• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mất tiền tỷ khi tham gia kênh đầu tư T.D Bratrade (bài 3): Cần xử lý mạnh tay sàn đầu tư T.D Bratrade

Kinh tế 05/08/2021 06:00

(Tổ Quốc)- Tuyệt vọng trong nỗ lực đòi lại hàng tỷ đồng xương máu, nhiều nhà đầu tư mong mỏi cơ quan quản lý Nhà nước điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng lừa đảo theo hình thức đa cấp biến tướng.

Hiện nay, không khó để nhận biết chiêu trò kinh doanh của những kênh đầu tư tương tự T.D Bratrade.

Thủ đoạn của T.D Bratrade đó là xây dựng đội ngũ đại lý từ đó phát triển thành mô hình đa cấp đồng thời tích cực quảng cáo, tô hồng về lợi nhuận thu được nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin.

Trong những năm trở lại đây đặc biệt là hai năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hình thức đa cấp này ngày càng phổ biến, thu hút một bộ phận người dân có tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng mà không cần bỏ vốn, lại thích nhàn hạ.

Bùi Văn Kiên (26 tuổi), tuy chỉ tốt nghiệp hết cấp 2, nhưng rất tự tin khoe nhà, khoe xe sang, điện thoại đẹp.

Kiên cho biết, tất cả là nhờ khoản tiền đầu tư vào T.D Bratrade.

Tuy nhiên đó chỉ là chiêu trò Kiên dùng để thu hút những người khác tham gia hệ thống của mình.

Những đồ hiệu, biệt thự, xe sang đó đều là... đi mượn để chụp hình.

Cậu cho biết, để có thể trở thành đại lý của T.D Bratrade hay những kênh đầu tư khác không hề khó, chỉ cần mang hợp đồng, mang tiền về sẽ được tăng theo các cấp bậc.

Do vậy những người như Kiên thường sử dụng chiêu trò để lôi kéo, dụ dỗ những nhà đầu tư có tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng.

“Để trở thành một đại lý chỉ cần đăng ký số điện thoại sẽ có người tư vấn cho bạn. Vốn tham gia ban đầu là 100 USD. Nếu bạn kêu gọi được người khác đầu tư thì sẽ có hoa hồng”. Kiên chia sẻ.

Điều đáng nói, mặc dù báo đài đã thường xuyên cảnh báo và số vụ lừa đảo với phương thức nêu trên không phải là ít nhưng trên thực tế vẫn có nhiều người sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư vào những kênh tương tự như T.D Bratrade mà không có chút thông tin cơ bản nào về nơi họ đầu tư.

Mất tiền tỷ khi tham gia kênh đầu tư T.D Bratrade (bài 3): Cần xử lý mạnh tay sàn đầu tư T.D Bratrade - Ảnh 1.

Hiện nay các hình thức đa cấp tài chính nở rộ ngày càng nhiều, đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt

Thông tin từ Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đa cấp.

Do vậy những doanh nghiệp khác nếu hoạt động theo mô hình này đều là trái phép. Chính vì thế người tiêu dùng khi lựa chọn tham gia kênh đầu tư nào cũng cần phải tìm hiểu kỹ để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý cũng như thiệt hại vật chất.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính hiện nay cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia.

Trước hết, mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép, trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống, kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.

Ngoài ra, tiền của người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật, trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử, những loại tiền ảo và ví điện tử này đều không được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp.

Bên cạnh đó nhà đầu tư cũng bị những rủi ro khác khi tham gia các sàn đầu tư tài chính kiểu này như lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống (nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua) hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.

Ông Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, trưởng Đại học Kinh tế - Luật, TP HCM nhận định, nhiều dự án huy động vốn đa cấp được ẩn dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư nên đây là giao dịch dân sự và không bị cấm.

Chỉ đến khi các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo và nạn nhân tố cáo thì cơ quan công an mới có thể điều tra. Bên cạnh đó, do khung pháp lý về tiền ảo chưa đầy đủ nên nhiều cá nhân, tổ chức cũng lách được với nhiều chiêu trò khác nhau.

“Do vậy, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về tiền ảo và các sàn giao dịch tiền ảo để có khung pháp lý xử lý các hành vi lừa đảo. Ngoài ra các Bộ, ban, ngành cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra các sàn giao dịch hoạt động theo mô hình đa cấp, lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư để chiếm đoạt tài sản”, ông Trần Hùng Sơn nói.

VŨ NINH

NỔI BẬT TRANG CHỦ