(Tổ Quốc) - Khi Trung Quốc tuyên bố đã chính thức ký hiệp ước an ninh với quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương là quần đảo Solomon trong tuần này thì mọi chú ý có lẽ đang dồn về Bắc Kinh.
Tính minh bạch trong hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Solomon
Theo CNN, Trung Quốc tuyên bố đã chính thức ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào ngày 20/4. Trung Quốc nhấn mạnh đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở quần đảo Solomon, một quốc gia có dân số chưa bằng 1/2 Manhattan - một quận đông dân nhất thành phố New York.
Tuy nhiên, các quốc gia khác lại đang nhìn thấy sự khác biệt. Australia, New Zealand và Mỹ xem đây là cuộc chơi quyền lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Một số ý kiến cho rằng, hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Solomo sẽ là cơ sở cho Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở Thái Bình Dương. Australia và Mỹ có lẽ cũng lo ngại về điều này.
Mặc dù các thông tin chi tiết về hiệp ước vẫn chưa thông báo cụ thể nhưng một số người cho rằng thỏa thuận có thể khiến Australia "đứng ngồi không yên" bởi các lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh các lĩnh vực này, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, ở diễn biến hiện tại, Australia và các đối tác nên có cách tiếp cận khác trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ông Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, người trước đây từng làm cố vấn cấp cao cho Bộ trưởng Quốc phòng và Thủ tướng Australia nói rằng, cả Canberra và Washington đều quan ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc lần này ở quần đảo Solomon.
Trang Global Times của Trung Quốc ngày 20/4 khẳng định tính minh bạch trong hiệp ước an ninh giữa Bắc Kinh và Solomon sau khi phía Mỹ và Australia bày tỏ lo lắng về sự thiếu minh bạch của hiệp ước.
"Trung Quốc và Solomon sẽ hành động theo thông lệ quốc tế trên cơ sở tham vấn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày 20/4 sau khi tuyên bố chính thức ký kết hiệp ước an ninh song phương.
Ngày 20/4, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare cũng nhấn mạnh hiệp ước an ninh giữa Solomon và Trung Quốc đã được ký kết giữa Bộ trưởng ngoại giao hai nước.
"Hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Solomon sẽ không làm ảnh hưởng đến hòa bình và sự hài hòa bình trong khu vực", Thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết.
Mối quan tâm của Mỹ, Australia tới hiệp ước
Mối quan tâm về hiệp ước này sẽ tiếp tục "nóng" trong vài tuần tới. Theo một số tài liệu rò rỉ, thông qua hiệp ước, Solomon sẽ kêu gọi sự hỗ trợ từ Trung Quốc nhằm duy trì trật tự xã hội và cứu trợ thiên tai.
"Hiệp ước an ninh với Trung Quốc có sức hấp dẫn đặc biệt với quần đảo Solomon nhằm thúc đẩy nước này đa dạng hóa quan hệ an ninh và tạo đòn bẩy chính trị trong khu vực", ông Tarcisius Kabutaulaka, nhà khoa học chính trị Đại học Hawaii cho biết.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng hiệp ước này chỉ là giai đoạn đầu tiên cho kế hoạch lớn hơn và khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở đây. Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand lưu ý hiệp ước sẽ đặt ra một số thách thức lớn đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong thời gian tới.
Phản ứng trước các thông tin trên, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare ngày 20/4 khẳng định hiệp ước không bao gồm việc cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đồng thời kêu gọi sự tôn trọng đối với chủ quyền đất nước.
"Chúng tôi tham gia hiệp ước với Trung Quốc nhằm hướng tới một tương lai rộng mở vì lợi ích quốc gia của chúng tôi", Thủ tướng Manasseh Sogavare nhấn mạnh.
Ông Sogavare nói rằng thỏa thuận với Trung Quốc "bổ sung" cho hiệp ước hiện có của Quần đảo Solomon với Australia. Vì vậy, nếu không có thỏa thuận này, quốc đảo sẽ không thể lấp "những lỗ hổng an ninh quan trọng".
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cũng nhấn mạnh hiệp ước "cởi mở, minh bạch và bao trùm", không "nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào".
Tuy nhiên, vẫn có rất ít thông tin chi tiết cung cấp.
"Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiệp ước cũng như các định hướng phát triển từ hiệp ước này", ông Hugh White từ Đại học quốc gia Australia cho biết.
Giới quan sát cho rằng, hiệp ước mới giữa Solomon và Trung Quốc mang lại một thông điệp rằng các phương pháp tiếp cận của Australia và các đồng minh trong khu vực chưa được phát huy. Cho dù Australia từ lâu đã nhắc đến ý tưởng "gia đình Thái Bình Dương" nhưng theo ông White, Australia rất ít chú ý đến Thái Bình Dương trừ khi liên quan đến vấn đề an ninh. Và hơn thế nữa, Australia và các đồng minh vẫn đang mắc kẹt bởi quá khứ với suy nghĩ Trung Quốc chưa thể gia tăng ảnh hưởng xung quanh khu vực", ông White nói.
Theo ông Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở phía tây nam Thái Bình Dương và điều này sẽ là định hướng trong thời gian tới./.