(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã nêu ví dụ cụ thể như vậy khi tranh luận lại với ý kiến của một số đại biểu cho rằng, công tác giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an đang quá tải.
- 21.05.2020 Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh
- 21.05.2020 Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Việc tăng lương cho cán bộ viên chức, lương hưu có thể dời sang tháng 7 năm sau
- 21.05.2020 Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: “Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”
Từng có vụ án giám định công an “bó tay”, giám định quân đội vào mới có kết quả
Chiều 21/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Một trong những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau nhất ở dự án này là quy định tại Điều 12 về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC)”.
Cụ thể, dự thảo bộ Luật này có bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Qua thảo luận trực tuyến, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Cụ thể, một số đại biểu bày tỏ tán thành với quy định tại dự thảo luật như nêu trên và cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Theo đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), từ ngày 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), không phải quá tải hay không quá tải mà chưa bao giờ việc tránh oan sai trong hoạt động điều tra truy tố xét xử đòi hỏi cao như hiện nay. Việc thiết kế cơ quan giám định ở VKSNDTC là xuất phát từ yêu cầu này và được quy định tại khoản 7, điều 165, Luật Tố tụng hình sự khi nói viện kiểm sát với cơ quan điều tra.
Theo đó, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.
“Đặt giả sử trong giám định âm thanh, hình ảnh đã được chính Bộ Công an giám định mà bây giờ phát hiện khả năng có vấn đề. Nếu bây giờ lại giao giám định lại cho chính cơ quan đó thì kết quả sẽ như thế nào?” - đại biểu Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề.
“Đại biểu này này cho biết, qua thực tiễn, trong lịch sử tư pháp đã có vụ việc nhiều lần giám định của công an không ra được, chỉ đến khi giao giám định bên quân đội lúc đó mới ra vụ án” - vị đại biểu này cho biết.
Mỗi năm chỉ 8 vụ giám định âm thanh, hình ảnh
Tranh luận lại quan điểm của đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ không đồng tình. “Nếu như thế thì chúng ta phải thành lập một cơ quan giám định thuộc cơ quan Tòa án nhân dân tối cao vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được một người có tội hay không quá tội. Nếu như chúng ta nói rằng để chống oan sai mà thành lập thêm một cơ quan giám định độc lập với công an, quân đội thì không hợp lý” - đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói thêm: “Từ trước đến nay, chưa có cơ quan giám định kỹ thuật hình sự, thử hỏi, VKSNDTC đã có bao nhiêu yêu cầu về giám định mà các cơ quan giám định không đáp ứng yêu cầu của Viện chưa, rõ ràng là không có”.
“Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mà tôi có trong tay, trong 8 năm tính từ năm 2012 cho đến nay, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 8 vụ thôi, anh em ngoài đó ngồi chơi không có việc làm đâu” - đại biểu Cầu nói.
Cũng theo vị đại biểu này, về ý kiến nói yêu cầu giám định âm thanh, tiếng nói nhiều nên VKSNDTC liên tục phải giám định là không có cơ sở chút nào bởi nền tư pháp ngày càng phát triển thì oan sai ngày càng giảm đi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thì không phù hợp.
Đồng quan điểm với đại biểu Cầu và đại biểu Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, việc bổ sung quy định này, về yêu cầu thực tế là chưa thực sự cần thiết. Ngoài ra, nếu bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC sẽ không phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước.