• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 3): Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao

Thể thao 25/10/2024 07:15

(Tổ Quốc) - Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn xã hội hóa (XHH) và để chính sách thực sự đi vào đời sống, cần có những quyết sách giúp mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao.

Liên đoàn, Hiệp hội đóng vai trò quan trọng

Trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, quá trình thực hiện XHH có rất nhiều thuận lợi. Song hành cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, sự quan tâm của người dân với thể thao càng lớn, tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động, ngành kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Việc đầu tư vào công tác tổ chức hoạt động sự kiện thu hút rất nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn tồn lại những khó khăn, vướng mắc khiến thể thao Việt Nam gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn XHH, liên quan đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, triển khai liên doanh liên kết...

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 3): Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao - Ảnh 1.

Chỉ có một số ít môn thi đấu thuộc các Liên đoàn, Hiệp hội như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, một số môn võ… nhận được sự quan tâm, đầu tư

Để giải quyết vấn đề thu hút sự quan tâm, đầu tư của xã hội thông qua các hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào, vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia chắc chắn là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu.

Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, mức độ XHH hiện tại của Thể thao Việt Nam chưa cao, đa phần đều vẫn đang "sống" dựa vào ngân sách nhà nước. Việc kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ gặp nhiều khó khăn vì những yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Trong ba hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào, có thể xem, thể thao chuyên nghiệp như đầu kéo tiên phong. Từ các hoạt động thể thao chuyên nghiệp, các môn thể thao sẽ có cơ hội đến gần hơn đến người dân, thúc đẩy phong trào thể thao phát triển, từ đó, các điều kiện về kinh doanh, xã hội hóa cũng phát triển theo.

Lấy ví dụ về V-League, giải bóng đá quốc nội cao nhất của Việt Nam, một trong số ít những giải đấu được đánh giá có mức thu hút quan tâm, đầu tư cao của xã hội, theo thống kê, ở mùa giải 2023/24 có tổng số hơn 1,4 triệu lượt khán giả tới sân; trên 150 triệu lượt khán giả xem V.League 1, trên 21 triệu lượt khán giả xem V.League 2, trên 30 triệu lượt khán giả xem Cup QG chỉ riêng trên FPT Play; khoảng 1.150 bài báo nhắc tới các Giải đấu phủ sóng trên 40 kênh báo, tạp chí điện tử, kênh thông tin; trên 690 triệu lượt hiển thị, 375 triệu lượt xem trên các kênh social media chính thức của các giải đấu.

Lượng khán giả cao cho phép BTC giải là VPF mở rộng các dịch vụ liên quan tới các Giải đấu bao gồm các dịch vụ cung cấp trực tiếp cho người hâm mộ như: truyền hình, social media, merchandise… và các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp muốn quảng bá tới người hâm mộ qua các Giải đấu hoặc các doanh nghiệp muốn sử dụng nguồn dữ liệu của các Giải đấu.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 3): Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao - Ảnh 2.

V-League hiện tại đang là giải đấu có giá trị lớn nhất trong ngành thể thao

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, để có được kết quả trên, từ phía VPF cần phải chứng minh được rằng, sản phẩm của mình (giải đấu V-League) có giá tương xứng với giá trị của đơn vị mua bản quyền bỏ tiền mua. Trong từng giai đoạn, VPF đã tiến hành đầu tư về chất lượng giải, chuyên môn, cơ sở vật chất... Đồng thời, yêu cầu các câu lạc bộ thay đổi mặt sân. Về chuyên môn, trong những mùa giải gần đây, công nghệ VAR được áp dụng trong hầu hết các trận đấu giúp cho chất lượng chuyên môn được tăng cao

"Trước năm 2018, nguồn thu bản quyền truyền hình bằng giá trị đổi ngang, tức là mua tính bằng số tiền sản xuất giải đấu. Những đến năm 2021, nguồn thu bản quyền đã đạt thỏa thuận thêm 2 tỉ đồng. Sự đột phá mạnh chỉ đến vào năm 2023 khi giá trị của bản quyền giải đấu lên đến 2 triệu USD/mùa" – Ông Trần Anh Tú chia sẻ.

Dù vậy, nhìn vào thực tế, ở thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít môn thi đấu thuộc các Liên đoàn, Hiệp hội như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, một số môn võ… nhận được sự quan tâm, đầu tư. Cần phải thừa nhận rằng, mức độ hoạt động hay thu hút sự quan tâm, đầu tư xã hội của mỗi Liên đoàn, Hiệp hội không giống nhau. Rất dễ để nhận thấy khác biệt về sự quan tâm, đầu tư giữa từ các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội giữa các Liên đoàn, Hiệp hội.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhận định, mỗi Liên đoàn, Hiệp hội đều có những đặc thù riêng về các loại hình thể thao phong trào, thành tích cao và chuyên nghiệp. Do đó, vai trò điều phối của Liên đoàn, Hiệp hội phải có sự điều chỉnh, tính toán để có sự hài hòa, tạo động lực và là nền tảng cùng phát triển. Dưới góc độ quản lý nhà nước cũng như triển khai văn bản pháp luật, cần có sự điều phối của lãnh đạo.

Do vậy, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các vấn đề còn tồn tại từ thực tiễn XHH và để chính sách thực sự đi vào đời sống, cần có những quyết sách giúp mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao.

Cần những quyết sách tạo đào thuận lợi hơn

Cơ chế chính sách hiện tại đối với việc phát triển kinh tế thể thao hiện đang đạt được nhiều thành quả tích cực. Dù vậy, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tháo bỏ giúp cho những chính sách đi vào thực tiến, khắc phục những bất cập trong thực thi chính sách và giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo với quy định pháp luật.

Mở rộng "con đường" phát triển kinh tế thể thao (Bài 3): Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao - Ảnh 3.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TD,TT theo hướng kinh doanh

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, chính sách XHH trong thời gian qua của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn và là nền móng để phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Bởi vậy, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác XHH, hướng tới xây dựng một nền kinh thế thể thao Việt Nam vững chắc cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính.

Đầu tiên, về thế chế, chính sách, TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục, Thể thao theo hướng kinh doanh. Trong đó, bổ sung các lĩnh vực hoạt động kinh doanh thể thao, thúc đẩy mọi hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể thao ở trong và ngoài nước, các quy định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ thể thao...

Thứ hai, đối với việc phát triển thị trường kinh tế thể thao, cần xây dựng Chiến lược phát triển với định hướng, nội dung phát triển trọng tâm nhằm vào tạo lập và phát triển thị trường thể thao; Xây dựng kịch bản quốc gia cụ thể hóa chiến lược với các phương án huy động nguồn lực, tạo lập và phát triển các yếu tố cơ bản của thị trường.

Cuối cùng là thúc đẩy hợp tác công - tư. TS. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam, một trong những yếu tố cần thiết là hoàn thiện luật pháp về hợp tác công – tư trong lĩnh vực kinh tế thể thao.

Ngoài ra, cần tổ chức thí điểm hợp tác theo phương thức đối tác công – tư đối với một số công trình thể thao trọng điểm quốc gia. Xây dựng các chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân tham gia xây dựng, khai thác, vận hành các công trình thể thao đã được Nhà nước đầu tư....

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Mạnh Hùng, ông Oh Yeong-woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Hàn Quốc nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn những cơ chế pháp luật liên quan để tổ chức các sự kiện Văn hóa, Thể thao lớn. Cũng như Hàn Quốc, để có thể tổ chức những sự kiện lớn mang tầm quốc tế, yếu tố tiên quyết là quyết tâm đến từ lãnh đạo Nhà nước, sau đó là hợp tác công-tư giữa cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng Việt Nam có thể khắc phục được những khó khăn hiện tại. Đôi lúc chúng ta cần mạo hiểm đầu tư để lấy đà phát triển.Tôi mong rằng, trong tương lai, thông qua các sự kiện thể thao, Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, mang văn hóa đặc trưng của Việt Nam tới gần hơn văn hóa đại chúng thế giới" - ông Oh Yeong-woo bày tỏ.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ