Ngày 10/11, Bộ Công Thương tổ chức Lễ bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban).
Theo đó, 6 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA).
Theo báo điện tử VOV, đây là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại trên 555.000 tỷ đồng tại các doanh nghiệp này (bằng 1/2 tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban). .
Lễ bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: VOV
Nội dung bàn giao gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như Quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...
Trước thời điểm bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.
Hai cơ quan cũng xác định cơ chế phối hợp để tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết, sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Cuối tháng 9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chính thức ra mắt. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho hay, các doanh nghiệp cần chú ý 3 vấn đề trọng tâm, gồm việc chuẩn bị hồ sơ chuyển giao; đánh giá thuận lợi khó khăn khi chuyển giao và dự kiến thời gian chuyển giao.
Về kế hoạch năm 2019, trên tờ VnEconomy, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động đến 2020, 2021 và tầm nhìn 10, 20 năm tiếp theo.
Việc quản lý, sử dụng vốn và cơ chế sử dụng vốn luôn là vấn đề cần được quan tâm nhằm tăng tính chủ động của doanh nghiệp những cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Về các công tác khác như cổ phần hóa, sắp xếp bộ máy và các việc tồn đọng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng cần có báo cáo kịp thời để cùng tháo gỡ.
Được biết, 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Uỷ ban, gồm: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Ngoài ra còn là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam./.