• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mối đe dọa với bệnh đậu mùa khỉ trước tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Thế giới 25/07/2022 15:15

(Tổ Quốc) - Theo CNBC, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh gia tăng các ca mắc trên khắp thế giới.

WHO đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe y tế toàn cầu và cần phải có sự hợp tác của quốc tế để ngăn chặn nguy cơ virus lây lan mạnh trở thành đại dịch.

Mối đe dọa với bệnh đậu mùa khỉ trước tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Tháng trước, cơ quan Liên hợp quốc đã từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn đối với bệnh đầu mùa khỉ. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm bệnh gia tăng đáng kể trong vài tuần qua khiến Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus phải gấp rút thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu ở mức cao nhất đối với loại bệnh này.

"Chúng tôi đã chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh lây lan nhanh trên khắp thế giới thông qua những phương thức lây truyền mới. Bởi tất cả những lý do này, tôi đã quyết định công bố nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng mà quốc tế phải quan tâm", ông Tedros nhấn mạnh.

Theo dữ liệu của WHO, hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên hơn 70 quốc gia trong năm nay và số ca nhiễm được xác định đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. WHO cũng cảnh báo nam giới có quan hệ tình dục đồng giới hiện có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất. 5 ca tử vong ở châu Phi do loại virus của bệnh đậu mùa khỉ gây ra đã được báo cáo trong năm nay. Ngoài châu Phi, hiện chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo cho đến nay.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hầu hết các trường hợp mắc bệnh sẽ hồi phục trong vòng từ 2-4 tuần. Virus có thể gây phát ban lan ra khắp cơ thể. Những người đã nhiễm virus cho biết phát ban, trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước, có thể rất đau.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được xem là bất thường vì mức độ lây lan quy mô lớn ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, khu vực chưa từng phát hiện ra loại virus gây bệnh này. Trong lịch sử, bệnh đậu mùa ở khỉ chỉ lây lan ở mức độ thấp ở các vùng xa xôi của tây và trung Phi, nơi các loài gặm nhấm và các động vật khác mang virus.

Châu Âu hiện là "tâm chấn toàn cầu" của đợt bùng phát, chiếm hơn 80% trường hợp nhiễm bệnh trên khắp thế giới vào năm 2022. Cho đến hiện tại, Mỹ đã báo cáo hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 44 bang.

Ông Tedros cho biết nguy cơ do bệnh đậu mùa khỉ gây ra được đánh giá ở mức độ vừa phải trên toàn cầu nhưng mối đe dọa cao vẫn ở châu Âu. Ông Tedros nhấn mạnh nguy cơ virus tiếp tục lây lan trên khắp thế giới vẫn xảy ra mặc dù hiện nó ít có khả năng làm gián đoạn hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu. Hồi đầu tháng Năm, Vương quốc Anh đã báo cáo một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi một người dân trở về từ Nigeria. Vài ngày sau, Vương quốc Anh báo cáo ghi nhận thêm ba trường hợp khác nhiễm bệnh tại địa phương. Các quốc gia châu Âu khác như Canada và Mỹ cũng bắt đầu xác nhận các trường hợp mắc bệnh nhưng không rõ nguồn lây.

Chuyên gia hàng đầu của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, Tiến sĩ Rosamund Lewis cho biết, cơ quan y tế Liên hợp quốc không quá lo ngại về bệnh đậu mùa khỉ gây ra đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm vẫn cảnh báo các cơ quan y tế sẽ không thể ngăn chặn nếu nguy cơ bùng phát diễn ra và cho rằng căn bệnh này sẽ bám rễ vĩnh viễn ở những quốc gia trước đây chưa từng chứng kiến căn bệnh này.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ không phải là mới

Theo CNBC, khác với Covid-19, virus gây bệnh bệnh đậu mùa khỉ không phải là mới. Các nhà khoa học đã từng phát hiện bệnh này lần đầu tiên vào năm 1958 và xác nhận trường hợp đầu tiên mắc loại virus này đầu tiên vào năm 1970 ở Zaire, nay gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.

WHO và cơ quan y tế quốc gia đã có kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ chống lại căn bệnh đậu mùa. Cuộc chiến chống bệnh đậu mùa thành công và là công cụ để phát triển chống lại bệnh đậu mùa khỉ, cung cấp các kiến thức quan trọng cho các nhà nghiên cứu và phát triển.

Trước đây, khả năng lây nhiễm từ người sang người với loại bệnh đậu mùa khỉ là tương đối hiếm và virus thường lây từ động vật sang người. Tuy nhiên, gần đây, loại bệnh này được phát hiện là lây từ người sang người nhiều hơn. WHO cho biết cộng đồng quốc tế hiện chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào căn bệnh đậu mùa khỉ châu Phi trước khi có nguy cơ bùng phát.

"Mức độ lây truyền tiếp tục xảy ra ở các quốc gia châu Phi trong nhiều năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục phải nghiên cứu và đầu tư thời gian nhiều hơn nữa ở căn bệnh này", Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO cho biết.

Bên cạnh đó, CDC Mỹ đã khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc thân mật với những người bị phát ban giống như bệnh đậu mùa khỉ và cân nhắc giảm thiểu quan hệ tình dục với nhiều người. Những trường hợp đã quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh đậu mùa khỉ thì nên tuân theo hướng dẫn của CDC về giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Trước đây, loại bệnh này thường bắt đầu với triệu chứng như cúm, sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh tiến triển thành phát ban lan rộng khắp cơ thể. Bệnh nhân được coi là dễ lây nhiễm nhất khi phát ban.

Trong đợt bùng phát hiện tại, các triệu chứng không điển hình. Nhiều bệnh nhân thậm chí phát ban khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với các vật liệu bị ô nhiễm, chẳng hạn như khăn trải giường và quần áo.

Bởi vì bệnh đậu mùa khỉ không phải là loại virus mới nên hiện vaccine và thuốc kháng virus đã có sẵn để ngăn ngừa và điều trị kịp thời. Mỹ đã phân phối hàng chục nghìn liều vaccine Jynneos trong nỗ lực ngăn chặn bùng phát.

WHO không khuyến nghị tiêm chủng hàng loạt vào thời điểm này và Mỹ đã có vaccine cho những người đã xác nhận hoặc phỏng đoán có phơi nhiễm căn bệnh này. Không giống với vaccine Covid, vaccine phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ có thể được tiêm sau khi tiếp xúc do thời gian ủ bệnh dài của virus. Tuy nhiên, theo CDC, loại vaccine này cần được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ ngày tiếp xúc để có cơ hội tốt nhất ngăn ngừa khỏi sự khởi phát của bệnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ