• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mua bán vũ khí 2010: Tăng kỷ lục bất chấp khủng hoảng kinh tế

Thế giới 26/01/2011 09:26

(Toquoc)-Mỹ, Nga, Anh, Pháp vẫn là những ông trùm xuất khẩu.Nam Á trở thành thị trường béo bở cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ, Nga.

(Toquoc)-Thị trường vũ khí thế giới 2010 vẫn rất sôi động bất chấp khủng hoảng kinh tế khiến nhiều quốc gia phải cắt giảm ngân sách quốc phòng. Mỹ, Nga, Anh, Pháp vẫn là những ông trùm xuất khẩu vũ khí. Trong khi đó, Nam Á trở thành thị trường béo bở cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ, Nga.

Theo trung tâm phân tích mua bán vũ khí thế giới, năm 2010 là năm kỷ lục trong lịch sử mua bán vũ khí với tổng giá trị xuất khẩu đạt 75,026 tỷ USD. Mỹ, Nga, Anh và Pháp vẫn là “những ông trùm” trong lĩnh vực này. Trung Quốc cũng đang nổi lên về việc xuất khẩu vũ khí, cung cấp các loại máy bay chiến đấu, tên lửa và các trang thiết bị quân sự hiện đại.

Theo truyền thống, nhu cầu vũ khí cao nhất trên thế giới vẫn là trang thiết bị khí tài hàng không. Trong đó máy bay tiêm kích chiếm tỷ trọng lớn nhất. Vào năm 2009, thị phần của máy bay tiêm kích, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chiếm gần 33% trên tổng giao dịch mua bán vũ khí. Hệ thống tên lửa đất đối không ở vị trí thứ hai, và thứ ba là các loại vũ khí cho bộ binh và hạm đội.

Máy bay chiến đấu, một trong những mặt hàng vũ khí được giao dịch nhiều nhất trong năm 2010

Mỹ- quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất

Theo SIPRI, đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí, Mỹ đã lập doanh số kỷ lục mới 38,1 tỷ USD trong năm 2010. Thị phần của Mỹ trong năm 2009 trên thị trường mua bán vũ khí chiếm 30%; năm 2010, Mỹ chiếm đến 42% tổng giao dịch mua bán vũ khí trên toàn thế giới. Cơ quan hợp tác quân sự (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, năm 2010 là năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt ngưỡng 30 tỷ USD. Những bạn hàng lớn của Mỹ có Afghanistan, Israel, Ai Cập. Trong năm 2010, với việc bán cho Ấn Độ số máy bay vận tải quân sự trị giá hơn 5 tỷ USD, Mỹ vẫn đang dẫn đầu các nhà cung cấp vũ khí cho Ấn Độ. Năm 2010, Mỹ cũng bán cho lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Kuwait… một khối lượng lớn vũ khí trị giá hàng tỷ USD.

Theo DSCA, xuất khẩu vũ khí theo hai hướng chủ yếu: thông qua ký kết với các chính phủ nước ngoài (FMS) và ký hợp đồng trực tiếp. FMS do DSCA làm trung gian để các chính phủ ký thỏa thuận với nhau. Theo cách này, Mỹ bán được 25,2 tỷ USD vũ khí. Còn các hợp đồng cung cấp trực tiếp, ký với các hãng sản xuất vũ khí, chỉ đạt 6,4 tỷ USD.

Trong năm 2011, nhu cầu vũ khí, khí tài trên thế giới có thể còn tăng. Ngày 8-10-2010 (thuộc năm tài chính 2011), Israel mua của Mỹ 20 máy bay tiêm kích F-35 Lightning II với tổng giá trị 2,75 tỷ USD. Ngoài ra, trong năm 2011, Mỹ còn có thể cung cấp cho Saudi Arabia một lượng vũ khí lớn với tổng trị giá 60 tỷ USD, trong đó có 70 trực thăng Apache Block III, 72 Black Hawk, 36 AH-6i và 84 tiêm kích F-15SA. Những hợp đồng xuất khẩu vũ khí như thế có thể khiến cho vị trí quán quân của Mỹ khó có thể bị lay chuyển.

Nga: Á quân với lợi thế về vũ khí giá rẻ

Tổ chức Hợp tác kỹ thuật - quân sự liên bang thông báo: Năm 2010 xuất khẩu vũ khí, khí tài đạt gần 10 tỉ USD. Chính xác hơn là các hợp đồng ký kết được tổng cộng 9,958 tỉ USD. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport - ông Anatoli Isainik, mua bán vũ khí của Nga năm thứ 11 liên tiếp tăng. Trung bình mỗi năm tăng từ 500 - 700 triệu USD. Hiện Nga bán vũ khí cho 70 quốc gia trên thế giới.

"Nếu như trước đây Nga chủ yếu bán vũ khí cho Ấn Độ và Trung Quốc (chiếm 80% tổng các hợp đồng), thì nay cơ cấu đã thay đổi - ông Anatoli Isainik nói - Hiện đã xuất hiện các quốc gia khác mong muốn mua vũ khí của chúng ta. Cụ thể có tới 10 quốc gia chiếm 90% các hợp đồng mua bán vũ khí". Trong năm 2010, Nga chiếm gần 13% thị trường mua bán vũ khí thế giới. Trong khi đó theo kết quả năm 2009, Nga chiếm tới 17,5% thị phần. Cũng cần nói thêm, năm 2009, chỉ riêng Rosoboronexport đã bán được 7,4 tỉ USD trên tổng số 8,4 tỉ USD vũ khí mà Nga bán ra. Khi đó, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá thị phần của Nga trong lĩnh vực này trên thế giới là 24%, chỉ đứng sau Mỹ.

Rất nhiều nước thèm muốn tổ hợp phòng không S-400 của Nga

Vũ khí của Nga thường có giá rẻ nên được các nước đang phát triển mua khá nhiều. Vị thế của Nga trên thị trường vũ khí thế giới năm 2011 hầu như không thay đổi. Dự báo từ phía Nga, trong một vài năm tới, xuất khẩu vũ khí của cường quốc này sẽ đạt trung bình 9 - 10 tỷ USD/năm. Theo Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (CAWAT), trong năm 2011, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn thế giới sẽ đạt 62,9 tỷ USD. Báo chí Nga cũng cho biết thêm trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Medvedev, hai bên đã ký kết một thỏa thuận về nghiên cứu và phát triển các loại máy bay quân sự thế hệ thứ năm, theo đó Nga sẽ giao cho Ấn Độ từ 250 - 300 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và 45 máy bay vận tải quân sự trong 10 năm tới.

Ngoài Mỹ và Nga, Anh, Pháp, Đức tiếp tục là những nước có ngành công nghiệp quốc phòng truyền thống ở châu Âu và là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất ở “lục địa già”. Bên cạnh đó, năm 2010 chứng kiến sự nổi lên của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự. Vũ khí giá rẻ của Trung Quốc đang ngày một chiếm lĩnh thị trường các nước đang phát triển.

Nam Á: Thị trường béo bở

Hiện khoảng 90% các hợp đồng mua vũ khí đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt những nước Nam Á, trong đó có Ấn Độ. Nước này từ lâu đã tuyên bố đến trước năm 2016 sẽ mua một lượng vũ khí trị giá lên tới 110 tỷ USD nhằm mở rộng quân bị. Danh mục vũ khí bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, tàu ngầm và pháo hạng nặng.

Bangladesh, láng giềng của Ấn Độ cũng mới tiết lộ các kế hoạch mua sắm vũ khí quân dụng hạng nặng, mua mới các máy bay chiến đấu và trực thăng với hệ thống phòng thủ tên lửa trên không tầm ngắn, cụ thể mua mới khoảng 140 xe bọc thép để tăng cường sức mạnh cho quân đội. Việc mua sắm của Bộ Quốc phòng Bangladesh còn được tiếp tục với các xe tăng hiện đại và pháo tự hành nhằm tăng cường phòng không, cũng như một tàu quan sát hiện đại, một hệ thống tên lửa hiện đại và hai tàu tuần tra ngoài khơi sẽ được bổ sung cho lực lượng hải quân.

Ngoài Nam Á, Mỹ Latin và Trung Đông cũng là những thị trường béo bở cho các tập đoàn quốc phòng Nga, Mỹ. Nếu tính cả giai đoạn 2002-2009, Brazil và Venezuela là hai trong 10 nước mua sắm vũ khí nhiều nhất.

V.V (Tổng hợp)

Kỳ II: Vũ khí giá rẻ Trung Quốc “lên ngôi”

NỔI BẬT TRANG CHỦ