia tích cực vào công tác này. Tuy nhiên, đã đến lúc cần sớm có một trung tâm về bảo vệ bản quyền sách để có thiết chế tham gia hiệu quả công tác này".
Ngoài những giải pháp của nhà xuất bản, nhà quản lý, nhân tố quan trọng nhất để loại bỏ sách giả, sách lậu ra khỏi thị trường chính là độc giả. Bằng việc nâng cao ý thức, kiên quyết không dùng sách giả, sách in lậu, người đọc sẽ gián tiếp bảo vệ quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình trong việc tiếp cận văn học chính thống.
Sách giả, sách lậu hiện nay không chỉ đơn thuần là sách giấy đã xuất hiện rất nhiều biến tướng trên thị trường sách điện tử. Chính vì vậy, cuộc chiến với sách giả, sách lậu hẳn sẽ còn rất gian nan. Chính vì thế, các cơ quan ban ngành liên quan như: Hội Xuất Bản Việt Nam, Cục Bản quyền,… cần phải phối hợp tìm ra các giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này và làm thế nào để ngành xuất bản Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" hơn nữa trong thời gian tới./.