(Tổ Quốc) - Đã 5 năm trôi qua kể từ khi chuyến bay định mệnh MH370 của Malaysia Airlines biến mất trên đường bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào ngày 8/3/2014.
Điều khó tin là cho tới giờ phút này, nguyên nhân chính xác về số phận của MH370 vẫn còn là điều bí ẩn. Việc một chiếc Boeing 777 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn đột nhiên không còn chút tung tích nào, là một điều không thể tin nổi – ngay cả đối với những chuyên gia kỳ cựu nhất trong ngành công nghiệp hàng không, như Miguel Marin. Ông hiện là người phụ trách bộ phận vận hành an toàn của Cục định vị trên không, một cơ quan của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Ảnh chụp chiếc máy bay mất tích hồi năm 2010 tại Australia (ảnh: Ignatius Kwee)
Hệ thống theo dõi nguy cơ
"Khó có thể nghĩ rằng trong thời đại này, chúng ta lại mất đi một chiếc máy bay lớn như vậy mà không để lại dấu vết nào", ông Marin nói với kênh CNN. Thảm kịch trên đã khiến ICAO choáng váng đến nỗi họ nhanh chóng bắt tay vào tìm mọi cách để điều tương tự không lặp lại.
Kết quả là một kế hoạch dài hạn gọi là Hệ thống an toàn và nguy cơ hàng không toàn cầu (GADSS), trong đó sử dụng những phát minh trong công nghệ và truyền thông để theo dõi các chuyến bay một cách hiệu quả hơn. Một phần của kế hoạch đòi hỏi tất các máy bay lớn giờ đây đều phải tự động định vị vị trí của mình mỗi 15 phút, trong khi một quy định mới lại tập trung vào những gì sẽ diễn ra khi một chuyến bay thương mại đối mặt với nguy cơ tai nạn.
Người đọc có thể nhớ lại rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến thế giới không tìm thấy MG370 do hệ thống truyền phát tín hiệu của nó bất ngờ không cung cấp vị trí của chiếc máy bay 3 phút sau lần liên lạc cuối cùng. Giờ đây, ICAO đang bắt buộc các hàng hàng không toàn cầu cài đặt thứ gọi là "hệ thống theo dõi nguy cơ" trên các máy bay của mình vào năm 2021.
Ông Marin cho biết, hệ thống sẽ tự mình truyền tải vị trí của máy bay theo từng phút một, khi máy bay rơi vào trường hợp "nếu không được để ý tới, sẽ dẫn tới một tai nạn". Hệ thống này vận hành mà không cần tới bất kỳ hành động nào của phi công. Nó có thể cung cấp vị trí và thông tin của chiếc máy bay đang gặp nạn tới những cơ quan liên quan, để kịp thời lên kế hoạch giải cứu.
Một mảnh vỡ được cho là của MH370 tìm thấy ở đông Phi (ảnh: Ludovic Lai-Yu/Journal de l ile de la Reunion)
Theo dõi dựa trên không gian
Trong khi một số phi công phản đối kế hoạch này do họ muốn có thể tắt bất kỳ hệ thống điện tử nào trong máy bay phòng ngừa trường hợp hỏa hoạn hoặc khẩn cấp khác; thì theo công ty Aireon, các khách hàng – bao gồm cả Malaysia Airlines, đã đăng ký sử dụng một dịch vụ do họ cung cấp. Với mạng lưới 66 vệ tinh kết nối với nhau, Aireon tuyên bố có thể kiểm soát mọi đường bay trong thời gian bay thực tế.
"Đây là lần đầu tiên mọi máy bay được theo dõi trên toàn thế giới trong thời gian thực tế", ông Don Thoma, CEO của Aireon nói. "Đây thực sự là sự bổ sung cơ bản mang tính chất bước ngoặt đối với kiểm soát không lưu và hàng không".
Theo dõi toàn cầu dựa trên không gian được kỳ vọng sẽ loại bỏ những điểm mù trong định vị máy bay vẫn đang tồn tại, khi máy bay bay qua các đại dương, sa mạc, vùng núi và các khu vực xa xôi khác.
Sẽ không có MH370 thứ hai?
Trong trường hợp MH370, các điều tra viên có manh mối về vị trí của máy bay từ các động cơ công nghệ cao của nó, vốn được lập trình để thường xuyên gửi dữ liệu tới các vệ tinh ngoài không gian. Tuy nhiên, các dữ liệu này lại không được thiết kế để theo dõi, vì vậy, họ chỉ biết được vị trí cuối cùng của MH370 là ở đâu đó tại phía nam Ấn Độ Dương.
ICAO đã thực hiện và thông qua các tiêu chuẩn, giúp ngăn ngừa một tai nạn như MH370 xảy ra một lần nữa.
Miguel Marin
Giờ đây, ông Marin tự tin, "ICAO đã thực hiện và thông qua các tiêu chuẩn, giúp ngăn ngừa một tai nạn như MH370 xảy ra một lần nữa".
Ông cho rằng, nếu MH370 được trang bị hệ thống theo dõi nguy cơ, nó sẽ tự động báo tới đơn vị thẩm quyền và cung cấp vị trí máy bay rơi – câu hỏi hàng đầu cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Thử thách lớn nhất giờ đây là thiết lập một kho dữ liệu nơi tất cả các kiểm soát viên không lưu, trung tâm tìm kiếm và cứu nạn và các nhà điều hành hàng không… đều có thể tiếp cận.
Theo Marin, kho dữ liệu hệ thống theo dõi nguy cơ của ICAO sẽ sẵn sàng thử nghiệm trong vòng một năm tới và vận hành toàn cầu vào tháng 1/2021.
Với hơi 1.500 chuyến bay hàng ngày giữa Mỹ và châu Âu, công nghệ theo dõi dựa trên không gian sẽ giúp phi công, kiểm soát viên không lưu linh hoạt hơn trong việc tối ưu hóa đường bay, giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải nhà kính – "đều rất quan trọng đối với công nghiệp hàng không và hành khách", CEO Thoma của Aireon nói.
Aireon cùng với các cơ quan hàng không Canada và Anh dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm trực tiếp tại Canada và xuyên Bắc Đại Tây Dương vào tháng Tư sắp tới.
Ông Thoma bật mí, cơ quan hàng không liên bang Mỹ cũng tham gia vào thiết kế, thử nghiệm và phát triển hệ thống theo dõi của Aireon, và thử nghiệm sẽ được tiến hành vào cuối năm sau.